Đại biểu Quốc hội cần tăng hùng biện, giảm cầm giấy đọc!

Thế Hưng

(Dân trí) - Phát biểu của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân - "cầm giấy ê a đọc, mỗi người đi một hướng sao gọi là thảo luận Quốc hội?" đã nhận được nhiều chia sẻ của độc giả. Nhiều ý kiến cho rằng, các ĐBQH cần phải có kỹ năng hùng biện...

Phát biểu của đại biểu Lê Thanh Vân về việc đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cần thực hiện thảo luận đúng nghĩa, cần thể hiện khả năng hùng biện, thay vì mỗi người cầm giấy đọc một hướng khác nhau,  không chỉ được nhiều độc giả quan tâm mà còn thu hút rất nhiều tranh luận sôi nổi...

Đại biểu Quốc hội cần tăng hùng biện, giảm cầm giấy đọc! - 1

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Ảnh: Phạm Thắng).

Ủng hộ quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, độc giả Hoàng Quốc Bảo bình luận, đại biểu đại diện cho tiếng nói của cử tri nên không thể thiếu khả năng hùng biện: "Một ĐBQH phải nắm rõ vấn đề cử tri cần và hiểu biết lĩnh vực mình đại diện tranh luận. Một ĐBQH cũng phải có khả năng hùng biện".

Không chỉ đặt ra yêu cầu về khả năng hùng biện, độc giả Chu Đăng Khiêm còn đòi hỏi cao hơn nữa: "Đại biểu Quốc hội phải là các chính khách chuyên nghiệp, tôi cho rằng ý kiến của ông Vân là hoàn toàn đúng".

Tài khoản có nickname Duong Van Ly cũng nhận định: "Tôi đồng tình với đại biểu Lê Thanh Vân. Đã là ĐBQH phải có khả năng tranh luận. Trước khi là ĐBQH chắc chắn là đại biểu HĐND tỉnh, hoặc đứng đầu ngành nào đó, là đã cần có khả năng lý luận rồi!"

Tán thành quan điểm của đại biểu Lê Thanh Vân, bạn đọc Nguyễn Gia Lượng nhận định, vấn đề đại biểu nêu lên liên quan đến chất lượng kỳ họp Quốc hội:  "Nếu thảo luận mà chỉ vẻn vẹn 3 phút đọc mẩu giấy viết sẵn, tôi thấy thật buồn. Hãy xem các nước quanh ta, các nghị sỹ đâu có cầm mẩu giấy mà "đọc ý kiến" đâu!".

"Ủng hộ ý kiến của đại biểu Lê Thanh Vân. Việc nghe các đại biểu đọc sẵn văn bản nghe đều có câu chữ giống nhau sẽ nhàm. Nhưng đại biểu Vân nói cần "hùng biện" thì có thể to tát, làm nhiều người lo ngại. Chỉ cần phát biểu, thuyết trình ý kiến của mình là được, thay cho từ "hùng biện". Vì hùng biện là kĩ năng yêu cầu cao hơn với kĩ năng thuyết trình, phát biểu", một độc giả khác nêu quan điểm.

Thường xuyên theo dõi các phiên thảo luận của Quốc hội, độc giả có nickname THUONGNT phân tích: "Cơ bản tôi đồng tình ý kiến của ông Vân, một số đại biểu đang thiếu đi tính trọng tâm và dàn trải, cảm giác đại biểu nào cũng có lối trình bày giống nhau theo cách đọc một mạch.

Vấn đề thứ 2 mà tôi nhận thấy là trên 90% đại biểu đều đọc đoạn đầu giống nhau. Ví dụ như: "Tôi hoàn toàn đồng ý với báo cáo của... về vấn đề...; Năm qua khó khăn A, khó khăn B nhưng vẫn hoàn thành...". Riêng khoảng đầu này mỗi đại biểu tốn ít nhất 2-3 phút, nếu kỳ họp có 200 đại biểu phát biểu thì tổng thời gian là 400 -600 phút (khoảng 1 ngày làm việc) là không cần thiết và lãng phí".

Cũng theo bạn đọc này, nếu một đại biểu nào trước đó nói rồi thì đại biểu sau nên thôi và đi thẳng vào vấn đề trọng tâm cần đưa ra để thảo luận. Đại biểu cần tránh những câu bị thừa để không ảnh hưởng đến thời gian.

Khác với những ý kiến trên, độc giả Xuân Vinh lại đưa ra quan điểm riêng: "Cần đọc, đọc để nêu những khúc mắc mà dân cần hỏi. Đọc những điều đó lên cho toàn dân nghe, để người dân nghe xem những vướng mắc, kiến nghị của họ có được đại biểu đưa lên bàn thảo luận hay không và đưa ở mức độ nào? Chứ còn chỉ đọc cho ĐBQH nghe không thôi thì cũng không cần lắm vì có thể phát cho mỗi người một tờ.

Thứ 2 là vấn đề dân thắc mắc, những vướng mắc rộng và nhiều. Mỗi người, mỗi vùng dân cư lại có những cái nhìn và vấn đề khác nhau. Vì vậy không thể nói mỗi ông đi mỗi hướng được, vì đó là lẽ dĩ nhiên.

Nếu chúng ta chỉ nhìn vào một hướng, một mặt thì chỉ có thể giải quyết được một mặt. Cái mà tôi thấy hạn chế là không nên hạn chế thời gian đại biểu đưa ra những vấn đề và không nên hạn chế thời gian trả lời. Vì làm như vậy thì ĐBQH không nêu được hết các vấn đề và người trả lời cũng không trả lời hết các câu hỏi cần giải quyết.

Chỉ nên yêu cầu ĐBQH và người trả lời đi ngay vào trọng tâm, không hoa lá cành rườm rà. Chúng ta truyền hình là để dân nắm và biết những gì họ cần giải quyết và giải quyết như thế nào, họp mà không giải quyết được các vấn đề ngay trên nghị trường để dân nắm bắt, thì họp kín cho rồi!".

Quan điểm trên được bạn đọc Trần Quang Hiệp chia sẻ vì theo bạn đọc này, đại biểu Quốc hội không phải là từ điển mà cái gì cũng biết. Quan trọng là đại biểu biết cô đọng ý, không lan man dài dòng, đúng trọng tâm của vấn đề và cầm giấy hay không không quan trọng.

Bạn đọc Bình Minh không bày tỏ quan điểm trực diện, chỉ lý giải việc nhiều đại biểu chưa thể hùng biện. Cụ thể, theo bạn đọc này, khả năng tự tin thuyết trình của người Việt Nam chỉ ở mức trung bình... Điều này xảy ra ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường... "Hùng biện, thuyết trình cần phải dạy ngay từ vỡ lòng để làm sao cho mọi người Việt Nam tự tin giao tiếp, thuyết trình trước đám đông... để sau này đi làm khỏi phải cầm tờ giấy mà đọc thảo luận trước đám đông...", bạn đọc Bình Minh chốt lại.