Bài 34:
Cư dân tiếp tục gửi đơn tố cáo hành vi vi phạm pháp luật tại cụm chung cư 229 Phố Vọng
(Dân trí) - Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng vừa tiếp tục có đơn tố cáo, đơn đề nghị gửi Cơ quan công an, Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố Hà Nội đề nghị thanh kiểm tra làm rõ việc có hay không sai phạm của Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai liên quan đến toà nhà.
Trở lại với vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, như Báo Điện tử Dân trí đã đưa tin, ngày 01/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã có Công văn số 9483/VPCP-VI gửi Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội về việc đôn đốc báo cáo kết quả giải quyết đơn thư của các cư dân cụm chung cư 229 phố Vọng. Theo đó, Văn phòng Chính phủ có ý kiến: “thực hiện Quy chế theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao (ban hành kèm Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ), Văn phòng Chính phủ đề nghị UBND TP Hà Nội khẩn trương xem xét, giải quyết tố cáo, phản ánh của công dân và báo kết quả giải quyết lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 01/11/2018”.
Tuy nhiên, theo phản ánh của các cư dân, đến nay, các cư dân vẫn chưa nhận được kết quả giải quyết cuối cùng từ Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội.
Thủ tướng yêu cầu TP Hà Nội báo cáo vụ việc cư dân cụm chung cư 229 phố Vọng kêu cứu.
Ngày 24/11/2018, Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng tiếp tục có Đơn đề nghị gửi Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố Hà Nội đề nghị thanh kiểm tra làm rõ các nội dung sau:
Thứ nhất, Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai cho thuê diện tích tầng 1 tại chung cư 229 Phố Vọng, không thuộc quyền sở hữu của các Công ty trên, vi phạm quy định tại khoản 1, điều 118 Luật Nhà ở năm 2014. Việc xuất hóa đơn của các Công ty trên cho các đối tượng thuê diện tích tại tầng 1 chung cư 229 Phố Vọng có phải là hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp không?
Thứ hai, Công ty Đầu tư xây lắp và Công ty Sao Mai có sai phạm không trong việc không tiến hành công khai các khoản thu chi từ việc khai thác kinh doanh diện tích tầng hầm, cho thuê tầng trệt chung cư 229 Phố Vọng; không tiến hành duy tu, bảo dưỡng, bảo trì các hạng mục của cụm nhà chung cư từ kinh phí khai thác kinh doanh diện tích tầng hầm, tầng trệt theo đúng quy định pháp luật và có sai phạm không trong chiếm dụng, cho thuê diện tích tầng trệt cụm nhà chung cư một cách trái pháp luật.
Cùng với việc gửi Đơn đề nghị tới Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, Cục thuế thành phố Hà Nội, Sở Tài chính thành phố Hà Nội, ngày 24/11/2018 Ban quản trị và các cư dân cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã có đơn tố cáo gửi Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu đề nghị điều tra, làm rõ và xử lý các dấu hiệu sai phạm.
Trong diễn biến mới nhất của vụ việc, ngày 04/12/2018, Thanh tra Bộ Tài chính có Văn bản số 1146/TTr-KT gửi Cục thuế Thành phố Hà Nội về việc chuyển đơn của Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đến Cục thuế Thành phố Hà Nội để xem xét, giải quyết.
Thanh tra Bộ Tài chính chuyển đon thư cư dân 229 phố Vọng đến Cục thuế TP Hà Nội.
Ngoài ra, ngày 07/12/2018, Sở Tài chính Thành phố Hà Nội cũng có Văn bản số 8432/STC-TTS gửi Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, theo đó Sở Tài chính có ý kiến: “Hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đang giao Thanh tra Thành phố chủ trì giải quyết các kiến nghị của Ban quản trị Tòa nhà và của công dân cụm Chung cư 229 Phố Vọng. Vì vậy, Sở Tài chính đề nghị Ban quản trị Cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng nghiên cứu, liên hệ với Thanh tra Thành phố để được giải quyết theo quy định”.
Liên quan đến vấn đề kinh phí bảo trì tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng, Luật sư Nhâm Mạnh Hà – Công ty Luật TNHH Đông Hà Nội đã nhận định: Căn cứ tại Điều 54 Nghị định 90/2006/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật nhà ở năm 2005, khoản 3, khoản 4 Điều 108 Luật nhà ở năm 2014 về kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu, đối chiếu với nội dung vụ việc tại cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng có thể thấy việc đóng kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng là trách nhiệm của chủ đầu tư.
Theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 37 Nghị định số 99/2015/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở thì: “Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao kinh phí bảo trì theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn theo quy định thì giải quyết như sau:
a) Ban quản trị có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà chung cư yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư theo quy định tại Điều 36 của Nghị định này;
Sở Tài chính TP Hà Nội cho biết hiện nay, UBND Thành phố Hà Nội đang giao Thanh tra Thành phố chủ trì giải quyết các kiến nghị của Ban quản trị Tòa nhà và của công dân cụm Chung cư 229 Phố Vọng.
b) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kiểm tra; nếu các bên đã quyết toán số liệu kinh phí bảo trì theo quy định tại Khoản 4 Điều 36 của Nghị định này mà chủ đầu tư vẫn chưa bàn giao kinh phí bảo trì thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí cho Ban quản trị. Trong thời hạn không quá 07 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chủ đầu tư phải bàn giao kinh phí bảo trì này”.
Như vậy, theo quy định nêu trên thì trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản của Ban quản trị, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội có trách nhiệm xem xét, kiểm tra, có văn bản yêu cầu chủ đầu tư bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Thế nhưng, mặc dù Ban quản trị cụm nhà chung cư 229 Phố Vọng đã nhiều lần có văn bản gửi Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị UBND thành phố Hà Nội yêu cầu Công ty Đầu tư xây lắp bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung cho Ban quản trị quản lý nhưng đến nay vẫn chưa có bất kỳ phản hồi nào về việc giải quyết. Việc không có kinh phí bảo trì đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi hợp pháp của các cư dân, đe dọa an toàn về tính mạng, tài sản của các cư dân khi không có nguồn kinh phí để bảo trì, bảo dưỡng các hạng mục thuộc phần sở hữu chung đang xuống cấp nghiêm trọng.
Trước thực trạng tranh chấp kinh phí bảo trì nhà chung cư, Bộ Xây dựng đã báo cáo Chính phủ về tình trạng cư dân khiếu nại, phản đối chủ đầu tư tại các dự án bất động sản, trong đó Bộ Xây dựng đã kiến nghị với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm. Thiết nghĩ tình trạng chủ đầu tư chiếm dụng quỹ bảo trì đang là hiện tượng phổ biến và việc cần phải điều tra, truy tố các chủ đầu tư vi phạm mới đủ sức răn đe, ngăn chặn các vi phạm.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc!
Anh Thế