Một số công trình "thế kỷ" ở Mũi Cà Mau sau 45 năm thống nhất đất nước.
Như nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, Cà Mau cũng đã từng trải qua thời kỳ chiến tranh, với những khó khăn gian khổ. Hòa bình lập lại, sau 45 năm qua, Cà Mau từng ngày phát triển.
Nhưng có thể nói, vùng Đất Mũi Cà Mau đã “nở mày nở mặt" sau khi cầu Năm Căn bắc qua sông Cửa Lớn khánh thành vào năm 2015, bởi đây là cây cầu lớn cuối cùng nối liền tuyến đường bộ từ địa đầu phía Bắc đến cực Nam Tổ quốc.
"Nghe nói Cà Mau xa lắm...", lời của một bài hát nhiều người đã thuộc lòng. Bởi nhiều năm trước đây, khi về Đất Mũi Cà Mau thì chỉ có thể đi bằng đường thủy trên những chiếc xuồng, ghe, tàu... vượt sóng to gió lớn mất rất nhiều thời gian, cũng như không mấy an toàn.
Năm 2015, cầu Năm Căn có chiều dài khoảng 817m, vượt sông Cửa Lớn để nối đôi bờ Năm Căn- Ngọc Hiển. Đây cũng cũng là cây cầu cuối cùng lớn nhất nối liền đường bộ từ địa đầu phía Bắc đến cực Nam Tổ quốc.
Có thể nói cầu Năm Căn là cây cầu ước mơ bao đời nay của người dân Cà Mau nói riêng, cả nước nói chung. Sau hàng chục năm thống nhất đất nước, từ nay đã không còn "ngăn sông cách trở" tuyến đường bộ trải dài từ Bắc tới Nam và ngược lại.
Khi tận mắt thấy những chiếc xe ô tô đầu tiên về tận Đất Mũi, người dân từng ở "ốc đảo" này không khỏi ngạc nhiên. Có người còn chia sẻ, từ hàng chục năm qua chưa có điều "lạ" đến thế. Họ cũng vui mừng khôn xiết, bởi biết rằng, đất nước đã phát triển hơn và vùng đất cực Nam của Tổ quốc cũng đang "thay da đổi thịt".
Tuyến đường Hồ Chí Minh về tận Đất Mũi Cà Mau dù không rộng lớn, nhưng mang lại một ý nghĩa hết sức lớn lao. Đây là điều kiện đặc biệt quan trọng để huyện Năm Căn, huyện Ngọc Hiển tỉnh Cà Mau phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, cải thiện đời sống nhân dân trong vùng. Ngày nay, dọc theo tuyến đường này "mọc" lên biết bao điểm dừng chân, du lịch, dễ dàng vận chuyển nông thủy hải sản... góp phần hiện thực hóa mục tiêu đó.
Đất Mũi Cà Mau có Cột mốc tọa độ quốc gia, nơi thiêng liêng của Tổ quốc, mà mỗi người dân khắp cả nước ai cũng muốn một lần đặt chân đến. Trước đây, đường đi lại khó khăn nên cũng không ít người e ngại. Sau khi tuyến đường bộ xuyên suốt, dễ dàng thuận tiện, thì người dân đã về với Đất Mũi đông hơn. Và đã có thêm nhiều công trình "thế kỷ" "mọc" lên...
Đó là biểu tượng điểm cuối cùng đường Hồ Chí Minh...
Là Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau, được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Hà Nội trao tặng cho Cà Mau. Thể hiện tình cảm sâu sắc của Hà Nội với Cà Mau và của cả nước với Cà Mau, tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.
Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ được khánh thành vào tháng 12/2029, tại vùng đất cực Nam Tổ quốc, là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã lên rừng xuống biển mở mang bờ cõi. Mãi là điểm tựa tinh thần để các thế hệ con cháu người Việt luôn giữ mãi niềm tin và quyết tâm bảo chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc.
Sau 45 năm thống nhất đất nước, Đất Mũi Cà Mau đã đổi thay, nhiều khách trong và ngoài nước đã đến với cực Nam Tổ quốc càng nhiều hơn khi có những điểm, tuyến tham quan du lịch độc đáo, hấp dẫn, cho thấy vùng đất này rồi sẽ tiếp tục "bay cao, vươn xa".
Dù vậy, có thể phát triển như thế nào đi chăng nữa, nhưng tôi nghĩ rằng, Cà Mau sẽ vẫn giữ riêng cho mình nét đặc trưng, đó là "thảm xanh" của rừng đước, là những con sông, kênh rạch gắn liền với văn hóa, đời sống bao đời nay của người dân, hay chỉ đơn giản đó là đặc sản "cua Cà Mau" mà mỗi khi nhắc đến không ai là không biết tới.
Huỳnh Hải