Bạn đọc viết:

Đà Nẵng "chiều cay"

(Dân trí) - Có người bạn ở xa khi đến Đà Nẵng nói với tôi rằng: Đà Nẵng sôi động, trẻ trung. Đà Nẵng ngập tràn quán nhậu. Thực tế cho thấy, sự “sôi động, trẻ trung” của thành phố một mặt còn thể hiện ở nhịp độ… ăn nhậu.

Ngập tràn quán nhậu

 

Khi bóng chiều chưa xuống đến độ một con sào thì các ngả đường, con phố, những quán nhậu đã lục tục chuẩn bị cho những cuộc chén tạc chén thù của dòng người tấp vào ra sau giờ tan ca chiều. Gần như từ đường lớn đến ngõ hẻm đều xuất hiện quán nhậu. Nhậu trở thành một nhu cầu giải tỏa của nhiều người Đà Nẵng sau mỗi buổi tan tầm. Rượu bia xuất hiện như một phần không thể thiếu được trong các bữa tiệc, liên hoan, hiếu hỷ.

 

Mỗi năm nước ta tiêu thụ khoảng 350 triệu lít rượu, bình quân mỗi người tiêu thụ 3,9 lít rượu/năm. Lại có thống kê sơ bộ, những năm gần đây, mỗi năm người Việt Nam chi cho rượu bia khoảng gần 70.000 tỷ đồng (trên 3 tỷ USD).

Hiện nay rượu bia tràn ngập đường phố, người ta sử dụng có khi không cần lý do gì, chỉ đơn giản… uống vì bất cứ một điều gì. Đối tượng tiêu thu rượu bia cũng đa dạng đủ mọi đối tượng, thành phần. Tuy mỗi độ tuổi, đối tượng nhậu khác nhau, nhưng điểm chung là: Uống và uống!

 

Điểm mặt các con đường nổi danh với hàng quán nhậu dày đặc như Phạm Văn Đồng, 2-9, Duy Tân, Nguyễn Tất Thành, Hà Huy Tập hay chợ nhậu Hòa Khánh… Vào tầm 5 giờ chiều là cứ như ngày hội, rộn rịp, tấp nập người vào ra các quán nhậu. Đó là một thực tế mà ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy.

 

Từng hồi tiếng hô vang:  Zdô! Zdô! Zdô!  phát ra từ các bàn nhậu. Sau vài ly chào bàn, men ruợu ngấm dần qua màu hồng trên khuôn mặt các tửu khách. Và sau ly ruợu, người ta thoải mái trút hết mọi mệt mỏi, tâm sự sau ngày dài làm việc. Tuy nhiên cũng đã có bao chuyện xảy ra khi người nhậu  không kiểm soát được bản thân sau khi uống bia rượu, bao nhiêu hệ lụy buồn cũng bởi ly bia, chén rượu vào mỗi cuối chiều.

 

Những con số biết nói

 

Có mặt tại khoa thần kinh bệnh viện Đà Nẵng, chúng tôi nhìn thấy những hàng dài bệnh nhân nằm đủ mọi tư thế, trạng thái từ co giật đến bất động. Họ chủ yếu là các nạn nhân của các vụ tai nạn giao thông. Những cái đầu trọc lóc, phù to và băng kín một màu trắng, loang lổ vài vết máu.
 
Có người buột miệng: Vào đây, chứng kiến cảnh này người ta mới thấy cái đáng sợ, khủng khiếp của tai nạn giao thông. Nó không chỉ làm đau thể xác cho chính nạn nhân, mà còn mang lại bao nhiêu âu lo, phiền muộn cho người thân.
 

Đà Nẵng "chiều cay" - 1

Như đã trở thành thói quen trong các cuộc xôm tụ bạn bè bia rượu không thể vắng mặt
(ảnh minh họa)
 

Viện Chiến lược và Chính sách Y tế (Bộ Y tế) trong một nghiên cứu ghi nhận, tình hình sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rượu bia ở nước ta trong nhưng năm trở lại đây liên tục tăng lên. Lý do sử dụng rượu bia cũng được xác định nguyên nhân từ tác động của bạn bè và trạng thái hưng phấn cá nhân.

