3 phút cùng luật sư:

Đánh đập, đổ phân lên đầu mẹ già, con gái bất hiếu sẽ chỉ bị phạt tiền?

Nguyễn Quang Thư Quỳnh

(Dân trí) - Vụ việc người phụ nữ đánh đập mẹ mình tàn nhẫn gây phẫn nộ cho cộng đồng nhưng có thể chỉ bị phạt hành chính hoặc xử lý từ 3 đến 5 năm tù theo quy định của pháp luật.

Những ngày qua, cộng đồng mạng đang rất phẫn nộ với vụ việc 1 người phụ nữ có hành động đánh đập mẹ mình một cách dã man. Về đạo đức, đây chắc chắn là hành vi không thể chấp nhận được.Ở góc độ pháp lý, hành vi này sẽ bị xử phạt thế nào theo quy định của pháp luật? 

Mời bạn đọc cùng gặp gỡ Luật sư Nguyễn Đức Chánh để tìm hiểu.

Người phụ nữ đổ phân lên đầu mẹ có thể bị phạt 3 đến 5 năm tù

Thưa luật sư, hành vi đánh đập người mẹ kể trên sẽ bị xử lý cụ thể như thế nào theo quy định của pháp luật?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Nghĩa vụ chăm sóc ông bà cha mẹ nhất là khi ông bà cha mẹ mất năng lực hành vi dân sự, ốm đau, bệnh tật… đã được quy định rất rõ tại Khoản 2 Điều 71 của Luật Hôn nhân Gia đình năm 2014. Vì vậy, nghĩa vụ của con cái là phải chăm sóc cha mẹ của mình. Trong trường hợp này người phụ nữ kia đã vi phạm pháp luật, mức độ tính chất thế nào thì sẽ bị xử lý như thế đó.

Nếu hành vi này chỉ ở mức độ vi phạm hành chính thì mức phạt được quy định ở Nghị định 167 năm 2013 của Chính phủ mức phạt là 1,5 triệu đến 2 triệu đồng đối với hành vi đánh đập hành hạ ông bà nếu có gây ra thương tích

Nếu hành vi này chỉ là xúc phạm danh dự nhân phẩm thì mức phạt sẽ nhẹ hơn, từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Đánh đập, đổ phân lên đầu mẹ già, con gái bất hiếu sẽ chỉ bị phạt tiền? - 1

Hình ảnh người con đánh đập mẹ khiến cộng đồng phẫn nộ

Đối với hành vi giống với clip thì hành vi này đã vi phạm pháp luật hình sự. Cụ thể đây là hành vi ngược đãi, hành hạ cha mẹ được quy định tại Điều 185 của Bộ Luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 với tình tiết hành hạ người mẹ đang tàn tật là tình tiết tăng nặng. Khung hình phạt được quy định tại Khoản 2 là từ 3 năm tù đến 5 năm tù.

Không chỉ đánh đập, người con còn có hành động đổ phân lên đầu mẹ mình. Đây có được xem là tình tiết tăng nặng khi xét xử không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh:  Đây là một tình tiết để xem xét về tính chất mức độ của hành vi thực hiện hành vi phạm tội. Còn khung hình phạt như đã trình bày ở trên đã là khung hình phạt cao nhất. Hành vi đổ phân hoặc rác lên người người mẹ sẽ được coi là tính chất mức độ nghiêm trọng, hội đồng xét xử sẽ xem xét tình tiết này để từ đó đưa ra hình phạt tương xứng.

Đánh đập, đổ phân lên đầu mẹ già, con gái bất hiếu sẽ chỉ bị phạt tiền? - 2

Luật sư Nguyễn Đức Chánh (bên trái) trao đổi cùng PV Dân Trí

Tuy việc con cái bạo hành cha mẹ là trường hợp ít gặp nhưng vấn nạn này vẫn còn tồn tại, có khi còn kéo dài vì cha mẹ không lên tiếng. Đối với những trường hợp này, những người ngoài cuộc như bạn bè, họ hàng hoặc hàng xóm nhìn thấy thì có quyền khởi kiện hay không thưa luật sư?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Khi phát hiện có những hành vi ngược đãi hoặc hành hạ ông bà cha mẹ thì những người biết sự việc nên mạnh dạn tố giác với các cơ quan có thẩm quyền. Từ cơ sở của những tố giác đó cũng như các bằng chứng đính kèm như hình ảnh hoặc clip, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ có hướng xử lý hành chính hoặc hình sự. 

Chúng ta không nên im lặng hoặc thờ ơ trước hành vi này vì truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam là có hiếu, có nghĩa vụ phụng dưỡng ông bà cha mẹ của mình. Đặc biệt là khi ông bà cha mẹ của mình già yếu bệnh tật hoặc mất năng lực hành vi dân sự.

Người dân nên tố cáo những người bạo hành cha mẹ cho chính quyền

Suy nghĩ cá nhân của luật sư thế nào về vấn đề này? Liệu các hình phạt có quá nhẹ đối với những người bạo hành cha mẹ mình?

L.s Nguyễn Đức Chánh: Nếu đứng ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng mức độ phạt như vậy là khá nhẹ, đặc biệt là những mức phạt hành chính. Mức phạt từ 1,5 triệu đến 2 triệu nếu gây thương tích hoặc từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu xúc phạm danh dự nhân phẩm là quá ít, quá thấp so với hành vi này. Rõ ràng, những hành vi chửi bới, lăng mạ, xúc phạm ông bà cha mẹ đã diễn ra rất nhiều trong thực tiễn. Nhưng những mức phạt rất thấp, đặc biệt là không phải hành vi nào cũng dễ xử lý mà cần phải có bằng chứng cụ thể.

Nếu chỉ đứng ở góc độ đạo đức xã hội với những lời kêu gọi tình thương yêu mà không kèm theo những biện pháp chế tài nghiêm khắc thì rất khó ngăn chặn sự tiếp diễn của những hành vi này. Chỉ có pháp luật bằng biện pháp trừng trị, răn đe mới có thể phòng ngừa được.