Gia Lai:
Dân “khát” bên công trình nước sạch “bỏ hoang”!
(Dân trí) - Khi con gà trên núi chưa gáy, những người dân xã Chư Đrăng (huyện Krông Pa) lại nối đuôi nhau mang gùi lên núi để lấy nước. Trong khi đó các công trình nước sách được đầu tư hàng tỷ đồng để phục vụ bà con lại bị bỏ hoang, nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay.
Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa, hiện toàn huyện có 59 công trình nước sạch nông thôn mới được đầu tư. Mỗi công trình này được “rót” hàng trăm triệu đồng để đầu tư xây dựng và bảo dưỡng máy bơm, bể chứa nước…Tuy nhiên, các công trình nước sạch vẫn nằm “đắp chiếu” nhiều năm nay. Theo thống kê có 24/59 công trình rơi vào tình trạng bỏ hoang, hư hại bởi không hoạt động hoặc hoạt động không hiệu quả.
Xã Chư Đrăng là một trong những xã khó khăn của huyện Krông Pa, quanh năm người dân đồng bào phải sống nhờ các ao nước giọt. Chính vì vậy UBND huyện đã rất quan tâm và đầu tư nhiều công trình nước sạch. Cụ thể, công trình nước sạch tại buôn H’Liết được xây dựng từ năm 2005 theo chương trình Trung tâm cụm xã. Năm 2008, buôn Chai và buôn H’Ngôm cũng được xây dựng công trình nước sạch từ nguồn vốn Chương trình hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn 134, 135. Các thôn Mê Linh, Tam Đảo, buôn H’Liên cũng đều được “đồng bộ” các công trình này nhằm đảm bảo người dân có nước sạch dùng trong sinh hoạt. Đây đều là những công trình rất được mong đợi, bởi nước sạch từ lâu vẫn là thứ “xa xỉ” với các bà con nơi nơi đây.
Tuy nhiên, những hy vọng ấy của người dân đã sớm tắt khi các công trình này dù được đầu tư rầm rộ, quy mô nhưng đã không mang lại hiệu quả như mong đợi. Hiện hầu hết các công trình nước sạch tại xã Chư Đrăng đều không thể sử dụng hoặc bị người dân “quay lưng” vì nước bốc mùi và bị nhiễm phèn...Theo thời gian những công trình nước sạch không được chăm sóc, bảo dưỡng dẫn đến bị hư hỏng không sử dụng được. Các công trình nước sạch ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, cỏ mọc um tùm. Nhiều công trình mới xây dựng cũng không có dấu hiệu của nước. Cũng vì vậy mà một số công trình nước sạch “vô dụng” đã bị người dân đập bỏ để dùng vào mục đích khác…
Điều này buộc người dân phải trở về “thời tiền sử” sống nương nhờ các ao nước giọt từ núi chảy về. Chị Nay H’Bia ở buôn H’Ngôm chia sẻ: "Thấy nước sạch về với buôn bà con vui lắm, vì không còn phải đi lấy nước ở xa nữa. Nhưng mấy cái vòi nước đấy chỉ hoạt động được mấy năm thì hư mất. Giờ dân làng lại phải đi mấy cây số lấy nước từ mấy cái hố đào ven sông, ven suối để uống, để nấu ăn. Tắm rửa cả làng cũng phải kéo nhau ra sông, suối. Cứ đến mùa khô, nước khan hiếm là phải dậy thật sớm mang can đi múc nước chứ không đợi lâu mà không có nước để uống nữa”.
Về vấn đề này, Ksor Rok - Phó chủ tịch UBND xã Chư Đrăng cho biết: “Người dân không sử dụng nước từ các bể tập trung, giếng khoan là do nước bị nhiễm phèn, lâu ngày các công trình cũng bị hư hỏng. Cũng vì vậy mà không có tiền để trả cho chi phí vận hành các công trình này. Với tập quán từ lâu đời lấy nước giọt để sinh hoạt, không thích nước từ các công trình nước sạch. Cuối cùng là ý thức sử dụng, bảo vệ công trình của bà con chưa cao. Vì vậy mà nhiều công trình qua thời gian đã bị hư hại, xuống cấp thấy rõ, gây lãng phí tiền của của Nhà nước”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Mỹ Hòa - Phó phòng Nông nghiệp huyện Krông Pa cho hay: “Trong năm 2016 này, những công trình nước sạch sẽ dần dần được khắc phục, sửa chữa bằng nguồn vốn 755. Nhưng để người dân sử dụng nước sạch một cách bền vững, các cán bộ từng xã, từng làng phải tổ chức họp dân để nâng cao ý thức sử dụng, bảo vệ những công trình nước sạch. Hy vọng trong thời gian tới, những công trình nước sạch này sẽ được “hồi sinh” để người dân thoát khỏi cảnh “chạy...nước từng bữa” như hiện nay.
Phạm Hoàng