Đá lát vỉa hè ở Hà Nội vỡ do giãn nở khi mưa hay bởi làm nền quá ẩu?
(Dân trí) - Nhiều độc giả chưa đồng tình với lý giải của GĐ Sở Xây dựng Hà Nội về nguyên nhân đá lát vỉa hè vỡ. Một số ý kiến cho rằng, "thủ phạm" là ý thức con người, một số khác nhìn nhận lỗi từ việc làm nền...
Thông tin Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Võ Nguyên Phong chia sẻ với báo chí về công tác lát đá vỉa hè bằng đá tự nhiên, đang thu hút sự tranh luận sôi nổi của độc giả Báo Dân trí.
Theo đó, về hiện tượng đá lát vỉa hè bị vỡ, hỏng được báo chí phản ánh thời gian qua, ông Phong cho rằng chủ yếu là những tuyến đường được lát vỉa hè trước giai đoạn ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về việc "thiết kế mẫu hè đường phố đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, đá lát vỉa hè trước giai đoạn này được khai thác bằng phương pháp nổ mìn, cho nên đá bị om. Ngoài ra, đá marble (đá tự nhiên - PV) thường có gân đá, không được đồng chất nên khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý.
Tuy nhiên, theo đại diện UBND TP Hà Nội thì nguyên nhân xảy ra tình trạng trên là do việc thi công chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhất là chất lượng lớp bê tông nền; công tác nghiệm thu chất lượng lát đá vỉa hè chưa cao; công tác quản lý sử dụng sau đầu tư chưa đảm bảo (tình trạng phương tiện giao thông (ô tô, xe máy) đỗ trên hè phố, đi trên hè phố...); công tác bảo trì, bảo dưỡng chưa được quan tâm đúng mức.
Gửi ý kiến bình luận về vấn đề nêu trên, nhiều độc giả Dân trí tranh luận sôi nổi về lý do đá vỡ.
Có lát kim cương thì vẫn sẽ vỡ ?
Độc giả Hung Hoang cho rằng, "Lát cái gì thì lát nhưng cứ để ô tô, xe máy leo lên thì cũng vỡ, bong hết. Tại sao xác định vỉa hè dành cho người đi bộ rồi mà không triển khai làm hàng rào xích bên ngoài để ngăn các phương tiện đi lên?".
"Có lát kim cương thì vẫn sẽ vỡ nếu còn để ô tô, xe máy chạy tràn lan trên vỉa hè. Tôi nghĩ đã đến lúc nên có một biện pháp mạnh tay để dẹp tình trạng leo lên vỉa hè như hiện nay, vì tình trạng này không chỉ làm vỉa hè xấu đi mà còn làm cho người dân trở nên kém văn minh. Tôi gặp nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, họ đều thấy rất bất ngờ, bất bình, hoảng sợ với tình trạng đang đi trên vỉa hè thì phía sau xe máy tuýt còi đòi vượt. Có tuyến đường vào giờ cao điểm thậm chí không còn chỗ nào trên vỉa hè để cho người đi bộ", độc giả Thái Anh lập luận.
Bức xúc về tình trạng xe cộ leo lên vỉa hè, độc giả Thùy Minh khá gay gắt: vỉa hè nên được lát bằng sự tự trọng, ý thức và kỷ luật của con người.
Phân tích điều này, độc giả viết: "Thi công chất lượng thế nào thì tôi không bàn, nhưng cứ theo đúng chức năng là để cho người đi bộ thì chất lượng có tệ thế nào cũng không thể hư hại nặng thế. Cứ tắc đường hoặc thậm chí hơi đông đông dừng đèn đỏ cái là phi rào rào lên vỉa hè thì cái vật liệu gì nó chịu cho nổi.
Tôi cũng đi lại hàng ngày tắc đường rất nặng nhưng không bao giờ phi lên hè để đi, lâu hơn nhiều người len lỏi, nhiều lúc cũng bất lực và tức muốn khóc vì trễ giờ nhưng luôn tự dặn mình phải nhẫn nại khi đi đường thay vì nhanh hơn chút nhờ ăn cướp thời gian của người khác và trưng dụng làn đường không phải của mình.
Vỉa hè nên được lát bằng sự tự trọng, ý thức và kỷ luật của con người.
Còn cả người dân và cơ quan chức năng cứ làm ăn không quyết liệt cái kiểu này thì tốt nhất nước mình nên tiên phong trở thành nước đầu tiên trên thế giới rải nhựa đường lên vỉa hè để khỏi lo vỡ, lâu dài khéo lại là kinh tế hơn".
"Tôi thấy nhiều người cho rằng nguyên nhân vỉa hè vỡ là do xe lên/xuống. Mọi người quên là có những con đường bằng đá do người La mã xây khắp Châu Âu từ 1.000-2.000 năm đến nay vẫn tồn tại và sử dụng. Có những cây cầu bằng đá thậm chí chịu được tải trọng của xe tăng trong chiến tranh thế giới thứ 2. Vậy lý do là gì? Xem lại thiết kế và kỹ thuật thi công", quan điểm trái chiều của độc giả Phan Hoàng.
Đá lát vỉa hè không phù hợp hay chất lượng thi công kém?
Nhiều độc giả cho rằng, nguyên nhân khiến đá lát vỉa hè bị hỏng là do lựa chọn loại không phù hợp.
Độc giả Đức Khôi viết: "Đá marble không phù hợp làm vỉa hè đại trà mà chỉ nên làm ở một số nơi tạo điểm nhấn, bởi đá này không phù hợp cho các bề mặt chịu lực. Nguyên tắc đơn giản là nếu chất liệu đá càng đàn hồi tốt thì sẽ ít bị nứt vỡ hơn. Vì vậy không nên chọn chất liệu đá cứng, vì vỉa hè ở Việt Nam không chỉ dành cho người đi bộ.
