Bài 35:
Cư dân chung cư 229 Phố Vọng tiếp tục kêu cứu, gửi đơn kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ
(Dân trí) - Sau nhiều năm tuyệt vọng đi đấu tranh đòi quyền lợi, mới đây nhất, Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng tiếp tục có Đơn kiến nghị, tố cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, khẩn thiết kính mong Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND TP Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì tại cụm chung cư.
Vụ việc tranh chấp tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là một vụ việc kéo dài với hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư của Công ty cổ phần Đầu tư xây lắp và phát triển nhà (Công ty Đầu tư xây lắp) và Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và du lịch Sao Mai (Công ty Sao Mai). Hơn một thập kỷ qua hàng nghìn cư dân đang sinh sống tại đây vẫn khản giọng kêu cứu tới các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mong mỏi về một quyết định giải quyết công tâm để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các cư dân. Thế nhưng, cho đến nay vẫn chưa có cơ quan nào đứng ra bảo vệ dứt điểm quyền và lợi ích hợp pháp cho các cư dân sinh sống tại đây.
Ngày 01/10/2018, Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9483/VPCP-VI gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đôn đốc báo cáo kết quả giải quyết đơn thư của các cư dân cụm chung cư 229 phố Vọng, theo đó Văn phòng Chính phủ có ý kiến: “thực hiện Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (ban hành kèm Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét, giải quyết tố cáo, phản ánh của công dân và báo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/11/2018”.
Tuy nhiên, bất chấp hàng loạt các văn bản chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ và các đơn thư kêu cứu của các cư dân, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm đơn thư phản ánh của các cư dân.
Để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, ngày 26/02/2019, Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng tiếp tục có Đơn kiến nghị, tố cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, khẩn thiết kính mong Thủ tướng xem xét, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì của Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai.
Đơn kiến nghị, tố cáo nêu trên thì trong suốt quá trình quản lý, vận hành nhà chung cư cho rằng Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai đã có hành vi sai phạm trong việc không tiến hành công khai các khoản thu chi từ việc khai thác kinh doanh diện tích tầng hầm và cho thuê kinh doanh tầng trệt; không tiến hành duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các hạng mục phần sở hữu chung nhà chung cư; có sai phạm trong chiếm dụng, cho thuê diện tích tầng trệt toà nhà.
Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng tiếp tục có Đơn kiến nghị, tố cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, khẩn thiết kính mong Thủ tướng xem xét, chỉ đạo UBND TP Hà Nội và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi chiếm đoạt quỹ bảo trì tại cụm chung cư.
Có thể thấy, tranh chấp về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung nhà chung cư trên địa bàn thành phố Hà Nội đang diễn ra ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, trong đó vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là một vụ việc đang được dư luận quan tâm. Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì: “Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì giải quyết như sau:
- a) Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này;
- b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra; nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị.
Thế nhưng, mặc dù Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã nhiều lần có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty Đầu tư xây lắp bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị quản lý nhưng đến nay Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vẫn chưa có phản hồi cụ thể về việc giải quyết đề nghị của Ban quản trị. Việc không có kinh phí bảo trì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các cư dân, đe dọa an toàn về tính mạng, tài sản của các cư dân khi không có nguồn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục thuộc phần sở hữu chung đang xuống cấp nghiêm trọng.
Người dân tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng không biết tới khi nào mới được sống trong cụm chung cư không còn tồn tại sai phạm của chủ đầu tư.
Nhìn nhận sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Phan Thị Lam Hồng - Giám đốc Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Trước thực trạng tranh chấp tại nhà chung cư ngày càng diễn biến khó kiểm soát, để tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với việc quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, ngày 09/10/2018 Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 29/CT-TTg về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư, theo đó Thủ tướng Chính phủ chỉ thị Bộ Công an có trách nhiệm: “Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư trái quy định pháp luật”.
Ngoài ra, tại Chỉ thị số 29/CT-TTg Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội: “Chỉ đạo các cơ quan chức năng của địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư theo quy định của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ và các pháp luât có liên quan như: các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Nhà ở 2014; đưa chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy vào sử dụng; không bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung; không bàn giao hồ sơ nhà chung cư cho ban quản trị nhà chung cư; lấn chiếm không gian, xây dựng không đúng với quy hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và các hành vi vi phạm khác” và “Chủ động giải quyết các vướng mắc, khiếu kiện, tranh chấp phát sinh trong quá trình quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng các quy định của pháp luật không để tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, vượt cấp lên cơ quan trung ương”.
Theo dõi vụ việc tranh chấp tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, dư luận có thể thấy vụ việc này đã kéo dài rất lâu với nhiều các đơn thư kêu cứu của các cư dân và các văn bản chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền từ trung ương tới địa phương. Tuy nhiên, đến nay các tranh chấp ở đây vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Liệu rằng với các chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ, Đơn thư của Ban quản trị có được giải quyết hay tiếp tục bị lãng quên? Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sẽ triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ như thế nào?
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế