Cầu Giấy (Hà Nội):

Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng kiểu “xôi đỗ”

Hàng loạt công trình không phép, sai phép “đồ sộ” mọc lên giữa “thanh thiên bạch nhật” vi phạm trật tự xây dựng đô thị nghiêm trọng lại được các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy ứng xử theo kiểu “xôi đỗ” gây bức xúc dư luận.<br><a href='http://dantri.com.vn/ban-doc/ha-noi-doan-duong-vai-tram-met-ca-chuc-cong-trinh-khung-sai-pham-944328.htm'><b>&nbsp;>>&nbsp;  Hà Nội: Đoạn đường vài trăm mét, cả chục công trình "khủng" sai phạm</b></a>

Cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng kiểu “xôi đỗ”
Vì sao 2 công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị nghiêm trọng 2 bên không bị cưỡng chế? Ảnh: Trần Quý

Ngày 7/10/2014, UBND quận Cầu Giấy tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng do bà Nguyễn Thị Thủy làm chủ đầu tư tại thửa đất số 15 - Ô C2/No, khu Nam Trung Yên (phường Trung Hòa) vì xây dựng sai nội dung giấy phép xây dựng được cấp.

Việc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại thửa đất số 15 - Ô C2/N0, khu Nam Trung Yên được người dân và dư luận đánh giá cao sự “nghiêm minh” trong việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, khi chứng kiến việc cưỡng chế công trình xây dựng sai phép, nhiều người dân đặt câu hỏi, tại sao 2 công trình bên cạnh xây cao đến thế lại không việc gì?

Đáng nói là, 2 ngôi nhà liền kề (bên trái và bên phải công trình bị cưỡng chế) mà người dân thắc mắc đều vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng đô thị và đã được chính quyền các cấp phường, quận lập biên bản vi phạm và ra quyết định “áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả”. Thế nhưng, không hiểu lý do gì mà 2 công trình trên vẫn hiên ngang thách thức luật pháp?

Công trình xây dựng tại thửa đất số 14 - Ô C2/No (nằm bên phải công trình bị cưỡng chế) do ông Nguyễn Thành Lê và bà Phạm Thị Nụ làm chủ đầu tư. Theo Giấy phép xây dựng số 1034/GPXD do ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy ký ngày 7/12/2011, công trình trên chỉ được phép xây dựng 1 tầng hầm và 3 tầng nổi. Thế nhưng, khi công trình xây xong 1 tầng hầm 6 tầng nổi và 1 tum thì các cơ quan chức năng mới “phát hiện ra”?

Theo Biên bản vi phạm số 06/BB-VPHC được UBND phường Trung Hòa lập ngày 23/4/2014, công trình của ông Lê, bà Nụ vi phạp trật tự xây dựng nghiêm trọng: Vượt 3 tầng, mỗi tầng 147m2 và 1 tum 80m2; mật độ xây dựng, tầng 1 vượt 39m2; tầng 2 và 3 vượt mỗi tầng 35m2.

Ngày 27/5/2014, ông Trần Việt Hà đã ký Quyết định số 2708/QĐ-KPHQ về việc áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả buộc ông Nguyễn Thành Lê phá dỡ phần công trình xây dựng vi phạm. Thời gian thực hiện là 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định. Nếu quá thời hạn trên mà không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

Công trình tại thửa đất số 16 - Ô C2/No (nằm bên trái công trình bị cưỡng chế) do ông Lê Xuân Dũng làm chủ đầu tư. Theo hồ sơ mà chúng tôi thu thập được, công trình này cũng vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng như công trình của ông Nguyễn Thành Lê và bà Phạm Thị Nụ và cũng được chính quyền các cấp lập biên bản, ra quyết định… rồi để đó?

Ngoài 2 công trình nêu trên, còn có 4 công trình sai phạm nghiêm trọng khác trên địa bàn phường Trung Hòa cũng được chính quyền các cấp lập biên bản, ra quyết định rồi để đấy.

Câu hỏi đặt ra, nội dung quyết định rõ ràng là thế, nhưng không hiểu vì sao, đến nay ngày 19/10/2014 mà 6 công trình sai phạm nghiêm trọng nêu trên vẫn hiên ngang tồn tại như thách thức pháp luật?

Theo quan sát của phóng viên, không riêng gì ở địa bàn phường Trung Hòa mà các phường khác trên địa bàn quận Cầu Giấy, tình trạng xây dựng không phép, sai phép, vị phạm trật tự xây dựng đô thị nghiêm trọng cũng được chính quyền các cấp và thanh tra xây dựng… bỏ qua.

Đơn cử tòa nhà cao 6 tầng trên đường Trần Thái Tông, thuộc địa bàn phường Dịch Vọng Hậu, được xây dựng không phép nhưng không hề bị xử lý? Theo tiết lộ của một cán bộ phường Dịch Vọng Hậu, công trình này của một cán bộ đầu ngành thuộc quận Cầu Giấy. Hoặc công trình xây dựng không phép tại số 28, ngõ 255 Nguyễn Khang, phường Yên Hòa đã được UBND phường Yên Hòa ra Quyết định cưỡng chế số 119/QĐ-UBND ngày 17/9/2014, nhưng đến nay, hơn 1 tháng mà chẳng thấy “động tĩnh” gì?

Để tìm câu trả lời cho những thắc mắc trên, chúng tôi đã nhiều lần đặt lịch làm việc với ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, phụ trách lĩnh vực kinh tế - đô thị, người đã ký các quyết định khắc phục hậu quả, quyết định cưỡng chế nhưng chỉ nhận được câu trả lời “tôi bận lắm”!

Năm 2014 được UBND TP Hà Nội chọn là năm “Trật tự và văn minh đô thị”, tuy nhiên, việc “ứng xử” với các công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị của lãnh đạo các cấp quận Cầu Giấy chẳng khác nào thực hiện chưa nghiêm chủ trương, đường lối của Thành ủy, UBND TP.

 Theo Trần Quý
Báo Thanh tra

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm