Sóc Trăng:
Đất sử dụng gần 30 năm vẫn bị tòa tuyên cho người khác: Nhiều khuất tất chưa được làm rõ
(Dân trí) - Dù có những khuất tất chưa được làm rõ nhưng TAND Sóc Trăng trong phiên phúc thẩm vẫn tuyên phần đất của ông Trần Văn Tư thuộc về ông Trần Văn Tám khiến người dân rất bức xúc.
Liên quan đến bài viết “Đất sử dụng gần 30 năm vẫn bị tòa tuyên cho người khác” phản ánh trường hợp ông Trần Văn Tư (ngụ ấp Vĩnh Xuyên, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng) bị tòa sơ thẩm tuyên phải trả đất cho em ruột dù đất này ông quản lý, xây dựng chuồng nuôi heo từ gần 30 năm nay, mới đây, tòa phúc thẩm cũng tuyên y án của tòa sơ thẩm khiến ông Tư rất bức xúc khi sự thật bị…từ chối.
Theo trình bày của ông Trần Văn Tư (SN 1955) và vợ là bà Phạm Thị Thanh (SN 1961, ngụ tại ấp Vĩnh Xuyên, thị trấn Mỹ Xuyên, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cũng như xác nhận của nhân chứng, gia đình ông Tư có phần đất làm nhà ở tọa lạc tại địa chỉ trên. Phần đất này là của ông nội cho ông Tư.
Năm 1980, cụ Thái Hanh Tòng (đã mất) chuyển nhượng 10 công ruộng cho ông Tư và bà Thanh, đồng thời cũng cho luôn con đường đi rộng 1,2 mét để ông Tư ra làm ruộng.
Năm 1989, được chú ruột là ông Trần Văn Nhân cho phép, vợ chồng ông Tư đã bỏ công san lấp vùng đất ao trũng phía sau (thuộc sự quản lý của ông Nhân) để xây chuồng nuôi heo (lợn) mà không ai tranh chấp.
Năm 2011, ông Trần Văn Tám (em ruột ông Tư) làm đơn khởi kiện, yêu cầu ông Tư phải trả lại phần đất làm chuồng heo và con đường đi cho ông với lý do đất của ông được cha là ông Hai cho và được UBND huyện Mỹ Xuyên cấp sổ đỏ năm 2007.
Khi thụ lý đơn khởi kiện của ông Tám, TAND huyện Mỹ Xuyên có công văn yêu cầu UBND huyện Mỹ Xuyên cho biết việc cấp sổ đỏ cho ông Tám có đúng quy định thì UBND huyện Mỹ Xuyên cho rằng cấp đúng quy định pháp luật.
Khai với tòa, bà Thái Thị Cúc (con cụ Thái Hanh Tòng, hiện cư trú tại ấp Vĩnh Xuyên, thị trấn Mỹ Xuyên) khẳng định, năm 1980, khi nhượng lại 10 công đất cho ông Tư thì cụ Tòng cho luôn ông Tư con đường đó. Còn ông Trần Văn Nhân cho biết: “Tôi không nhớ rõ năm nhưng tôi khẳng định tôi có cho cháu Tư phần đất ao trũng để cháu lấp đất làm chuồng heo đã mấy chục năm nay”.
Theo ông Trần Văn Tư, khi ông Tám đăng ký làm sổ đỏ ông không hề biết và ông cũng không ký vào biên bản xác định ranh giới của hộ tứ cận. Hơn nữa, khi làm thủ tục cấp sổ đỏ cho ông Tám thì trên diện tích đất mà ông Tám xin cấp sổ đỏ đã có chuồng heo (là tài sản) của ông Tư thì chính quyền phải làm rõ mới cấp sổ đỏ được.
Vụ án được TAND huyện Mỹ Xuyên đưa ra xét xử vào ngày 3/2/2015. Tại tòa, ông Tư yêu cầu tòa bác đơn khởi kiện của ông Tám và buộc ông Tám phải trả lại phần đất đường đi vốn là của ông được cụ Thái Hanh Tòng cho từ năm 1980 nhưng năm 2007 UBND huyện Mỹ Xuyên cấp sổ đỏ cho ông Tám mà ông không hề biết.
Kết thúc phiên tòa sơ thẩm, HĐXX tuyên buộc ông Trần Văn Tư và bà Phạm Thị Thanh phải trả lại phần đất chuồng heo có diện tích 39,5m2 cho ông Tám, công nhận con đường đi có diện tích 52,4m2 cũng là của ông Tám, bác yêu cầu của ông Tư. Ông Tư kháng cáo lên TAND tỉnh Sóc Trăng nhưng phiên tòa phúc thẩm cũng y án sơ thẩm.
Điều đáng nói, tại phiên tòa phúc thẩm, phía ông Trần Văn Tư đưa ra chứng cứ chứng minh hồ sơ xin cấp GCNQSDĐ cho ông Trần Văn Tám của UBND huyện Mỹ Xuyên là hồ sơ có chữ ký giả mạo của những người khác nhưng tòa vẫn không xem xét.
Cụ thể, trong biên bản họp dân để xác minh nguồn gốc đất tổ chức ngày 1/11/2007 có 5 người dân ký tên trong biên bản nhưng rất bất ngờ, ông Trần Văn Tư dù không có mặt trong cuộc họp vẫn có tên, vẫn có chữ ký (giả mạo) và những người có tên trong biên bản cũng cho biết họ không họp, không ký gì cả. Hồ sơ ký các hộ tứ cận trong đó có ông Trần Văn Tư nhưng ông Tư cũng không hề ký. Thế nhưng tòa vẫn tuyên ông Tám thắng kiện.
Ông Trần Văn Tư bức xúc: “Tại phiên tòa phúc thẩm, chúng tôi đưa các chứng cứ chứng minh hồ sơ cấp sổ đỏ cho ông Tám không đúng quy định pháp luật. Thậm chí người đại diện cho UBND huyện Mỹ Xuyên tại tòa cũng thừa nhận như vậy và còn nói nếu tòa tuyên thì huyện sẽ thu hồi sổ đỏ của ông Tám. Ai có mặt tại tòa cũng thấy phần thắng kiện thuộc về tôi. Nhưng đến đầu giờ chiều, tòa lại tuyên ông Tám thắng kiện, thật nực cười”.
Nhiều người dân ở ấp Vĩnh Xuyên cũng bức xúc khi đất ông Tư quản lý sử dụng đã gần 30 năm mà vẫn bị tòa tuyên giao cho ông Tám. Trong khi tòa chỉ căn cứ vào sổ đỏ và công văn trả lời của UBND huyện Mỹ Xuyên mà không xem xét thủ tục khi cấp sổ đỏ cho ông Trần Văn Tám.
Một người dân nói: “Tại sao khi cấp sổ đỏ cho ông Tám mà không có hộ ký tứ cận là ông Tư. Chuồng heo của ông Tư xây dựng kiên cố từ năm 1989 tại sao không kiểm tra lại mà cấp sổ đỏ cho ông Tám. Còn với ông Tám, tại sao nói đất cha cho và được cấp sổ đỏ năm 2007 mà không đòi lại đất khi cha còn sống mà chờ cho đến khi cha mất (năm 2009) được 2 năm mới kiện anh đòi lại đất? Thật là vô lý”.
Bạch Dương