Đầu tư cho giáo dục - đầu tư cho tương lai
Đầu thế kỷ 21, nền giáo dục của nhân loại có những bước tiến lớn với nhiều thành tựu về mọi mặt. Hầu hết các quốc gia đều nhận thức được sự cần thiết và cấp bách phải đầu tư cho giáo dục.
Đầu tư cho giáo dục được coi là đầu tư có lãi lớn nhất cho tương lai của mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi gia đình, dòng tộc và mỗi cá nhân.
Muốn hoạch định được chính sách đầu tư sâu rộng có hiệu quả cho giáo dục phải có tầm nhìn xa trông rộng. Chính vì vậy, UNESCO đã chỉ ra vai trò của giáo dục trong thời đại ngày nay và đã từng kêu gọi các quốc gia giảm chi phí cho vũ khí để đầu tư cho giáo dục. Theo ước tính: Cứ ba phút thế giới lại có một phát minh khoa học, nên UNESCO đã khuyến nghị với mọi người về khối lượng tri thức khổng lồ của nhân loại cần được chuyển giao cho các thế hệ. Điều đó khẳng định rằng: Quốc gia nào không đầu tư cho giáo dục sẽ có nguy cơ tụt hậu nghiêm trọng trong tương lai.
Luật giáo dục 2005 của nước ta cũng đã khẳng định: “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” (điều 9). Tại điều 13 cũng nhấn mạnh: “Đầu tư giáo dục là đầu tư phát triển, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Khuyến khích bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho giáo dục, trong đó ngân sách Nhà nước giữ vai trò chủ yếu trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục”. Giáo dục đảm nhận việc DẠY NGƯỜI với bốn trọng tâm của “Chiến lược con người” ở thế kỷ 21: Thứ nhất là HỌC TRI THỨC (Con người có tri thức chuyên sâu, có trình độ học vấn và trình độ văn hoá cao, có khả năng cống hiến). Thứ hai là: HỌC CÁCH LÀM VIỆC (Biết tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần có chất lượng cao cho xã hội, sự năng động sáng tạo trong công việc). Thứ ba là: HỌC CÁCH TỒN TẠI (để có khả năng thích nghi với nhịp điệu của xã hội hiện đại trong môi trường sống rộng mở phức tạp, đa chiều. Nhất là trong xu thế hội nhập hiện nay). Thứ tư là: HỌC CÁCH CHUNG SỐNG (Có kiến thức về bản sắc riêng của từng dân tộc, am hiểu văn hoá thế giới, đáp ứng được xu thế quốc tế hoá toàn cầu. Con người chung sống trong đối thoại hoà bình). Điều đó đặt giáo dục trước những cơ hội vàng, song giáo dục cũng phải chấp nhận những thách thức lớn lao của thời đại. Nếu không được đầu tư đúng mức, khó lòng đạt được mục tiêu.
Những ai quan tâm tới giáo dục có thể thấy chỉ trong 5 năm cuối thế kỷ 20 và 5 năm đầu thế kỷ 21, tất cả các tỉnh thành, vùng miền trên cả nước đã đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục. Yên Bái là một tỉnh miền núi nghèo, có nhiều vùng đặc biệt khó khăn song đã đầu tư tới 248,4 tỷ VNĐ để xoá phòng học tạm, trong đó có tới 54 tỷ VNĐ là ngân sách địa phương, tính đến 2006 đã có 89% phòng học được kiên cố hoá và từng bước xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia, hiện nay đã có 28 trường đạt chuẩn quốc gia trên tổng số 568 trường. Đó là một cố gắng lớn. Quan tâm đến chất lượng đội ngũ, Yên Bái đã đầu tư kinh phí đào tạo lại và đào tạo nâng chuẩn, ưu tiên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý và bồi dưỡng học sinh giỏi nên ở tất cả các bậc học, đội ngũ giáo viên đạt chuẩn đều đạt từ 93% trở lên, góp phần đáp ứng yêu cầu thay sách và đổi mới giáo dục. Tỉnh bạn Hà Tĩnh cũng là một miền quê nghèo nhiều bão lũ nhưng có truyền thống hiếu học, việc đầu tư xây dựng hệ thống trường đạt chuẩn quốc gia cũng được chú trọng. Huyện miền núi Hương Khê 100% trường đã đạt chuẩn quốc gia. Huyện miền núi Vụ Quang được đầu tư xây dựng TTGDTX rất hiện đại, tạo điều kiện cho phong trào thi đua Hai tốt và xây dựng một xã hội học tập bền vững. Đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn đạt trên 98%.
Năm nay, Bộ Giáo dục đầu tư khoản tiền lớn vài trăm tỷ VNĐ cho cuộc vận động “Hai không” cũng là mạnh dạn đầu tư cho chất lượng “Học thật, thi thật ” trong một tương lai gần. Ai cũng biết Cu Ba là một quốc gia bị bao vây cấm vận, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng chính phủ vẫn đầu tư cao cho giáo dục và y tế. Như vậy, không hẳn là phải chờ giầu có mới đầu tư cho giáo dục được.
Ở phạm vi gia đình - một tế bào của xã hội cũng vậy. Nhiều gia đình nông dân thu nhập không cao hoặc các gia đình công chức bình thường không dư dật về kinh tế nhưng vẫn đầu tư cho con cháu ăn học đến nơi đến chốn. Nhiều dòng họ lập quỹ khuyến học, trợ giúp và khen thưởng con em, không để cháu nào thất học với suy nghĩ thật giản dị: “Học để ấm vào thân”, “Học để làm người”, “Học để lập thân lập nghiệp”.
Là một trong năm quốc gia được đánh giá là có nền kinh tế mới nổi, Việt Nam đang trên đà hội nhập khu vực và quốc tế, thu nhập xã hội đang từng bước tăng lên, mặc dù hiện nay đang gặp khó khăn trước tình hình suy thoái kinh tê thế giới, nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng việc đầu tư cho giáo dục sẽ được toàn xã hội quan tâm, coi đó là đầu tư cho phát triển để tiến tới đạt được mục tiêu xây dựng một nền giáo dục “Chuẩn hoá, hiện đại hoá, xã hội hoá”.
Dương Hiền Nga (Trung tâm giáo dục thường xuyên thị xã Nghĩa Lộ - tỉnh Yên Bái)
LTS Dân trí - Từ nhiều năm trước, quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước ta đều nhấn mạnh: Phát triển Giáo dục và Đào tạo cũng như Khoa học và Công nghệ là quốc sách hàng đầu. Điều đó rất trúng với xu thế phát triển của thời đại và đã được thể chế hóa bước đầu thành pháp luật và các chủ trương, chính sách. Nhờ vậy, sự đầu tư cho giáo dục ngày càng tăng. Nhiều địa phương kinh tế chưa phát triển vẫn dành sự quan tâm đặc biệt đối với giáo dục như bài viết trên đây đã nêu lên làm ví dụ.
Tuy nhiên, sự quan tâm đó chưa đồng đều, nhiều nơi chưa coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, cho tương lai để có sự quan tâm đầu tư đúng mức về trường sở cũng như đội ngũ giáo viên, cho nên chất lượng và hiệu quả giáo dục còn nhiều mặt thấp kém.
Chúng ta còn phải ra sức phân đấu để đuổi kịp các nước trong khu vực về giáo dục - đào tạo cũng như khoa học và công nghệ.