 

Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông TP Đà Nẵng, trong 3 tháng đầu năm 2011, tình hình tai nạn giao thông tăng lên con số báo động: xảy ra 60 vụ tai nạn giao thông, làm chết 37 người, bị thương 55 người. Trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do chạy quá tốc độ (20, vụ làm chết 13 người), đi không đúng phần đường quy định (13 vụ, làm chết 8 người). Phương tiện gây tai nạn giao thông chủ yếu là lái xe mô tô (50 vụ chiếm 83.3%) và địa bàn xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất là các tuyến nội thành chiếm 68.3%. Thời gian xảy ra tai nạn giao thông nhiều nhất từ 18h- 24h (40% tổng số vụ).

 

Theo thống kê của Bệnh viện Đà Nẵng, con số xảy ra tai nạn giao thông nhiều gấp nhiều lần so với con số mà phía cảnh sát giao thông ghi nhận. Riêng trong quý 1 năm 2011 tiếp nhận 2884 ca, tử vong trước viện 10 ca. Có một thực tế, trong tổng số vụ tai nạn giao thông xảy ra thì 60- 70% vụ liên quan đến bia rượu.

Luật Giao thông Đường bộ sửa đổi năm 2008 quy định cấm triệt để việc sử dụng rượu bia đối với người điều khiển ô tô và hạn chế tối thiểu đối với nồng độ cồn trong máu người điều khiển xe máy khi tham gia giao thông. Luật định là vậy, nhưng trên thực tế tình hình vi phạm so với luật định luôn thường trực phổ biến. Đa số tại các quán nhậu, người đến nhậu đều tự mình đi xe đến, sau khi đã chuyếnh choáng hơi men mới đứng dậy ra về.

 

Mới đây, trên đường Điện Biên Phủ có vụ tai nạn giao thông, nạn nhân nam nằm quằn quại giữa đường, miệng ú ớ, máu tràn đường lênh láng. Nhiều người qua đường ái ngại khi nhìn thấy “vũng máu đặc quánh” quanh nạn nhân. Nhưng có trực tiếp sát hiện trường mới vỡ lẽ, máu có chảy nhưng quyện với “đống của nợ” do nạn nhân nôn ra đường bốc nồng nặc mùi rượu (!)

 

Đa số những người sau khi sử dụng rượu bia rất hạn chế trong việc kiểm soát được hành động bản thân. Nhiều chuyên gia y tế cho biết, cứ 0,05mg/lít khí thở, người uống đã bị giảm sút suy nghĩ, dễ bị kích đọng và nói nhiều; 0,1mg/lít khí thở người uống gặp khó khăn trong cầm nắm, đi lại loạng choạng… Ở mức độ nồng độ càng cao càng có thể dẫn đến lú lẫn, không nhận thức được mọi việc xung quanh…

 

Bên cạnh đó, cũng theo một nghiên cứu khác, rượu bia là tác nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10-30%, làm giảm khả năng điều khiển, tự chủ, phản xạ và yếu thị lực, chậm quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não gây ước đoán sai về khoảng cách. Rượu bia cũng tác động vào tâm lý thích bốc đồng, dễ bị kích thích. 

 

Uống rượu bia  cũng là một nét đẹp văn hóa. Nhưng để uống rượu cho đúng và cho đẹp, con người chúng ta cũng cần trí tuệ, tri thức và đặc biệt là ý thức. Phải ý thức được rằng, uống rượu cũng đòi hỏi có văn hóa. Mà văn hóa thì không chấp nhận sự thái quá. Bởi mọi sự vượt qua giới hạn đều không mang lại điều tích cực, nhất là trong những cuộc “thư hùng” trên bàn nhậu sau mỗi chiều hôm!

 

Húy Thừa Sắc

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm