Dân "cạo trọc", lâm tặc "xẻ thịt" rừng, vậy kiểm lâm sống với ai?

(Dân trí) - "Đau xót quá, rừng không còn thì kiểm lâm sống với ai?", sự xót xa xen lẫn đau xót của bạn đọc Dân trí trước một phần cánh rừng xanh của đại ngàn Tây Nguyên đang bị xẻ thịt hàng ngày!

Sau phóng sự điều tra của PV Dân trí phản ánh thực trạng đau lòng tại rừng làng Bok Rei thuộc địa bàn xã Đăk Smei, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai: Một cánh rừng già thì lâm tặc đang khai thác gỗ trái phép còn nửa bên kia là bị một số người dân “cạo trọc, đốt sạch” từng khoảnh rừng.

Theo người dân phản ánh, lâm tặc thường khai thác gỗ, xẻ hộp ngay tại hiện trường. Sau đó, lợi dụng đêm tối sẽ dùng xe máy độ chế để vận chuyển số gỗ hộp này ra khỏi rừng. Đặc biệt, để chở gỗ ra khỏi rừng chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, con đường này phải đi qua đường đất (sát vách trạm bảo vệ rừng).

Dân cạo trọc, lâm tặc xẻ thịt rừng, vậy kiểm lâm sống với ai? - 1
Dân cạo trọc, lâm tặc xẻ thịt rừng, vậy kiểm lâm sống với ai? - 2

Lâm tặc "xẻ thịt" cánh rừng chỉ cách trạm bảo vệ rừng khoảng 3km

Bạn đọc Dân trí đã gửi về những ý kiến bình luận với sự xót xa, đau đớn thay cho "lá phổi xanh" của Tây Nguyên đang dần bị hành hạ bởi sự vô lương tri của lâm tặc và sự tắc trách của lực lượng chức năng.

Bạn đọc ANHTUANXP: “Đau xót quá! Rừng không còn, kiểm lâm sống với ai?”;

“Tôi đã chứng kiến điều này từ hơn 30 năm trước. Mỗi năm tôi về Tây Nguyên là lại thấy những cánh rừng trọc dần. Tôi đã nhìn thấy cảnh hạn hán và lũ lụt ở nơi đây từ lúc ấy. Tôi đành lắc đầu... Ngậm ngùi... Chẳng biết làm sao!”, bạn đọc Huyền Di Cư Sĩ.

Bạn đọc Minh Minh: “Nạn phá rừng đã có từ rất lâu rồi có phải bây giờ mới có đâu, vậy mà chúng ta vẫn chưa ngăn chặn được. Đến lúc phải chịu hậu quả do thiên tai xảy ra thì quá muộn rồi”.

Chỉ ra một nguyên nhân từ chính thói quen, sở thích của mỗi cá nhân, bạn đọc G.N cho rằng: “Có cung ắt sẽ có cầu. Chính chúng ta đôi khi vẫn sử dụng gỗ quí (cây rừng tự nhiên), thay vì cây do trồng rừng như tràm..., kiểu như ta cứ mua chim để phóng sinh, thì làm sao chấm dứt nạn bẫy chim bán ở chùa và nạn chặt phá rừng tràn lan?

Với quan điểm thẳng thắn, đúng người đúng việc, bạn đọc Nguyen Khanh: “Phá rừng thì cứ kiểm lâm và biên phòng mà nắm tóc, rồi các lực lượng an ninh địa phương nữa là ra hết. Không có bảo kê ăn hối lộ thì đến cành củi mục đố ai mang ra được khỏi rừng. Qua vụ việc cho thấy luật pháp chúng ta quá nhiều kẽ hở và không nghiêm. Chặt phá rừng nghiêm trọng và xảy ra một thời gian dài như vậy mà không không tìm được thủ phạm, phải đến khi Bộ Công an vào cuộc mới lòi ra được. Vậy thì các lực lượng an ninh địa phương làm gì, ngồi cho có thôi phải không? Nếu vậy thì giải tán hết, ngồi đó chỉ tốn tiền của nhân dân”.

Nhiều bạn đọc đồng quan điểm: “Nghe tiếng cưa máy, chắc cán bộ bảo vệ nghĩ là tiếng ve kêu nên không biết lâm tặc phá rừng...”, bạn đọc Nguyễn Đại;

“Vẫn những bài ca ấy... mấy ông kiểm lâm bị kiểm điểm luân chuyển thì ông khác lên cũng không quản lý và giữ được rừng...”, bạn Ngoc Ha; “Lý do đơn giản là kiểm lâm mỏng nên không nghe thấy, không biết và cũng không có ai vào rừng hết”- bạn đọc Macmacle.

