Bắc Ninh:

Đất chưa được cấp “sổ đỏ” nhà nước thu hồi có phải bồi thường cho dân?

(Dân trí) - Như báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, UBND xã Yên Phụ và UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) bị người dân tố có sai phạm trong quá trình thu hồi đất khi cho rằng thửa đất thu hồi thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã Yên Phụ, dù không hề có căn cứ chứng minh, từ đó Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng đã không lập phương án bồi thường và cũng không chi trả tiền bồi thường cho người bị thu hồi đất.

Liên quan đến vấn đề bồi thường khi thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế, trường hợp người dân lấn chiếm đất thì có được bồi thường hay không, luật sư Đường Ngọc Hân (Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội) cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì khi Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng đất có thể nhận được các khoản bồi thường, hỗ trợ bao gồm: Bồi thường về đất; Bồi thường tài sản trên đất; Tái định cư; Các khoản hỗ trợ (Hỗ trợ di chuyển; Hỗ trợ ổn định đời sống và ổn định sản xuất; Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm.)

Về điều kiện để được bồi thường về đất, tái định cư cho người có đất bị thu hồi,  Điều 42 Luật đất đai năm 2003 quy định như sau: “Nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất mà người bị thu hồi đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 50 của Luật này thì người bị thu hồi đất được bồi thường, trừ các trường hợp quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 và các điểm b, c, d, đ và g khoản 1 Điều 43 của Luật này”.

Đất chưa được cấp “sổ đỏ” nhà nước thu hồi có phải bồi thường cho dân? - 1

Như vậy, theo quy định này thì khi nhà nước thu hồi đất của người sử dụng đất để sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế mà người bị thu hồi đất có sổ đỏ hoặc đủ điều kiện được cấp sổ đỏ theo quy định của Luật đất đai năm 2003 thì được bồi thường về đất.

Đối với đất lấn, chiếm:

Căn cứ quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 3 Nghị định số 105 ngày 11/11/2009 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai thì:

- Lấn đất là việc người đang sử dụng đất tự chuyển dịch mốc giới hoặc ranh giới thửa đất để mở rộng diện tích đất,

- Chiếm đất là việc sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc chủ sử dụng đất cho phép sử dụng hoặc việc sử dụng đất do được Nhà nước tạm giao hoặc mượn đất nhưng hết thời hạn tạm giao, mượn đất mà không trả lại đất.

Theo quy định tại Điều 38 Luật đất đai thì đất lấn chiếm bị thu hồi trong hai trường hợp đó là: Đất chưa sử dụng bị lấn chiếm và đất không được chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai mà người sử dụng đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn chiếm.

Thông thường, các trường hợp đất đai lấn chiếm đều không thuộc diện được cấp GCNQSDĐ và có thể bị Nhà nước thu hồi theo quy định của pháp luật mà không được bồi thường về đất (Điều 42, Điều 43 Luật đất đai năm 2003). Tuy nhiên, do chính sách quản lý, sử dụng đất đai ở mỗi thời kỳ là khác nhau nên trong một số trường hợp, Nhà nước có thể công nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp đất lấn chiếm đồng nghĩa với người sử dụng đất do lấn, chiếm khi bị thu hồi vẫn được bồi thường về đất, tài sản trên đất. Điều này được ghi nhận tại Mục IV- Công văn 1427/CV/ĐC ngày 13/10/1995 của Tổng cục Địa chính về việc hướng dẫn xử lý một số vấn đề về đất đai để cấp GCNQSD và khoản 4, khoản 5 Điều 14 Nghị định 84/2007/NĐ-CP. Theo các quy định này thì đối với các trường hợp lấn chiếm đất đai vẫn có thể được xem xét cấp GCNQSDĐ và vẫn được bồi thường về đất khi thu hồi nếu phù hợp với quy hoạch hiện tại.