Thay vào đó, nên lát loại đá có khả năng thấm nước tốt, để khi mưa nước ngấm vào đá, ngấm vào đất, sẽ hạn chế ngập úng hơn.
Tôi đã qua vỉa hè ở Thái, họ chỉ đổ bê tông nhưng rất đẹp, phẳng, chắc, ô tô lên thoải mái. Bên Sydney Úc cũng nhiều đoạn hè đổ bê tông, vừa bền vừa dễ thi công vì không phải cắt gọt".
"Để có đá lát vỉa hè thì chúng ta đã làm biến mất rất nhiều quả núi, làm mất đi hệ cân bằng sinh thái, chưa kể khi lát bằng đá thì bên dưới đổ bê tông nên khi mưa xuống, nước sẽ không thấm được gây ra hiện tượng cạn mạch nước ngầm và càng tạo nên hiện tượng úng ngập ở rất nhiều nơi. Nên dùng loại gạch block cũ trước đây, rất cơ động và thuận tiện khi cải tạo, sửa chữa công trình ngầm", độc giả Minh Anh nêu quan điểm.
Không đồng tình với giải thích của Giám đốc Sở Xây dựng, độc giả Quang Anh cho rằng: "Giải thích rằng khi mưa xuống thì bị giãn nở, tự nó vỡ, thậm chí không cần tác động vật lý thì thật bó tay. Đá lát thì phải có tiêu chuẩn mới được lát, mà tiêu chuẩn do các ông đặt ra, bây giờ bị vỡ nhiều thì lại bảo tự nó vỡ. Cách giải thích không dám nhìn thẳng vào sự thật, trong khi bản chất là khi thi công việc làm nền không đảm bảo".
Độc giả Nguyễn Hiền cũng gay gắt: "Những thông tin về đá tự nhiên (granit) của ông GĐ sở xây dựng là không chuẩn xác. Đề nghị ông nên tham khảo ý kiến của các nhà địa chất về tính chất, độ bền... của loại đá mà các ông đã dùng để lát vỉa hè. Ông không nên phát biểu theo cảm tính như vậy. Xin mời ông vào tham quan TP Qui Nhơn, hiện nay TP đã và đang sử dụng loại đá tự nhiên như của các ông lát vỉa hè ở Hà Nội, nhưng không hề bị "tai nạn" như ở Hà Nội. Các ông nên xem lại kỹ thuật lát vỉa hè của nhà thầu hoặc nguồn đá các ông mua chất lượng như thế nào".
Độc giả Hải Hà hài hước: "Hà Nội cứ mùa hoa sữa về là cải tạo vỉa hè, chắc dần thành nét văn hóa rất riêng của thủ đô. Nếu đá 70 năm chỉ được 1 - 2 năm vỡ thì mong các bác giới thiệu loại 700 năm cho dân yên tâm.
Trước đây dùng gạch lục giác nền cát thay cho gạch vuông cũ thì các bác giải thích là để gia tăng cả triệu m2 diện tích thẩm thấu nước chống ngập lụt và thân thiện với môi trường. Nay thay bằng đá vuông, nền bê tông mới nhìn cũng thấy đẹp, bền thì chưa biết, cần thời gian xem sao, nhưng bịt hết cả triệu m2 diện tích thẩm thấu nước là sao nhỉ? Có nhà thông thái nào biết xin giải đáp giúp?".
Đồng tình với nguyên nhân cho rằng việc làm nền không bảo đảm, nhiều độc giả đã phân tích cụ thể.
"Thực tế cốt nền toàn san phẳng bằng cát đen chả có độ liên kết gì, sau đó tưới tí nước xi măng lên mặt cát rồi đặt gạch lên thì đi bộ cũng bong. Chất lượng thi công rất kém, nền cốt không có. Tôi thấy nhiều nơi cũng lát đá này hơn 2 năm rồi, ô tô đi lên cũng có sao đâu, do cốt nền được đổ bê tông 15cm, sau đó họ cán phẳng bằng xi măng cát đủ tỉ lệ mới đặt đá lên. Cứ thi công đúng chất lượng thì chắc chắn bền", độc giả Hoàng Hà.
"Đá tốt không bằng cốt tốt. Nếu vỉa hè được đổ bê tông dày 7cm- 10cm mác như đổ trần nhà sau đó cán lớp vữa dày 2m rồi mới dán gạch xem có vỡ được gạch không? Còn chỗ gốc cây đổ bê tông đan sắt 10x10cm mác cao, chừa quanh gốc 60-70cm tùy đường kính cây xem có bị xé không? Trên thực tế chúng ta thấy xe máy chạy trên vỉa hè vỡ gạch hỏng bê tông thì đúng là xe máy sai vì vi phạm luật nhưng bung gạch và hỏng nền vỉa hè thì do chất lượng vỉa hè nó chẳng ra gì, không làm kiên cố để hỏng đâu sửa đó thì mãi mãi phải sửa là đúng thôi!", độc giả Lý Anh Tuấn.
Nguyên nhân vỉa hè nhanh hỏng có nhiều và cũng được đề cập nhiều rồi. Tuy nhiên, theo độc giả Minh Tú, còn vấn đề nữa mà ít ai nói tới đó là công tác duy tu bảo dưỡng. "Bất cứ công trình nào dù tốt đến mấy cũng cần duy tu bảo dưỡng thường xuyên. Ví dụ một khu vực vỉa hè bị bong tróc 1-2 viên đá, nếu có người kiểm tra sửa chữa ngay thì nó không thể bong rộng thành mảng và làm hỏng luôn cả cái vỉa hè. Cần kiểm tra việc thực hiện công tác này. Ai chịu trách nhiệm?".