Đa số người sử dụng trang mạng xã hội chưa ý thức trách nhiệm pháp luật

(Dân trí) - Hiện có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh về hoạt động công nghệ thông tin riêng và các trang mạng xã hội nói chung. Tuy nhiên, đa số người dân chưa biết đến các văn bản này nên cho rằng khi đăng tải trên các mạng xã hội cá nhân thì muốn nói gì cũng được. Trên thực tế họ đã vô tình vi phạm pháp luật.

Như Dân trí đã đưa tin, Sở TT&TT TP Đà Nẵng cho biết, cơ quan này vừa ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Giang Kiên Huy (ngụ quận Sơn Trà, Đà Nẵng) về hành vi vi phạm các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Theo đó, Huy phải nộp phạt số tiền hơn 8,7 triệu đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng yêu cầu Huy phải gỡ bỏ toàn bộ nội dung vi phạm được đăng tải trên trang fanpage facebook "I love Danang”. Đồng thời, có biện pháp kiểm soát và phải chịu trách nhiệm về các nội dung được đăng comment.

PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Anh Tú (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) về vụ việc này cũng như góc nhìn pháp luật đối với những sự việc tương tự trên mạng xã hội hiện nay.

Sự việc Facebook "I love Danang” bị phạt một lần nữa đưa ra cảnh báo về trách nhiệm về mặt pháp luật đối với người sử dụng và quản lý những thông tin và sự tương tác trên facebook của cá nhân cũng như tổ chức, đoàn thể. Xin luật sư cho biết ở góc độ pháp luật người bình luận trên facebook có trách nhiệm gì?

Hiện có rất nhiều văn bản pháp luật điều chỉnh về hoạt động công nghệ thông tin và các trang mạng xã hội nói chung. Tuy nhiên, đa số người dân chưa đọc và chưa hiểu hết các văn bản này nên họ cứ cho rằng facebook muốn nói gì cũng được, về điều này họ vô tình vi phạm và không biết.

Theo quy định, các mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng thì cá nhân được quyền phát biểu quan điểm của mình. Tuy nhiên, ý kiến, quan điểm đó không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín và đời tư của người khác thậm chí bôi nhọ, xúc phạm đến các cơ quan nhà nước vì như vậy sẽ vi phạm pháp luật. Dù mạng là mạng xã hội thì pháp luật đều điều chỉnh các hành vi, hoạt động của các tổ chức, cá nhân trên các lĩnh vực này. Pháp luật không chỉ điều chỉnh các quan hệ xã hội ngoài đời thực mà pháp luật còn điều chỉnh các hành vi trên các mạng xã hội.


Luật sư cảnh báo nhiều người sử dụng mạng xã hội đã vô tình vi phạm pháp luật mà không biết.

Luật sư cảnh báo nhiều người sử dụng mạng xã hội đã vô tình vi phạm pháp luật mà không biết.

Ý kiến của ông về mức xử phạt đối với các hành vi nói trên, cụ thể đối với chủ của các trang Fanpage và các đối tượng người dùng là những người có comment có nội dung không phù hợp?

Trên các mạng xã hội hiện nay, thường gặp nhất là những hành vi xúc phạm danh dự, bôi nhọ, vu khống, làm nhục, xúc phạm đời tư, cá nhân. Hiện nay, chế tài về các hành vi này chưa đủ sức răn đe, chủ yếu bị xử lý vi phạm hành chính như phạt cảnh cáo, phạt tiền... bồi thường thiệt hại...chứ hầu như ít bị xử lý về mặt hình sự dù luật hình sự có điều chỉnh về những hành vi này.

Thực tế những hành vi, vi phạm trên mạng xã hội thì còn tùy tính chất, mức độ của hành vi và hậu quả mà hành vi đó gây ra. Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều hành vi, vi phạm trên mạng xã hội nói chung và facebook nói riêng. Nhưng các cơ quan chức năng vẫn chưa triệt để, nghiêm minh trong việc xử lý các hành vi vi phạm này khi có đơn khiếu nại, tố cáo. Chủ yếu do việc điều tra, xác minh gặp nhiều khó khăn và phức tạp, hành vi gây thiệt hại chưa nghiêm trọng. Những lý do này tạo điều kiện cho người thực hiện hành vi vi phạm không bị chế tài và cứ tiếp tục vi phạm.

Đối với người dùng facebook, việc hiểu biết pháp luật còn hạn chế, tư tưởng coi thường cuộc sống riêng tư, danh dự, nhân phẩm người khác của đại đa số chưa được ý thức cao nên có nhiều hành vi vi phạm mà không cần suy nghĩ, đắn đo. Đối với chủ của các trang fanpage vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính theo Nghị định số 174/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ với hình thức phạt tiền. Tuy nhiên, cần ban hành các văn bản quy định pháp luật chi tiết hơn đối với các hành vi vi phạm trên mạng xã hội, cần tăng mức xử phạt vi phạm hành chính, tăng tiền phạt vi phạm, và cần nghiêm khắc, triệt để hơn trong việc xử lý hành vi vi phạm. Các cơ quan chức năng cần thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo của các cá nhân, tổ chức một cách nghiêm túc, nhanh chóng và hiệu quả nhằm tạo sức răn đe cho người vi phạm.

Có nhiều ý kiến cho rằng rất khó kiểm soát tình trạng comment của người khác trên trang mình… không ai đăng xong rồi ngồi rình xem comment sai để xóa cho hết sạch?

Do mạng xã hội là trang cho phép ẩn danh tính nên người dùng có thể sử dụng các thông tin ảo rất khó để các chủ fanpage kiểm duyệt thông tin trước khi cho phép đăng nhập. Hơn nữa, không phải lúc nào các chủ fanpage cũng thường xuyên “ngồi canh” thông tin của mình sau khi đăng. Vì vậy rất khó kiểm soát được các đối tượng lợi dụng các diễn đàn chính danh để đăng các bình luận xúc phạm cá nhân, tổ chức và thông tin xuyên tạc.

Từ sự việc trên cá nhân tôi cho rằng, quy định xử phạt chủ tài khoản mạng xã hội vì những comment là chưa thỏa đáng, vì chủ tài khoản mạng xã hội thuộc loại trang thông tin điện tử không phải xin giấy phép, thuộc cá nhân nên họ không có điều kiện kỹ thuật và người quản lý có chuyên môn, nên họ không thể kiểm soát được những phản hồi của người khác, theo Điều 26 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP quy định về Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng dịch vụ mạng xã hội: “Chịu trách nhiệm về nội dung thông tin do mình lưu trữ, cung cấp, truyền đưa trên mạng xã hội, phát tán thông tin qua đường liên kết trực tiếp do mình thiết lập”. Như vậy, theo quy định này chủ tài khoản mạng xã hội chỉ phải chịu trách nhiệm về những thông tin của bản thân mà không phải chịu trách nhiệm về những thông tin của người khác. Quy định trên là phù hợp với thực tế, bởi nếu xử phạt các chủ tài khoản thì dễ xảy ra trường hợp “chơi xấu” trên mạng xã hội, khi một người dùng tài khoản ẩn danh comment “bậy bạ” trên trang người khác nhưng bản thân họ không “hề hấn gì”, nhưng chủ tài khoản lại bị xử phạt còn thiếu công bằng.

Luật sư cho biết pháp luật hiện hành qui định như thế nào về xử phạt hành chính, hình sự, dân sự đối với các vấn đề liên quan đến mạng xã hội (người dùng và chủ các fanpage)?

Bộ luật Dân sự năm 2005 đã quy định tất cả các quyền dân sự của các nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ (Điều 9), trong đó cá nhân được tôn trọng và bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín (Điều 37).

Bộ luật dân sự cũng quy định, khi quyền dân sự của một chủ thể bị xâm phạm thì chủ thể đó có quyền tự bảo vệ theo quy định của Bộ luật này hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền công nhận quyền dân sự của mình; buộc chấm dứt hành vi vi phạm; buộc xin lỗi, cải chính công khai; buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự; buộc bồi thường thiệt hại.

Như vậy, việc comment trên facebook nhằm mục đích đưa và phát tán thông tin xuyên tạc, vu khống bôi xấu, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm và uy tín của cá nhân, tổ chức là hành vi bị pháp luật cấm: “Đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân; “Giả mạo tổ chức, cá nhân và phát tán thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.

Việc xử lý hành vi vi phạm nói trên được áp dụng theo Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 03/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.Theo đó, hành vi: cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ bị xử phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng (Điểm g Khoản 3 Điều 66); Hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng (Điểm a Khoản 3 Điều 64).

Ngoài ra, những hành vi bôi nhọ danh dự nhân phẩm của người khác một cách nghiêm trọng nói trên có thể cấu thành hai tội hình sự: Tội vu khống (Điều 122 BLHS) và tội làm nhục người khác (Điều 121 BLHS). Tuy nhiên biện pháp hình sự chỉ áp dụng được trong trường hợp người thực hiện hai hành vi nói trên có lỗi cố ý.

Cảm ơn luật sư!

Thanh Trầm (ghi)