"Đánh ghen" thế nào cho văn minh và đúng pháp luật?

(Dân trí) - Pháp luật Việt Nam không quy định khái niệm thế nào là đánh ghen và đánh ghen bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, thông qua hành vi đánh ghen có thể xác định một số yếu tố để đánh giá mức độ hành vi như thế nào để có biện pháp xử lý phù hợp.

"Gần đây tôi vô tình biết được chồng mình đang qua lại với một người phụ nữ khác trên mức tình cảm thông thường, tức là họ đã cùng nhau đi nhà nghỉ rất nhiều lần nhưng chồng tôi luôn miệng kêu oan, đòi bằng chứng. Để có được bằng chứng tôi sẽ phải thực hiện việc bắt quả tang, nhưng chỉ sợ không giữ được bình tĩnh thì sẽ không kìm chế được hành động của mình. Xin hỏi luật sư, cách tốt nhất tôi phải làm trong trường hợp này là gì, khi bản thân thấy không thể tha thứ được cho người chồng bội bạc đó?".

Bạn đọc NTQ (Hà Đông, Hà Nội)

Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội cho biết: Đánh ghen là việc cá nhân sử dụng ngôn ngữ, hành động vũ lực, biểu lộ khác tác động nên một cá nhân do người này có hoạt động tình cảm can thiệp ảnh hưởng đến hạnh phúc của người vợ, người chồng trong quan hệ hôn nhân.

Pháp luật Việt Nam không quy định khái niệm thế nào là đánh ghen và đánh ghen bị xử lý như thế nào. Tuy nhiên, thông qua hành vi đánh ghen có thể xác định một số yếu tố để đánh giá mức độ hành vi như thế nào để có biện pháp xử lý phù hợp. 

  1. Dùng lời nói hành động xúc phạm danh dự nhân phẩm:

Về hành chính: Xử phạt về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đánh ghen có thể cấu thành hành vi vi phạm vi phạm hành chính về an ninh trật tự, an toàn xã hội và bị xử lý theo quy định tại Điều 5 Mục 1 Chương 2 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tối thiểu là 100.000 đồng và tối đa là 5.000.000 đồng. Một số hành vi cụ thể như:

  • Có cử chỉ, lời nói thô bạo, khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác;
  • Gây mất trật tự ở nơi công cộng khác;
  • Lôi kéo hoặc kích động người khác gây rối, làm mất trật tự công cộng...

Hành động xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác trong hoạt động đánh ghen là ở mức độ nguy hiểm cho xã hội thì người thực hiện hành động đánh ghen có thể bị xem xét xử lý về tội Tội làm nhục người khác Điều 155 Bộ luật hình sự với mức phạt tù cao nhất lên tới năm năm.

  1. Thực hiện hành động gây thương tích

Trường hợp Sử dụng hành động gây thương tích trên 11% hoặc dưới 11% nhưng dùng hung khí, thủy đoạn gây nguy hại cho nhiều người thì bị xem xét xử lý về hình sự về tội danh cố ý gây thương tích theo điều 134 theo Bộ luật hình sự mức cao nhất dành cho tội danh này là chung thân.

  1. Vậy cần đánh ghen thế nào cho hợp pháp văn minh, đúng pháp luật.

Có thể đề nghị UBND cấp xã xử phạt hành chính về hành vi "Đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác"; "Chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ"; Điều 48. Nghị định 110/2013/NĐ-CP  Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng.

Hoặc có thể đề nghị xem xét xử lý hình sự điều 182. Tội vi phạm chế độ một vợ, một chồng. Người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ thuộc một trong các trường hợp Làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.

Xin cảm ơn luật sư!

Ngọc Hân (thực hiện)

Bạn đọc có những vấn đề thắc mắc, cần được tư vấn giải đáp về góc độ pháp luật có thể gửi câu hỏi đến địa chỉ hòm thư: bandoc@dantri.com.vn, chúng tôi sẽ chuyển tới các luật sư giàu kinh nghiệm giải đáp.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm