Cùng con gái dùng dao lam rạch mặt “tình địch”, hai cha con đối mặt hình phạt nào?
(Dân trí) - Vào hùa với con gái túm tóc để con đánh ghen, dùng dao lam rạch mặt người phụ nữ khác hai bố con chị Nguyễn Hồng T.M sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố hình sự.
Như Dân trí đã đưa tin trước đó về trường hợp chị H.T.B.T. (27 tuổi, ngụ tỉnh Hậu Giang), bị rạch mặt nhiều nhát phải nhập viện. Theo đó, chị Nguyễn Hồng T.M. (30 tuổi, ngụ xã Hỏa Lựu, TP Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang) do nghi ngờ chồng mình ngoại tình với chị T nên đã dùng dao lam rạch nhiều nhát vào mặt chị T. Ông Nguyễn Văn T. (cha ruột của M.) cũng có mặt và “phụ” con gái túm tóc chị T. để M. dùng dao lam rạch nhiều nhát vào mặt “tình địch”.
Nhận định về vụ việc dưới góc độ pháp lý Ts. Luật sư Nguyễn An, Hãng luật Cộng đồng cho biết: Hành vi rạch mặt của bố con chị T.M đã xâm hại đến sức khỏe của người khác.
Luật sư An đưa ra nhận định ban đầu, mặc dù chưa xác định tỷ lệ thương tật của chị T nhưng với việc sử dụng dao lam được coi là vũ khí thì hành vi của chị Nguyễn Hồng T.M. vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, đã phạm tội cố ý gây thương tích quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 104 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009): “Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm:
a) Dùng hung khí nguy hiểm hoặc dùng thủ đoạn gây nguy hại cho nhiều người.”
“Vấn đề mấu chốt trong sự việc này là tỷ lệ thương tật của chị T, tỷ lệ thương tật là căn cứ để xác định khung hình phạt, và là căn cứ để xác định ai sẽ là người có quyền khởi tố để truy tố trách nhiệm hình sự đối với hành vi vi phạm. Bởi theo quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự, thì các vụ án về các tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 104 Bộ luật hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại.
Như vậy, nếu tỷ lệ thương tật của chị T dưới 11% thì chị M và ông Nguyễn Văn T. chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu chị T có đơn yêu cầu khởi tố vụ án. Trong trường hợp này, nếu người bị hại là chị T đã có đơn yêu cầu khởi tố nhưng 2 gia đình thỏa thuận hòa giải được thì bị hại có quyền rút đơn yêu cầu khởi tố trước khi tiến hành xét xử thì vụ án được đình chỉ và chị M không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu người bị hại đã rút đơn yêu cầu khởi tố thì sẽ không có quyền yêu cầu lại, trừ trường hợp rút yêu cầu do bị ép buộc, cưỡng bức. Trường hợp không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì chị M. và ông T. sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi đánh người người theo quy định tại Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tùy vào mức độ của từng hành vi sẽ có mức xử phạt tương ứng, mức phạt tiền cao nhất lên đến 3.000.000đ (Ba triệu đồng).
Trường hợp tỷ lệ thương tật của chị T từ 11% trở lên thì chị Nguyễn Hồng T.M và ông Nguyễn Văn T. sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và mức hình phạt sẽ tùy vào tỷ lệ thương tật của chị T” – Luật sư An cho biết.
Ở góc nhìn khác Luật sư An cho rằng, nguyên nhân của sự việc là do sự ghen tuông dẫn đến mất kiểm soát về hành vi của mình. Trên thực tế, các vụ việc ghen tuông sau đó đi tìm đánh “tình địch” không phải là hiếm gặp, điển hình như vụ việc đánh ghen ở Big c Hà Đông; vụ đánh ghen của nhóm thiếu niên rồi quay clip tung lên mạng.
“Ghen là 1 dạng cảm xúc thường gặp khi yêu, nó thể hiện cho sự chiếm hữu, khi con người ta cảm nhận được thứ mà mình muốn chiếm hữu đang có nguy cơ bị tuột mất thì khi đó ta sẽ ghen. Ghen không phải là việc xấu, tuy nhiên cần phải biết ghen sao cho đúng, tránh bị cảm xúc lấn át mà mất sự kiểm soát hành vi của mình…” – Luật sư An đưa ra lời khuyên.
Cũng theo Luật sư An, Nguyễn Hồng T.M trong trường hợp này do nghi ngờ chồng ngoại tình, cảm nhận được có nguy cơ không còn được “sở hữu” người chồng của mình nữa nên đã nảy sinh tâm lý ghen tuông. Cách đối phó là đánh kẻ đang có ý định “cướp” mất chồng của mình để “dằn mặt” tình địch, M đã bị tâm lý ghen tuông điều khiển hành vi của mình, không còn kiểm soát được hành vi bằng lý chí mà lúc này lý chí đã bị tình cảm lấn át. Việc đáng trách ở đây là cách xử lý thiếu tính kiểm soát của mình. Người đáng trách hơn trong vụ việc này anh là Lê Anh Tr. (chồng chị T), gián tiếp tạo ra nguyên nhân của sự việc.
Xét về phía người cha đã giúp con túm tóc “tình địch”, hành động này xuất phát từ việc thương con, tâm lý của người cha muốn bảo vệ con. Tuy nhiên, cách thương con của ông T. lại quá nóng vội nên đã có những hành động vi phạm pháp luật. Mỗi người làm cha mẹ sẽ có cách thương con riêng của mình, có người chọn cách bình tĩnh nhìn nhận sự việc một cách khách quan, dạy cho con cách đối mặt với những sự việc xảy ra đúng mực. Như ở trường hợp này ông T. chọn cách bảo vệ con theo hướng tiêu cực chọn cách đồng tình và giúp đỡ hành động của con gái để tấn công người khác, không ý thức được rằng hành động như vậy đã đẩy cả 2 cha con vào vòng lao lý.
Phạm Thanh (ghi)