Đắk Nông: Bãi rác lộ thiên nằm “sát vách” khu di tích lịch sử quốc gia!

(Dân trí) - Năm 2007, Cụm di tích lịch sử về phong trào khởi nghĩa N’Trang Lơng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Tuy nhiên, nhiều năm nay người dân xã Đắk Buk So phải sống chung với mùi hôi, khói bụi bốc lên từ một bãi tập kết rác thải sinh hoạt ngay cạnh khu di tích lịch sử cấp quốc gia này.

Bãi rác lộ thiên nằm “sát vách” khu di tích lịch sử quốc gia

Theo những hộ dân sống thôn 8 (xã Đắk Buk So, huyện Tuy Đức), nơi có bãi tập kết rác đây là bãi rác chứa rác thải sinh hoạt và sản xuất được chủ bãi rác xử lý bằng cách “đốt lộ thiên”. Hoạt động thu gom, xử lý rác thải cả ngày lẫn đêm, phát ra mùi hôi rất khó chịu làm ảnh hưởng tới hơn 100 hộ dân tại đây.

Ông Nguyễn Văn Quý (trưởng thôn 8) cho biết: “Bãi tập kết rác tồn tại được 7 năm, nằm ngay cạnh khu di tích lịch sử N’Trang Lơng và gần với hàng chục hộ dân đang sinh sống. Nhiều năm qua người dân cũng như chính quyền thôn đã có nhiều đơn thư kiến nghị với xã, huyện để di dời bãi rác đi nơi khác nhưng đến nay vẫn chưa có gì thay đổi”.

Người dân bức xúc vì qua bao năm bãi rác vẫn không chịu di dời
Người dân bức xúc vì qua bao năm bãi rác vẫn không chịu di dời

Một người phụ nữ sinh sống gần bãi rác này bức xúc: “Việc tập kết rác ngay sát khu di tích lịch sử cấp quốc gia không chỉ làm mất đi ý nghĩa, giá trị lịch sử của nó mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Người già, trẻ nhỏ ở đây liên tục gặp phải những vấn đề về hô hấp. Ngày nắng thì khói bụi mù mịt không thấy được mặt người, ngày mưa ẩm ướt thì ruồi muỗi đậu đen kín nhà, ăn uống cũng phải ngồi trong màn”.

Chia sẻ thêm về bãi rác này, bà Tạ Thị Trung (ngụ xóm Đắk Gà, thôn 8) cũng cho biết, hơn 30 hộ dân phải sống trong môi trường ô nhiễm trầm trọng, khói bụi mù mịt, mùi hôi thối, khét lẹt bốc lên cả ngày.

Bãi rác rộng hơn 2000 m2 nằm ngay cạnh Cụm di tích lịch sử quốc gia
Bãi rác rộng hơn 2000 m2 nằm ngay cạnh Cụm di tích lịch sử quốc gia

“Chúng tôi không hiểu vì sao một điểm tập kết, xử lý rác thải thủ công, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, lại nằm trong khuôn viên Khu di tích lịch sử N'Trang Lơng lại có thể tồn tại ngang nhiên lâu năm như vậy? Lần nào tiếp xúc cử tri các cấp cũng có đề xuất kiến nghị nhưng không hiểu vì sao qua bao năm mà bãi rác vẫn không chịu di dời” bà này than thở

Theo ghi nhận, hoạt động xử lý, đốt rác tại đây diễn ra cả ngày. Trên bãi rác, lửa liên tục cháy âm ỉ khiến không khí quanh khu vực này khét lẹt và xám xịt. Đây được xem là “địa chỉ đỏ” trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng nhưng tuyến đường bê tông để người dân đến tham quan, tỏ lòng biết ơn đến người anh hùng N’Trang Lơng lại được tận dụng để xe chở rác của HTX vận tải Tuy Đức - đơn vị thu gom, xử lý rác tận dụng để đi vào bãi tập kết rác.


Cách xử lý “lộ thiên” ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người trong khu vực.

Cách xử lý “lộ thiên” ảnh hưởng tới cuộc sống của mọi người trong khu vực.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Duy Tân, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Tuy Đức cho biết, từ đầu năm 2011, do không có vốn nên huyện Tuy Đức chưa triển khai hệ thống xử lý rác thải. Sau đó, HTX Vận tải Tuy Đức có đăng ký thực hiện việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn. Bình quân mỗi ngày, HTX này thu gom khoảng 4-7 tấn rác thải sinh hoạt và tập kết, xử lý ngay tại khu vực trên.

“Hằng năm UBND huyện Tuy Đức phải trích ngân sách để trả cho HTX này một khoản tiền không nhỏ, trong đó năm 2017 là 800 triệu đồng. Ngoài ra, UBND huyện còn “hỗ trợ phương tiện chuyên dùng để đi gom rác cho HTX này”, ông Tân thông tin thêm.

Trong khi đó, ông Ngô Chí Trung, Chi cục Trưởng,Chi cục bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông) khẳng định: “Đây là bãi rác tạm, bắt buộc phải di dời vì xử lý theo cách đốt lộ thiên là không đúng và nằm gần khu di tích quốc gia cũng như quanh đó có nhiều người dân sinh sống là không hợp lý”. Tuy nhiên, ông Trung cũng chia sẻ thêm, vấn đề di dời là phụ thuộc vào huyện Tuy Đức sắp xếp, bố trí.

Khuôn viên Di tích lịch sử N’Trang Lơng bị phá bỏ hàng rào, lấn chiếm đất để làm thành một con đường đi
Khuôn viên Di tích lịch sử N’Trang Lơng bị phá bỏ hàng rào, lấn chiếm đất để làm thành một con đường đi

Cũng theo ông Trung, Sở TN&MT Đắk Nông đã thành lập đoàn kiểm tra, khảo sát làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị liên quan về công tác quy hoạch, thu gom vận chuyển, xử lý tại các bãi chôn lấp trên địa bàn huyện Tuy Đức. Trước mắt Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông đề nghị UBND huyện Tuy Đức chỉ đạo, yêu cầu đơn vị xử lý rác thải sinh hoạt tuyệt đối không được xử lý rác bằng phương pháp đốt lộ thiên.

Theo tìm hiểu, Cụm di tích lịch sử các địa điểm về phong trào khởi nghĩa do N’Trang Lơng gắn liền với phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp của đồng bào M’Nông do N’Trang Lơng lãnh đạo. Cụm di tích lịch sử này có diện tích 42 ha, trải dài trên địa bàn các xã Đắk R’tíh, Đắk Búk So, Quảng Tâm (huyện Tuy Đức).

Dương Phong