Đã bắt đầu hình thành Văn hóa từ chức?

(Dân trí) - Ngày 2/12, ông Huỳnh Tấn Thành chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, ông đã tự nguyện nộp đơn xin từ chức Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận. Điều này làm cho dư luận dấy lên rằng, liệu ở nước ta đã bắt đầu có văn hóa từ chức?

Theo báo chí, thông tin trên được ông Thành phát biểu vào ngày 1/12, sau phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh Bình Thuận khóa 8. Ông Thành cũng tự đánh giá những việc làm được, chưa được trong gần 10 năm trên cương vị chủ tịch UBND tỉnh của mình. Đầu năm 2010, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố thi hành kỷ luật cảnh cáo ông Thành về mặt Đảng vì những khuyết điểm trong việc thiếu kiểm tra, giám sát, để UBND tỉnh giải quyết giao đất một số dự án không đúng quy định. Trong đó có vụ giao hơn 50.000 m² đất thuộc dự án cảng vận tải Phan Thiết cho Công ty TNHH thép Trung Nguyên không đúng quy định.

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Hơn nữa, tháng 2/2009, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã thu hồi hơn 17.000 m² đất đã giao cho ban quản lý du lịch Đồi Dương - Thương Chánh (thuộc UBND TP Phan Thiết) để giao cho Công ty TNHH thương mại và sản xuất Quản Trung không qua đấu thầu, đấu giá.

Như vậy, phải chăng ông Thành từ chức là vì thấy mình có thiếu sót, khuyết điểm hay việc ông Thành từ chức là một hành động khôn ngoan?

Sao từ trước đến nay, nhiều người quyền cao, chức trọng cũng có nhiều thiếu sót, khuyết điểm, có cả những người bị cảnh cáo như ông Thành mà không thấy ai từ chức nhỉ?!

Còn nhớ cách đây chưa lâu, báo chí cũng nói nhiều đến việc ông Trần Đăng Tuấn-Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam, đầu đơn từ chức lên Thủ tướng Chính phủ và đã được chấp nhận. Tuy nhiên, ông Tuấn từ chức khi đang làm tốt công việc của mình lại là chuyện khác. Ông Tuấn từ chức vì muốn có những trải nghiệm khác, vì để nhìn nhận cuộc sống từ những khía cạnh khác của cuộc sống muôn màu nghìn vẻ.

Vậy là, lý do từ chức của hai ông này khác nhau nhưng ở nước ta đã có những người “quyền cao, chức trọng” đã dám từ chức, “không tham quyền cố vị” như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn?

Nhìn ra thế giới, việc một vị Thủ tướng hay chí ít là Bộ trưởng khi thấy mình chưa chu toàn bổn phận đã lên truyền hình xin nhận trách nhiệm, xin lỗi dân chúng và… xin từ chức là chuyện không phải hiếm, là chuyện xưa như trái đất. Nhưng ở ta, việc một vị Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh ủy dám mạnh dạn từ chức khi thấy mình có thiếu sót lại là chuyện “xưa nay hiếm”, chưa từng xảy ra. Thà bị cách chức chứ đừng nói đến chuyện từ chức. Việc từ chức là một việc làm có thể coi là “xa xỉ phẩm”. “Văn hóa từ chức” là một khái niệm hoàn toàn mới mẻ. Vì lẽ đó, việc ông Thành từ chức rất được dư luận quan tâm, rất đáng hoan nghênh.

Việc đặt lợi ích dân tộc, lợi ích người dân lên trên hết cần được tôn trọng. Một khi thấy mình không làm tròn nhiệm vụ, vì để tạo cơ hội cho người khác lên thay mình gánh vác trọng trách lo cho dân, cho nước tốt hơn thì nên…từ chức.

Việc từ chức trong trường hợp vừa nêu là có văn hóa, và ngược lại, nếu tham quyền cố vị sẽ là hành động vô văn hóa? Chúng tôi là những người dân, chúng tôi luôn mong những người đứng đầu cơ quan, đơn vị…nếu thấy mình không xứng với chức phận được Đảng và Nhà nước giao phó nên từ chức. Văn hóa từ chức mong rằng sớm được hình thành ở nước ta.

                                         Lê Quốc Châu
Trường THPT Cù Huy Cận-Hà Tĩnh

LTS Dân trí - Việc từ chức, tự nguyện rời bỏ những chức quyền có lương cao, bổng lộc nhiều, riêng hành động đó đã là một hành động cho thấy cách ứng xử có văn hóa, không tham quyền cố vị, nhất là khi thấy mình không còn thích hợp với cương vị được nhân dân giao phó, tạo điều kiện cho việc bổ nhiệm người khác có triển vọng gánh vác nhiệm vụ tốt hơn mình.

Trong một xã hội văn minh, trình độ dân trí cao và Nhà nước pháp quyền đã được thiết lập trong cuộc sống thì việc từ chức trở thành một nét đẹp của văn hóa ứng xử của những con người biết tự trọng, biết đặt lợi ích của nhân dân, của đât nước lên trên những ham muốn không chính đáng, thậm chí là là thấp hèn của cá nhân.

Vì vậy, Văn hóa từ chức tuy còn mới mẻ nhưng là nhân tố mới trong cuộc sống hôm nay và đáng là vấn đề để dư luận quan tâm.

Xin trân trọng mời bạn đọc tham gia ý kiến về chủ đề này.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm