Đang đợi cấp bằng có được lái xe không?
(Dân trí) - Tôi mới thi đỗ kỳ thi sát hạch để có bằng lái xe ô tô, vậy tôi có thể tự lái xe ngay sau khi thi đỗ không?
Bằng lái xe là một loại giấy tờ chứng minh điều kiện cho cá nhân được phép điều khiển phương tiện giao thông phù hợp. Tuy nhiên không phải cứ thi đỗ là được có bằng lái ngay. Cá nhân phải đợi một thời gian mới được cấp bằng. Vậy trong thời gian đợi bằng, có được phép lái xe hay không?
Luật sư Quách Thành Lực (Công ty Luật TNHH LSX - Đoàn luật sư TP Hà Nội) khẳng định: Không được phép lái xe khi chưa có bằng lái!
Điều 58 Luật giao thông đường bộ 2008 có quy định về các điều kiện của người lái xe khi tham gia giao thông cụ thể như sau:
“Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông
1. Người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi; sức khỏe quy định tại Điều 60 của Luật này và có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.
Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái.
Theo đó, để tham gia giao thông thì người lái xe phải có Giấy phép lái xe. Nếu muốn điều khiển ô tô thì phải có Giấy phép lái xe ô tô. Nếu muốn điều khiển xe máy phải có Giấy phép điều khiển xe máy. Bởi vậy, người lái xe phải tham gia kỳ thi sát hạch để được cấp Giấy phép lái xe phù hợp. Kỳ thi gồm có hai phần, lý thuyết và thực hành. Vượt qua kỳ thi thì người lái xe sẽ được cấp bằng lái. Cụ thể tại khoản 2 Điều 35 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT quy định:
Điều 35. Cấp mới giấy phép lái xe
2. Căn cứ quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cấp giấy phép lái xe cho người trúng tuyển.
Ngày trúng tuyển ghi tại mặt sau giấy phép lái xe là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển kỳ sát hạch“.
Ngày trúng tuyển kỳ sát hạch là ngày ký quyết định công nhận trúng tuyển. Do đó, đang chờ nhận giấy phép lái xe nên bạn vẫn được xác định là chưa có bằng lái.
Như vậy, việc chưa được cấp bằng lái mà bạn vẫn điều khiển phương tiện là hành vi vi phạm pháp luật. Người vi phạm bị phạt vì lỗi gì thì nó còn tùy thuộc vào ngày ký cấp bằng lái.
Nếu người lái xe vi phạm và bị lập biên bản; ngày ghi trong biên bản trước ngày ký quyết định cấp bằng thì sẽ bị xử phạt với hành vi lái xe không có Giấy phép lái xe.
Nếu người lái xe vi phạm và bị lập biên bản; ngày ghi trong biên bản sau ngày ký quyết định cấp bằng thì sẽ bị xử phạt với hành vi Không mang theo Giấy phép lái xe.
Mức xử phạt.
Mức xử phạt sẽ có sự khác nhau tùy vào hành vi vi phạm của bạn.
Đối với hành vi không có giấy phép lái xe:
Căn cứ vào điểm a, Khoản 5, Điều 21 và điểm i khoản 1 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP có quy định:
“ Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
5. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh dưới 175 cm3 và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
1. a) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp, Giấy phép lái xe bị tẩy xóa.
7. Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô có dung tích xi lanh từ 175 cm3 trở lên; xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây:
8. a) Có Giấy phép lái xe nhưng không phù hợp với loại xe đang điều khiển hoặc đã hết hạn sử dụng từ 06 (sáu) tháng trở lên;
9. b) Không có Giấy phép lái xe hoặc sử dụng Giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp; Giấy phép lái xe bị tẩy xóa;
Như vậy, bạn sẽ bị xử phạt từ 800.000 đến 1.200.000 đồng đối với lỗi không có giấy phép lái xe máy; phạt từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đối với lỗi không có giấy phép lái xe ô tô.
Đối với hành vi không mang Giấy phép lái xe.
Hành vi không mang giấy phép lái xe có mức xử phạt thấp hơn. Vì đơn thuần là người lái xe quên mang chứ không phải là không đủ điều kiện lái xe.
Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới
….
3. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
4. a) Người điều khiển xe ô tô; máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe; trừ hành vi vi phạm quy định tại Điểm c Khoản 7 Điều này;
Như vậy, bạn sẽ bị xử phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với lỗi không mang giấy phép lái xe.
Xin cảm ơn luật sư!
Khả Vân