Cướp bánh mì ăn, hai thanh niên đối mặt án tù 3 - 10 năm: "Mức án thiếu nhân văn!"
(Dân trí) - Dự kiến vụ xét xử hai hai thanh niên đói bụng nên vào tiệm tạp hóa vờ mua bánh mì và một số thức ăn khác rồi bỏ chạy, Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên mỗi người 3-10 năm tù. Luật sư cho rằng mức đề nghị tuyên án không hợp lý, thiếu yếu tố nhân văn.
Như Dân trí đã đưa tin, trên đường đi xin việc làm, hai thanh niên đói bụng nên vào tiệm tạp hóa vờ mua bánh mì và một số thức ăn khác rồi bỏ chạy. Viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên mỗi người 3-10 năm tù.
Dự kiến ngày 17/5, TAND quận Thủ Đức (TP HCM) sẽ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm với 2 bị cáo Nguyễn Hoàng Tuấn và Ôn Thành Tân (cùng sinh năm 1998, ngụ TPHCM) phạm tội “cướp tài sản”.
Theo cáo trạng, khoảng 22h ngày 17/10/2015, Tuấn gặp Tân tại một tiệm Internet ở phường Tăng Nhơn Phú B (quận 9). 10h ngày 18/10/2015, Tân lấy xe máy hiệu Wave chở Tuấn đến một quán nhậu ở quận Thủ Đức để xin làm việc.
Trên đường đi, Tân và Tuấn đói bụng nhưng cả hai không có tiền nên nảy sinh ý định “cướp” bánh mì ăn. Đến trước một tiệm tạp hóa (thuộc địa bàn quận Thủ Đức), Tuấn ngồi sau xe kêu chủ tiệm tạp hóa bán 2 bọc chuối sấy; 1 ổ bánh mì ngọt; 1 bịch đậu phộng rang muối và 3 bịch me trộn đường.
Khi chủ tiệm mang hàng ra xe thì Tuấn dùng tay trái giật lấy túi thức ăn, Tân tăng ga xe máy bỏ chạy.
Chủ tiệm tạp hóa tri hô, người dân vây bắt được cả hai rồi chuyển cho Công an phường xử lý. Tại cơ quan điều tra, Tuấn và Tân cùng khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Cáo trạng của VKS cho rằng, hành vi phạm tội của Tân, Tuấn là “cướp tài sản” thuộc trường hợp dùng thủ đoạn nguy hiểm và truy tố 2 đối tượng theo Khoản 2, Điều 136 Bộ luật hình sự, với mức hình phạt mỗi đối tượng từ 3-10 năm tù.
Ở góc độ Luật sư, nhìn nhận về sự việc ông Vi Văn Diện, trưởng Văn phòng Luật sư Thiên Minh, đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng: Khi lượng hình đối với các bị cáo trong vụ án này, Hội đồng xét xử cần thiết cân nhắc xem xét áp dụng nguyên tắc nhân đạo trong trong khi lượng hình. Nguyên tắc này nếu được áp dụng sẽ thể hiện việc áp dụng hình phạt đối với người phạm tội chủ yếu nhằm cải tạo, giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội. Bộ luật hình sự có nhiều quy định tạo điều kiện cho người phạm tội tự cải tạo, có cơ hội để sớm hòa nhập vào cộng đồng như: quy định về miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, án treo và một số hình phạt không tước quyền tự do như hình phạt cảnh cáo.
“Tôi cho rằng trong vụ án này Hội đồng xét xử sẽ cân nhắc quyết định về hình phạt cảnh cáo hoặc có thể xem xét miễn trách nhiệm hình sự đối với hai em vì đói quá mà đi cướp bánh mì bởi nguyên tắc nhân đạo của luật hình sự Việt Nam là “nghiêm trị kết hợp với khoan hồng”, “trừng trị kết hợp với giáo dục, thuyết phục, cải tạo”- ông Diện nói.
Cũng theo Luật sư, áp dụng hình phạt cảnh cáo hoặc miễn trách nhiệm hình sự phản ánh chính sách phân hóa tội phạm và người phạm tội trong luật hình sự. Chính sách phân hóa cũng sẽ là một biện pháp hiệu quả trong thực hiện nguyên tắc không để lọt tội phạm và người phạm tội... việc xem xét xử lý hình sự theo nguyên tắc nhân đạo cũng vẫn chứng tỏ rằng hậu quả cơ bản của tội phạm là trách nhiệm, hình phạt và chấp hành hình phạt, còn việc tha miễn là những trường hợp cá biệt, cụ thể, khi hoàn cảnh cụ thể đòi hỏi... thiết nghĩ, Hội đồng xét xử vụ án này khi áp dụng pháp luật cũng phải cân nhắc để làm sao thấu tình đạt lý, và đạt được mục đích cuối cùng của hình phạt đó là giáo dục con người và xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp.
Cụ thể, theo căn cứ tại Điều 25 Bộ luật hình sự quy định về Miễn trách nhiệm hình sự:
“1. Người phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự, nếu khi tiến hành điều tra, truy tố hoặc xét xử, do chuyển biến của tình hình mà hành vi phạm tội hoặc người phạm tội không còn nguy hiểm cho xã hội nữa.”
Luật sư Diện nhìn nhận: việc Viện kiểm sát đề nghị xử lý với mức án từ 3 đến 10 năm tù theo quy định tại Điều 133 BLHS là có phần nguyên tắc và cứng nhắc. Bởi lẽ, mặc dù hành vi của 2 đối tượng đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, tuy nhiên mức độ nguy hiểm cho xã hội là không đáng kể, nếu không muốn nói là không có. Xét về động cơ, mục đích, hành vi nguy hiểm của tội phạm và đặc biệt hậu quả trong vụ án này chỉ do quá đói mà làm liều chứ bản chất không hề gây nguy hại cho xã hội. Xét ở một góc độ khác, nếu 2 thanh niên này có động cơ, mục đích xấu xa, tôi nghĩ rằng họ sẽ nghĩ ra nhiều cách thức, thủ đoạn để chiếm đoạt những tài sản có giá trị hơn gấp rất rất nhiều lần mấy ổ bánh mì.
“Xét ở góc độ tình người, nếu biết rằng 2 thanh niên này vì đói quá mà nảy sinh ý đồ cướp bánh mì, đói quá mà làm điều dại dột và phải đối mặt mức án“ngất ngưởng” như vậy, thì tôi tin rằng chủ tiệm bánh mì mới là người đáng phải suy nghĩ hơn ai hết. Bản thân chủ tiệm bánh mì có lẽ cũng không hình dung và tưởng tượng ra nổi chỉ vì miếng bánh mì bị cướp mà cuộc đời của 2 thanh niên trẻ tuổi phải chịu ngục tù trong một thời gian dài như vậy.
Thanh Trầm (ghi)