Đối với các trường hợp đất lấn, chiếm khi thu hồi không đủ điều kiện được bồi thường về đất vẫn có thể được bồi thường hoặc hỗ trợ về tài sản trên đất căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 18, điểm b khoản 2 Điều 20 Nghị định 197/2004/NĐ-CP. Việc bồi thường, hỗ trợ trong trường hợp này sẽ được thể hiện rõ trên Phương án bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất của từng hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất.


Anh Được cho biết đến khi ra Toà mới biết về Quyết định thu hồi đất của gia đình.

Anh Được cho biết đến khi ra Toà mới biết về Quyết định thu hồi đất của gia đình.

Vậy theo quan điểm của luật sư thì trường hợp gia đình ông Được có đủ điều kiện để được bồi thường hay không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 48 Nghị định 181/2004/NĐ-CP về hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2003 thì:

“ Điều 48. Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất

Việc xem xét cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được thực hiện theo quy định sau:

3. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà trước đây Nhà nước đã có quyết định quản lý trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước, nhưng trong thực tế Nhà nước chưa quản lý thì hộ gia đình, cá nhân đó được tiếp tục sử dụng, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.”.

Như vậy, mặc dù Nhà nước đã có quyết định quản lý thể hiện qua bản đồ địa chính năm 2001 nhưng xét đến thời điểm ông Được biết được về việc xác định sai quyền sử dụng đất là năm 2004 thì ông Được vẫn đang là người quản lý, sử dụng đất.

Khi phát hiện sai sót trong việc lập bản đồ năm 2001, gia đình ông Được đã tiến hành khiếu nại tới các cơ quan có thẩm quyền. Ngày 03/06/2010, gia đình ông Được nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại số 1734/QĐ-UBND của chủ tịch UBND huyện Yên Phong về việc giải quyết khiếu nại nhưng không đồng ý với quyết định này nên gia đình vẫn tiếp tục khiếu nại lên các cơ quan cấp trên để đề nghị giải quyết. Trong suốt thời gian đó cho đến khi có Quyết định số 113 về việc thu hồi đất, UBND tỉnh Bắc Ninh vẫn chưa có văn bản trả lời về khiếu nại lần 2 của gia đình ông Được. Do vậy, chưa có đủ căn cứ để khẳng định rằng thửa đất trên thuộc quyền quản lý, sử dụng của UBND xã Yên Phụ.

Bên cạnh đó, cho tới thời điểm có quyết định thu hồi đất, gia đình ông Được vẫn đang quản lý, sử dụng đất. Điều này đều được các hộ dân xung quanh xác nhận và cũng được thể hiện rõ trong các văn bản của cơ quan có thẩm quyền bao gồm cả Biên bản vi phạm hành chính và Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 41/QĐ-UBND ngày 10/05/2010, Quyết định số 126/QĐ-CT ngày 01/09/2010 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với  hành vi lấn, chiếm đất đai. Do đó, căn cứ theo quy định trên thì gia đình ông Được vẫn đủ điều kiện để được cấp GCNQSDĐ. Vì vậy, khi Nhà nước tiến hành thu hồi đất, gia đình ông Được vẫn đủ điều kiện để được bồi thường về đất và tài sản trên đất trên cơ sở Quyết định thu hồi đất của UBND cấp có thẩm quyền và Quyết định phê duyệt phương án bồi thường chi tiết đối với hộ gia đình ông Được.

Xin cảm ơn luật sư!

Liên quan đến khiếu nại của ông Trần Văn Được, trong buổi làm việc với PV Dân trí, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cho biết chính quyền địa phương luôn có phương án đảm bảo nhất quyền lợi cho người dân. Với trường hợp của ông Được, Chủ tịch tỉnh Bắc Ninh khẳng định giao Sở Tài nguyên và môi trường xem xét các quy định pháp luật, nếu không có căn cứ bồi thường sẽ tìm phương án hỗ trợ cho người dân ổn định cuộc sống.

Anh Thế

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm