Cuối năm lao xao bình xét hộ nghèo

(Dân trí) - Cứ vào dịp cuối năm, Mặt trận Tổ quốc các cấp lại bắt đầu "chiến dịch" bình xét hộ nghèo. Đã thành thông lệ, năm nào cũng phải làm thế nhưng xung quanh chuyện bình xét hộ nghèo vẫn còn nhiều chuyện để nói.

Có giấy chứng nhận hộ nghèo nghĩa là được hưởng nhiều quyền lợi hơn những hộ gia đình khác trong xóm. Con cái đi học được miễn một số khoản đóng góp, cha mẹ có cái thẻ bảo hiểm đi khám chữa bệnh, giáp hạt được Nhà nước cho gạo, tết được hỗ trợ gạo tiền, được ưu tiên các khoản cứu trợ. Nhiều quyền lợi quá nên nhiều người cố giành cho được cái mảnh giấy con con ấy.

 
Ở nhiều nơi, sau khi tiểu ban mặt trận các thôn xóm lập danh sách bình xét hộ nghèo và đưa ra để các hộ dân trong xóm tiến hành bình xét công khai thì không khác nào một trận chiến.
 
Các thành viên mặt trận mặc dù đã căn cứ vào chuẩn hộ nghèo theo quy định của Nhà nước để "chọn mặt gửi vàng" nhưng cũng chỉ là tương đối. Trong khi đó, ai cũng muốn mình là hộ nghèo để được hưởng các ưu đãi bởi vậy sẽ có vô vàn những lý do để phản đối danh sách mà xóm đã đưa ra. Ở nhiều xóm, sau cuộc bình xét hộ nghèo quan hệ hàng xóm láng giềng trở nên căng thẳng. Qua được "cửa ải" của xóm, danh sách hộ nghèo sẽ phải qua một cuộc "sát hạch" của Mặt trận Tổ quốc xã và bị rút gọn đi đáng kể.
Tôi vô tình được trở thành "thính giả" của cuộc bình xét hộ nghèo cấp xã. Danh sách hộ nghèo từ các xóm được chính ông Chủ tịch xã đọc ra giữa tất cả các thành viên bình xét, bao gồm cán bộ các ban và các bí thư, xóm trưởng từng xóm cùng với số lao động, số khẩu ăn theo và thu nhập tính theo đầu người từng tháng. Tất cả các đối tượng sẽ được các thành viên tổ bình xét "mổ xẻ" kỹ càng. Nếu cứ xét đằng thẳng thu nhập hàng tháng để bình xét hộ nghèo thì chắc chắn số hộ nghèo sẽ rất ít. Bởi vậy mặc dù đây là căn cứ để bình xét nhưng thực chất chỉ là tiêu chí phụ. Các hộ già cả, neo đơn và các gia đình có người bệnh nặng sẽ được ưu tiên trước tiên.

Tôi ấn tượng với câu nói của ông Chủ tịch xã khi xét đến hộ gia đình hai vợ chồng trẻ nuôi hai đứa con nhưng lại nằm trong danh sách bình xét hộ nghèo của xã: "Hai vợ chồng trẻ nuôi hai đứa con bình thường thì chỉ có lười nhác mới nghèo. Chỉ cần đi cửu vạn thì trung bình mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng. Đối với những gia đình như thế này thì phải biết xấu hổ khi thấy mình nằm trong danh sách bình xét hộ nghèo. Cán bộ xóm cũng phải lấy thực tế mà làm căn cứ chứ không thể cứ lập danh sách bình xét một cách cảm tính được". Và ông cũng yêu cầu xóm này phải bình xét lại khi có đến 14 hộ trong danh sách hộ nghèo và 41 hộ cận nghèo.

Để lựa chọn đúng đối tượng, ông Chủ tịch xã còn cẩn thận cử cán bộ về từng xóm, gặp gỡ những hộ trong danh sách và cả hàng xóm của họ để chứng kiến tận mắt, nghe tận tai nhằm tránh dị nghị trong dư luận. Nếu địa phương nào cũng bình xét hộ nghèo một cách rõ ràng, cụ thể và công khai như thế này thì tin chắc sẽ không có những khiếu kiện, bất bình, tỵ nạnh lẫn nhau trong nhân dân.
 
Trong việc bình xét hộ nghèo có xóm thì lập danh sách theo kiểu "của Nhà nước, ai hưởng được thì hưởng" bởi vậy danh sách hộ nghèo cứ dài lê thê thì các xóm đang trong giai đoạn phấn đấu xây dựng làng văn hóa việc bình xét hộ nghèo sẽ chặt chẽ hơn. Và ở nhiều nơi vẫn không ngoại trừ bình xét hộ nghèo theo kiểu ưu tiên người nhà gây bất bình trong dư luận.

Ở không ít địa phương, từ khi có cái "danh hiệu hộ nghèo" có những hộ gia đình năm nào cũng nằm trong danh sách đó cứ như thể đã được mặc định sẵn. Bao nhiêu ưu tiên như thế nhưng vẫn không thể thoát nghèo hay nói đúng hơn là không muốn thoát nghèo. Bởi vậy, thiết nghĩ Nhà nước nên có sự quy định về thời hạn của "danh hiệu" hộ nghèo.

Theo đó, các hộ khó khăn sẽ chỉ nằm trong danh sách hộ nghèo một thời gian nhất định, tối đa 3 năm. Nếu 3 năm vẫn nghèo thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận và phải hoàn trả số tiền tương ứng với những ưu đãi họ đã được hưởng. Có như thế các hộ nghèo mới có ý thức phấn đấu để thoát nghèo. Bên cạnh đó, không chỉ để cho các hộ nghèo được hưởng các ưu đãi, các chính sách hỗ trợ mà phải đầu tư về nguồn vốn, kỹ thuật, hướng dẫn họ làm ăn để tiến đến thoát nghèo bền vững.

Hoàng Lam