Nêu quan điểm về vấn đề luật, bạn đọc Tran Van Hung: “Nếu có luật bắt được lâm tặc thì tử hình ngay, thì lâm tặc sẽ không bao giờ dám làm. Còn hiện tại luật chưa đủ sợ nên chúng còn hoành hành dài”.

Dân cạo trọc, lâm tặc xẻ thịt rừng, vậy kiểm lâm sống với ai? - 3
Dân cạo trọc, lâm tặc xẻ thịt rừng, vậy kiểm lâm sống với ai? - 4

Rừng bị "cạo trọc, đốt sạch", cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang nhưng đơn vị bảo vệ rừng không hề hay biết.

Như Dân trí đã thông tin, việc người dân trên địa bàn xã Đăk Smei, Đăk Đoa, Gia Lai phản ánh các đối tượng lâm tặc hay lợi dụng đêm tối để đốn hạ và xẻ hộp những cây rừng rồi dùng xe độ chế chở đi tiêu thụ trên cung đường gần Trạm bảo vệ rừng (BQL RPH Đăk Đoa). 

Nhằm xác minh thông tin, phóng viên Dân trí đã “đột nhập” vào cánh rừng ngay sau Trạm bảo vệ rừng làng Bok Rei. Chỉ cách trạm bảo vệ rừng khoảng 3km, chúng tôi đã nghe tiếng cưa rền vang khắp cánh rừng. Theo tiếng cưa, nhóm đã vào được một “công trường” đang khai thác gỗ trái phép trên một khu rừng tự nhiên.

Vừa lên lưng chừng một ngọn đồi, chúng tôi đã thấy những cây gỗ có đường kính từ 60-70cm bị đốn hạ nằm ngổn ngang. Tiến vào sâu, là một “công trường” đang khai thác gỗ trái phép. Hiện trường để lại là hơn chục hộp gỗ đã xẻ vuông theo quy cách chiều dài 3m và đường kính khoảng 40cm nằm ngổn ngang chờ được vận chuyển đi. Rải rác khắp ngọn đồi là cảnh tượng cây rừng bị đốt cháy đen và lâm tặc chọn những cây lớn để đốn hạ, xẻ hộp. Khi nghe người lạ tiếp cận, chúng đã ôm cưa lốc bỏ chạy xuống chân núi để lại những hộp gỗ còn đang ứa mủ.

Theo người dân phản ánh, lâm tặc thường khai thác gỗ, xẻ hộp ngay tại hiện trường. Sau đó, lợi dụng đêm tối sẽ dùng xe máy độ chế để vận chuyển số gỗ hộp này xuống chân núi. Tại đây có một xe độ chế đợi sẵn để vận chuyển gỗ ra khỏi rừng. Đặc biệt, để chở gỗ ra khỏi rừng chỉ có duy nhất một con đường độc đạo, con đường này phải đi qua đường đất (sát vách trạm bảo vệ rừng).

Theo đó, giữa một khu rừng đang xanh tốt thì có một khoảnh rừng rộng khoảng 500m2 đã đốt cháy. Hàng trăm cây rừng lớn, nhỏ bị chặt hạ nằm la liệt. Nhiều cây lớn đã bị cưa hạ lấy gỗ, còn những cây nhỏ thì bị chặt hạ rồi đốt cháy đen cả vạt rừng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Anh Văn (Phó ban phụ trách Ban quản lý rừng phòng hộ Đăk Đoa) thông tin: "Ngay trong sáng ngày 6/6, anh em đi tuần tra phát hiện một xe chở gỗ từ trong rừng ra. Hiện anh em đang tiến hành lập biên bản thông kê số lượng gỗ tang vật vi phạm. Vì mới về địa bàn nên không nắm hết được tình hình trên địa bàn, tôi sẽ kiểm tra và thông tin lại”.

Ông Nguyễn Văn Sơn (Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Sáng nay (6/6), anh em phát hiện nhóm "lâm tặc" đang chở gỗ ra khỏi rừng và đã tiến hành bắt giữ. Nhóm này chở bằng xe máy độ chế, tang vật thu giữ được gần 3m3 gỗ hộp. Hiện tôi đang cho anh em lên rừng kiểm tra xem lâm phần bị "lâm lặc" đốn hạ là khu vực nào".

Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc!

Ngọc Hân (tổng hợp)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm