Của chồng công vợ, sau khi ly hôn công nợ có là của chung?

(Dân trí) - Chồng tôi vay tiền của rất nhiều người, anh ta sử dụng vào mục đích gì tôi không hay biết. Nay hai vợ chồng ly hôn, tôi có phải cùng chồng trả số tiền nợ đó không?

Luật sư Quách Thành Lực (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) trả lời:

Theo cách hiểu truyền thống thì "của chồng công vợ", công nợ của chung. Theo cách hiểu này thì mọi khoản vay trong thời kỳ hôn nhân sẽ là do chồng và vợ cùng phải trả.

Tuy nhiên theo pháp luật thì câu trả lời tương đối khác và phụ thuộc nhiều yếu tố. Do câu hỏi của bạn chưa rõ, chưa sát nên chúng tôi sẽ chia ra các trường hợp sau để bạn tiện vận dụng cho trường hợp của mình.

Trường hợp cả vợ chồng ký vào giấy vay nợ:

Theo khoản 1, điều 37 Luật Hôn nhân gia đình năm 2014 ghi nhận vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau: "Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập". Như vậy, nếu cả hai vợ chồng cùng ký vào giấy vay tiền thì có căn cứ để xác định nợ chung của vợ chồng và vợ chồng cùng phải có trách nhiệm liên đới trả nợ cả gốc, lãi.

Trường hợp chỉ có chồng ký vào các giấy vay nợ:

Nếu chỉ có một bên tham gia giao dịch và người còn lại không thừa nhận thì phải xem xét mục đích của giao dịch là gì.

Mục đích của giao dịch: Nếu chỉ có một người ký tên, nhưng giao dịch là nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình (là nhu cầu sinh hoạt thông thường về ăn, mặc, ở, học tập, khám bệnh, chữa bệnh và nhu cầu sinh hoạt thông thường khác không thể thiếu cho cuộc sống của mỗi người, mỗi gia đình) theo quy định tại Điều 27 và khoản 2 Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì xác định đây là nợ chung của vợ chồng theo quy định của pháp luật nêu trên. Nếu không nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì đây là nợ riêng, người ký kết giao dịch có nghĩa vụ trả nợ riêng.

Điều 27 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về trách nhiệm liên đới của vợ, chồng: "Vợ, chồng chịu trách nhiệm liên đới về các nghĩa vụ quy định tại Điều 37 của Luật này".

Điều 37 Luật hôn nhân gia đình năm 2014 về nghĩa vụ chung về tài sản của vợ chồng: "Vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây: Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình";

Như vậy, nếu giấy vay nợ chỉ ghi tên chồng nhưng sau này bạn thừa nhận khoản tiền đó là khoản vay chung của hai vợ chồng hoặc có bằng chứng khẳng định khoản tiền vay đó đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình thì bạn sẽ phải liên đới trả nợ khoản tiền vay này cùng chồng.

Còn nếu khoản vay chỉ do chồng thực hiện và không nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình thì đây là nợ riêng, người chồng ký kết giao dịch có nghĩa vụ trả nợ riêng.

Sau khi đã ly hôn thì vợ, chồng có nghĩa vụ phải trả món nợ chung này nữa không?

Theo quy định tại Điều 60 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: Quyền, nghĩa vụ tài sản của vợ chồng đối với người thứ ba vẫn có hiệu lực sau khi ly hôn, trừ trường hợp vợ chồng và người thứ ba có thỏa thuận khác.

Như vậy, sau khi ly hôn, nếu hai vợ chồng vẫn có nợ chung thì bắt buộc cả hai người cùng phải thực hiện việc trả nợ. Tuy nhiên, vẫn có các trường hợp ngoại lệ sau:

- Do vợ chồng tự thỏa thuận hoặc thỏa thuận với người thứ ba;

- Do Tòa án quyết định nếu hai bên không tự thỏa thuận được với nhau. Lúc này, trong đơn xin ly hôn (đơn phương hoặc thuận tình), một trong hai người có thể yêu cầu Tòa án phân chia cụ thể trong bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật;

Nói tóm lại, việc trả nợ chung của vợ chồng sau khi ly hôn còn tùy thuộc vào sự thỏa thuận của vợ chồng và người có quyền, lợi ích liên quan. Nếu thỏa thuận được thì sẽ thực hiện theo thỏa thuận, nếu không thì có thể nhờ Tòa án định đoạt.

Trên đây là giải đáp của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn, mong rằng nội dung trên giúp cho bạn thoát ra những khó khăn hiện tại.