Đã 4 tháng, giáo viên Tả Sử Choong chưa có lương
Đó là tình cảnh “sống dở chết dở” mà giáo viên Trường Tiểu học và THCS Tả Sử Choong của huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang không biết kêu ai.
Những giáo viên ở trường này đã lên hỏi những người có trách nhiệm lãnh đạo quản lý trường nhưng chỉ được nghe một câu trả lời đơn giản và ngắn gọn: kế toán của trường nghỉ hoặc một câu trả lời chung chung: lương chưa về!
Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn |
Nếu như thế, người gánh chịu hậu quả cuối cùng là những em học sinh thân yêu. Các em sẽ phải thất học. Ai là người có lỗi trong việc này khi cả nước đang thực hiện chủ trương phổ cập bậc tiểu học và thu hút học sinh đến trường đúng độ tuổi và không bị thất học, nhất là trẻ em miền núi?
Tại trường Tiểu học & THCS Tả Sử Choong, mặc dù giáo viên không có lương 4 tháng nay nhưng họ vẫn lên lớp vì tinh thần trách nhiệm và lòng yêu thương học sinh của mình.
Tuy vậy, cho đến ngày hôm nay, đã đến cái ngưỡng ngoài sức chịu đựng của họ. Những đồng tiền chắt chiu bao năm đã tiêu sạch vào chuyện lo miếng ăn hằng ngày. Họ không còn có thể trông cậy vào đâu để có miếng ăn qua ngày để tiếp tục lên lớp.
Đấy là tình hình cực kỳ cam go mà những giáo viên ở mái trường này đang trong nỗi niềm trăn trở. Chẳng lẽ vì miếng cơm cho gia đình mà những giáo viên ở đây phải rời xa mái trường họ gắn bó bao lâu nay để tìm việc khác, hỏi như vậy bao giờ những nơi vùng cao như Tả Sử Choong còn ai dám lên đây dạy học nữa và trẻ em ở đây đành chịu cảnh thất học hay sao?
Một giáo viên của trường cho hay: cả anh và vợ đều là giáo viên của trường đã 4 tháng nay cả 2 vợ chồng chưa ai có đồng lương nào cả, trong khi đó các đồng nghiệp trường khác không bao giờ bị chậm lương đến quá 5 ngày. Cả 2 vợ chồng anh đã từng lên gặp hiệu trưởng trường nhưng cũng chỉ nhận được câu trả lời là kế toán của trường nghỉ nên chưa có lương.
Giáo viên nào của trường cũng đều thấy những lý do nhà trường nêu ra đều hết sức vô lý vì lương của giáo viên trường công lập là do ngân sách nhà nước chi trả chứ không phải trường trả mà bảo không có tiền, cùng lắm vì 1 lý do nào đó chậm đến 1- 2 tháng là cùng, vậy mà 4 tháng trời đã trôi qua với những lý do không thể hiểu nổi. Dù trong lòng rất bất bình về chuyện quá chậm trễ lương ở đây nhưng do sợ bị trù úm nên không ai dám công khai lên tiếng.
Dù không phải là giáo viên của trường này, nhưng tôi có những người bạn dạy học ở đây, cho nên biết được cảnh cơ cực của nhiều giáo viên đang phải chịu đựng hằng ngày và tôi còn lo cho trẻ em ở vùng này sẽ bị thất học, cho nên đã viết bài này gửi Diễn đàn Dân trí, mong có tiếng nói phản ảnh tới Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như lãnh đạo tỉnh Hà Giang và huyện Hoàng Su Phi biết thực trạng của một trường học vùng cao để có biện pháp cứu nguy khẩn cấp cho mái trường này.
Qua việc điều tra và giải quyết đến nơi đến chốn vụ việc này, tôi nghĩ rằng có thể rút ra bài học kinh nghiệm để chỉ đạo quản lý có hiệu quả hơn đối với các trường vùng cao còn nhiều khó khăn để giúp cho đội ngũ giáo viên ở đây yên tâm đem hết năng lực và tâm huyết phục vụ sự nghiệp “trồng người” ở các vùng còn nhiều khó khăn này.
Vũ Văn Huy
(Khu 3 thị trấn Vinh Quang - Huyện Hoàng Su Phì, Hà Giang)
LTS Dân trí - Một sự thật trớ trêu không thể ngờ tới đã xảy ra ở một trường tiểu học và THCS Tả Sử Choong của huyện Hoàng Su Phi, tỉnh Hà Giang. Những giáo viên dạy ở đây đã phải vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn để đem văn hóa và tri thức đến với trẻ em vùng cao. Không những họ không được giúp đỡ về vật chất cũng như động viên về tinh thần, mà còn bị đối xử hết sức vô lý là “đi dạy… không công” đến bốn tháng nay!
Nếu thông tin này đến được tai các cấp lãnh đạo, quản lý ngành giáo dục ở trung ương cũng như địa phương chắc không tránh khỏi sự ngạc nhiên về tình trạng quá vô lý vẫn còn tồn tại trong một ngành có vị trí “quốc sách hàng đầu” mà lại xảy trên địa bàn đáng quan tâm nhất là ở vùng cao nước ta.
Chúng tôi mong rằng Bộ Giáo dục - Đào tạo cũng như Sở Giáo dục - Đào tạo Hà Giang cho điều tra về thực trạng này và có biện pháp khắc phục kịp thời, tạo điều kiện cho các thầy cô giáo Trường Tiểu học và THCS Tả Sử Choong có thể bám trường bám lớp, làm tròn nhiệm vụ “trồng người” ở vùng đất còn nhiều khó khăn này.