Dân chung cư Hà Nội 'kẹt cứng' bởi các quyết định cách ly
Không thuộc diện F gì, đã xét nghiệm âm tính và tiêm đủ hai liều vaccine phòng Covid-19 nhưng nhiều cư dân chung cư tại quận Thanh Xuân và Đống Đa (Hà Nội) vẫn bị "mắc kẹt" trong khu phong tỏa.
Bà Bạch Q. H. (SN 1961) cư dân tầng 8, chung cư 187 Nguyễn Lương Bằng, phường Quang Trung, quận Đống Đa rất bức xúc khi nhà bà cũng như 28 căn hộ thuộc tầng 8 và 12A phải chịu cảnh "phong tỏa chồng phong tỏa" trong 21 ngày.
Theo bà H. tòa nhà 187 Nguyễn Lương Bằng bị phong tỏa từ ngày 12/11 theo thông báo số 270/TB-UBND của UBND phường Quang Trung do phát hiện có ca dương tính với Covid-19.
5 ngày sau, công tác truy vết đã hoàn thành, xác định được các F1, F2 liên quan đến các ca F0 trong tòa nhà. Toàn bộ cư dân của tòa nhà đã được xét nghiệm PCR cho kết quả âm tính.
Sau 1 tuần phong tỏa, cả tòa nhà được gỡ cách ly trừ tầng 8 và tầng 12A là hai tầng có F0 bị cách ly theo Quyết định số 3699/QĐ-UBND (Quyết định thành lập vùng cách ly y tế) thêm 14 ngày.
Bà H. cho rằng, cách ly thêm 14 ngày với hai tầng trên là bất hợp lý khi các F0 đã được đưa đi điều trị từ trước đó.
Trường hợp F2 lên F0 đã thực hiện cách ly tại nhà không tiếp xúc với ai. Thêm vào đó việc truy vết thông qua camera an ninh và khai báo đã xác định rõ các đối tượng F1, F2 có liên quan, còn các cư dân khác trong tầng không xác định là F gì nhưng vẫn bị cách ly.
"Việc cách ly không đúng đối tượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, kinh tế của hàng chục cư dân thuộc hai tầng 8 và 12A", bà H. cho biết.
Đơn cử, như gia đình bà H. có mẹ già 90 tuổi đang mắc bệnh suy đa tạng, trong thời gian cách ly đã phải tự cấp cứu, chữa trị cho mẹ bằng chính vật dụng sẵn có trong nhà như băng gạc, băng dính…
"Tôi thấy phường nói là có lực lượng an ninh, bảo vệ, y tế túc trực bên ngoài sảnh để hỗ trợ người dân bất cứ lúc nào nhưng thực tế thì không hề có. Chỉ có duy nhất một bảo vệ tòa nhà hỗ trợ cư dân đi mua đồ cần thiết. Hai tầng bị cách ly rất đông người, thử hỏi một bảo vệ có đáp ứng được hết nhu cầu không?", bà H. bức xúc đặt câu hỏi.
Còn anh Phạm Đ. T (SN 1997), cư dân sống tại tầng 12A của tòa nhà bày tỏ lo lắng khi đã nghỉ ở nhà gần tháng nay, không hề có thu nhập; anh còn đứng trước nguy cơ bị sa thải vì vừa chuyển đến nơi làm việc mới đã phải nghỉ dài ngày.
Đại diện cư dân hai tầng trên đã làm đơn gửi đến Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND quận Đống Đa, Chủ tịch UBND phường Quang Trung từ ngày 19/11 tuy nhiên đến nay chưa nhận được hồi đáp.
Cũng trong tình cảnh không thuộc F gì nhưng phải chịu cách ly 14 ngày, ông Phạm V. Đ (SN 1964), cư dân tầng 7, tòa 21T1 chung cư Hapulico, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân cho biết, tầng của ông có 9 căn hộ đang chịu quyết định cách ly bất hợp lý.
Ông đã gọi điện lên đường dây nóng của Ban chỉ đạo phòng chống, dịch phường Thanh Xuân Trung để thắc mắc vì sao mình không thuộc đối tượng F nào vẫn bị cách ly và nhận được câu trả lời rằng tầng của ông sinh sống sẽ có nguy cơ cao nên buộc phải tiếp tục phong tỏa.
Ông Đ. không đồng tình với câu trả lời này, vì gia đình ông không hề có tiếp xúc với F0, các cư dân trong tầng không gặp gỡ nhau, mọi người đã xét nghiệm âm tính với Covid-19, tiêm đủ hai mũi vaccine, vậy căn cứ vào đâu để xác định có... 'nguy cơ cao'?
Ngày 19/11, ông Đ. tiếp tục gọi điện đến đường dây nóng của Trung tâm Y tế quận Thanh Xuân để thắc mắc vì sao không được xét nghiệm Covid-19, để xác định phương hướng tiếp theo và nhận được câu trả lời 'sẽ báo cáo lãnh đạo' nhưng đến nay không hề có phản hồi.
"Việc phong tỏa toàn bộ cả tầng trong khi chúng tôi không thuộc đối tượng F gì là không đúng với tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ. Chúng tôi hiểu rằng, các giải pháp phòng, chống dịch phải dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn, phong tỏa theo diện hẹp nhất có thể", ông Đ. bày tỏ bức xúc.