Đất trời vào Xuân, lòng người càng bâng khuâng nỗi nhớ

(Dân trí) - Vòng thời gian đang quay gấp gáp những nhịp cuối cùng. Dường như những “chút nắng vàng” người phương Nam muốn gửi ra Trung, ra Bắc, đã giúp xua tan dần giá rét. Đâu đây như văng vẳng lời ca: Em ơi mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời…!

Đất trời vào Xuân, lòng người càng bâng khuâng nỗi nhớ - 1
Đào thắm...
 

Dòng người xe trên các đường phố thủ đô Hà Nội vốn đã chật ních, giờ càng trở nên như không thể nhúc nhích nổi khi bị nêm thêm những xe hàng Tết cồng kềnh, xe chở đồ đạc mới giao hàng đợt cuối năm, cùng cơ man nào xe chở đào, quất, cây cảnh…

 

Chiếm thế thượng phong năm nay là quất. Cây to, cây nhỏ đều tươi mơn mởn, đeo lúc lỉu trái chín, trái xanh, lộc non, lá thắm. Đào thì dù có phần kém tưng bừng hơn những năm trước, nhưng tuần cuối cùng sát Tết này cũng đã bắt đầu kịp khoe nụ, bung bông. Sắc thắm hồng đào bích, phơn phớt đào phai đã sáng bừng lên trên nhiều tuyến phố.

 

“Đội quân đào núi về xuôi” mấy ngày trước còn khẳng khiu, trơ trụi  âm thầm bên những hàng cây, góc phố. Giờ cũng chẳng chịu thua chị kém anh, bắt đầu khoe ra những nụ xinh ưng ửng chút màu trắng, chút sắc hồng e ấp…Rực rỡ hơn như mặt trời mùa xuân là sắc vàng của hoa mai, hoa cúc; sắc hồng sắc đỏ của hoa đỗ quyên cùng muôn hồng ngàn tía của trăm hoa đua nở.

 

Giao thương ba miền những ngày này càng hối hả hơn bao giờ hết. Chiều xuôi Nam nào đào, quất, nào bánh chưng, giò chả… Chiều ngược Bắc trĩu nặng nào dưa hấu, các chủng loại trái cây đặc sản miệt vườn, nào mai vàng, các loài  hoa quý Đà Lạt…

 

Rời miền Bắc vào Nam sinh sống đã lâu, vậy mà cứ mỗi dịp năm hết Tết đến, những người bạn gốc Hà Nội của tôi đều hối thúc đòi “hối lộ”toàn những món cổ truyền đậm chất Bắc.

 

Người kêu thèm bánh chưng Tranh Khúc (Thanh Trì) ăn kèm giò chả Ước Lễ (Thanh Oai). Kẻ than nhớ xôi nếp cái hoa vàng, xôi nếp nương Sơn La. Cô C. lan man về nỗi nhớ “của chua” nhưng phải là những ô mai sấu, mơ, mận, khế phố Hàng Đường.  Anh A. “nhấn mạnh”: cần gấp chục bánh cốm phố Hàng Than, chục bánh gai Nam Định biếu ba mẹ vợ. Chị B. xuýt xoa “Ước gì có được vài ký xà lách non tươi, sẽ làm bữa bún nem, bún thịt nướng ăn kèm húng Láng, thơm, mùi Hà Nội thì thật là xôm tụ”…

 

Và phần tái bút, ai cũng chua thêm dòng chữ ngọt như mía lùi: “Nếu được nhớ gửi thêm cành đào nhỏ đỡ nhớ!” (Chỉ khổ cô bạn làm bên ngành hàng không năm nào cũng bị tôi nhờ vả!!!)

 

Đổi lại, Tết Bắc của tôi luôn rất phong phú hương vị Tết Nam nhờ bạn bè “lại quả”. Mai vàng, bánh tét, các loại thực phẩm, mắm, rồi nào là bánh mứt kẹo, nào chôm chôm, vú sữa… Cô em út ba tôi từ miền Trung còn gửi ra làm quà thêm cam Bù, chanh Hương Sơn, cá thu và kẹo Cu đơ tự tay cô chưng mật mía nấu lấy rất khéo…

 

Đi trên phố Hà Nội những ngày cuối năm này, có cảm giác như mưa lây rây, gió mùa đông bắc càng tôn thêm hương sắc mùa Xuân từ từng  ngôi nhà, con phố. Thoang thoảng đâu đây mùi thơm của bánh chưng đang luộc, của măng khô hầm chân giò, của thịt nấu đông, của giò đang xào thơm phức mùi nấm hương, mộc nhĩ…
 
Đất trời vào Xuân, lòng người càng bâng khuâng nỗi nhớ - 2
Mai vàng.

 

Thật ấm cúng, thật thân thương. Như thể mỗi khi đất trời vào Xuân, lòng người càng thêm bâng khuâng bao nỗi nhớ. Nhớ không khí Tết quê nhà, bạn đọc Nguyen Cao – email: nguyencao1979@yahoo.com  tâm sự:

 

“…Đây là dịp để TA đoàn tụ với gia đình sau những ngày tháng làm việc vất vả kiếm sống, để gặp lại đông đủ những người thân trong gia đình, để gặp lại những họ hàng gần gũi mà có lẽ cả năm chả có dịp gặp ngoài vài dịp giỗ chạp, để mặc bộ quần áo đẹp sang thăm hàng xóm, những người "tối đèn tắt lửa có nhau" mà có lẽ chỉ thỉnh thoảng dắt xe đi làm mới nhìn thấy và chào vội một câu…. Đây cũng là dịp để TA bận rộn trang hoàng lại tí nhà cửa, mua sắm ít đồ đạc để lên đời cho những đồ đã cũ, để bận rộn nấu nướng ít món ăn dân tộc, trước là cúng gia tiên, sau là để cùng người thân quây quần bên mâm cơm mà hiếm khi có đủ người trong các ngày bận rộn trong năm… Tóm lại, là một khoảng thời gian ngắn để TA có thể làm những việc chưa làm được trong năm, vì bận rộn, hoặc đơn giản vì không có cơ hội… Một cái Tết luôn có rất nhiều ý nghĩa với mỗi người, với mỗi gia đình và với cả dân tộc TA…”

 

Về “hội chứng sợ Tết” của một số người, Nguyen Cao bộc bạch:

 

“…Thực ra tôi cũng "sợ" Tết đến, nhưng không phải như các bạn, sợ vì phải ăn uống liên miên, sợ phải lũ lượt đi chúc Tết từng nhà, sợ phải mua sắm trang hoàng nhà cửa… Mà tôi "sợ" khi Tết đến, tôi lại nhớ nhà… Tôi sợ tôi lại nhớ tới mẹ tôi cặm cụi nấu từng món ăn ngon bầy biện thật đẹp mắt như những ngày xưa… Tôi sợ tôi lại nhớ bố tôi cặm cụi chăm sóc mấy giò hoa thật đẹp để nở đúng ngày mùng 1 Tết… Tôi sợ tôi lại nhớ những đứa cháu tôi lăng xăng chúc Tết và chờ tôi lì xì lấy hên… Tôi sợ tôi lại nhớ những anh em bạn bè khi cùng nâng ly chúc một năm mới may mắn… Và tôi sợ tôi sẽ lại khóc khi nhớ cái không khí Tết kia…”

 

Kiều Anh