Đất đai, hoa màu bị sạt lở gần mỏ đá ở Gia Lai

Phạm Hoàng

(Dân trí) - Nhiều tháng nay, người huyện Mang Yang, Gia Lai lo lắng khi hoa màu, đất đai của người dân liên tục bị sạt lở, trôi theo dòng suối. Khu vực sạt lở nằm ngay cạnh một mỏ đá.

Người dân đang có hoa màu, đất đai dọc suối Hra, huyện Mang Yang, Gia Lai nơm nớp lo sợ vì tình trạng sạt lở. Ai cũng chua xót hơn khi nhìn đất đai, hoa màu của mình đang vào vụ thu hoạch bị nước cuốn.

Gia-Lai_sat-lo-gan-mo-da_Chi-Anh.jpeg

Nhiều diện tích đất đai, cây trồng của người dân và con đường liên xã đang bị đe dọa bởi tình trạng sạt lở, gần khu vực mỏ đá (Ảnh: Chí Anh).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, dọc theo hai bên dòng suối Hra, thuộc địa phận 2 xã Hra và Đăk Ta Ley (huyện Mang Yang) có nhiều điểm sạt lở, ăn sâu vào diện tích đất nông nghiệp của người dân, khiến nhiều cây cà phê, lúa... bị cuốn trôi, nhấn chìm...

Hai hộ dân có diện tích đất bị sạt lở lớn nhất là ông Đinh Văn Hraih (trú tại xã Hra) diện tích bị thiệt hại khoảng 500m2 và 50 cây cà phê bị cuốn trôi. Ông Lê Ngọc Thành bị sạt lở đến 1.400m2.

Gia-Lai_sat-lo-gan-mo-da_Chi-Anh2.jpeg

Vị trí khai thác đá nằm sát con đường liên xã và hoa màu của người dân, dọc hai bên suối (Ảnh: Chí Anh).

Ông Lê Ngọc Thành cho biết: "Tình trạng sạt lở xảy ra trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, đến mùa mưa năm nay thì tình trạng trên mới nghiêm trọng, nước chảy xiết, cuốn đi hoa màu và cây trồng của gia đình. Chúng tôi đã có đơn phản ánh lên UBND xã và UBND huyện nhiều tháng nay, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm.".

Liên quan đến tình trạng trên, nhiều hộ dân thuộc 2 xã Hra và Đăk Ta Ley đã nhiều lần phản ánh lên chính quyền. Theo đơn người dân, trong quá trình khai thác đá, Công ty CP đá Mang Yang Trang Đức đã tác động đến dòng suối khiến cho sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất trồng cây, hoa màu của dân.

Theo báo cáo của UBND huyện Mang Yang, sau đợt mưa lũ lớn xảy га ngày 5/9, hai bờ suối Hra và Đăk Ta Ley đã xảy ra tình trạng sạt lở.

Qua số liệu thống kê có 13 hộ dân có đất hai bên bờ suối bị ảnh hưởng. Trong đó có 7 hộ với 8 thửa đất bị sạt lở, tổng diện tích khoảng 8.000m² và 6 hộ có hoa màu bị ngập úng nước. 

Gia-Lai_sat-lo-gan-mo-da_Chi-Anh3.jpeg

Nhiều tháng nay, tình trạng sạt lở vẫn diễn ra khiến cho hoa mùa, đất đai người dân bị cuốn trôi (Ảnh: Chí Anh).

Nắm được thông tin sạt lở, UBND huyện Mang Yang đã phối hợp cùng Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, ban ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra thực địa các khu vực sạt lở đất, ngập úng tại xã Hra, Đăk Ta Ley.

Qua kiểm tra, hoạt động khai thác đá không gây làm cản trở dòng chảy của suối. Toàn bộ khu vực sạt lở của các hộ dân đều ở thượng lưu suối Hra. Hiện chưa có cơ sở để xác định nguyên nhân sạt lở đất hai bên bờ suối là do hoạt động khai thác khoáng sản của công ty gây ra.

Trong thời gian chờ cấp có thẩm quyền hỗ trợ theo quy định của nhà nước, UBND huyện Mang Yang đề nghị UBND các xã và Công ty rà soát diện tích, làm việc với các hộ dân để thống nhất hướng hỗ trợ thêm một phần thiệt hại.

Về đảm bảo an toàn đối với tuyến đường liên xã Hra đi xã Lơ Pang, Công ty cổ phần đá Mang Yang Trang Đức phải thực hiện kè chắn khu vực sạt lở đất trong khu vực được cấp phép. Đồng thời, khảo sát, điều chỉnh nắn tuyến đường liên xã Hra đi xã Lơ Pang đoạn giáp ranh với mỏ đá theo hướng cách xa vị trí mỏ đá để bảo đảm an toàn.

Ông Trần Thanh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Hra, huyện Mang Yang, cho biết: "Nguyên nhân của tình trạng sạt lở gần mỏ đá Trang Đức vẫn chưa được xác định. Trước đó, đầu tháng 9, trên địa bàn xảy ra mưa lớn khiến cho tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Xã đã chỉ đạo các lực lượng đi kiểm tra và báo cáo huyện tình hình thực tế và có hướng khắc phục, hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng".