Công ty tài chính bị xóa sổ, người vay tiền có được xóa nợ?

Hải Hà

(Dân trí) - "Trường hợp công ty cho vay tài chính bị xử lý hình sự, thì các khoản vay và cho vay của công ty này sẽ xử lý thế nào? người vay sẽ trả nợ cho ai?", độc giả Dân trí thắc mắc.

Việc Công an TPHCM đang phối hợp các đơn vị nghiệp vụ liên quan điều tra các dấu hiệu vi phạm xảy ra tại Công ty F88 trong hoạt động cho vay và cưỡng đoạt tài sản, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ.

Nhiều ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là ở mô hình hoạt động, mà ở cách thức hoạt động, cách thức lách luật, hợp tác cùng các tổ chức cá nhân thu hồi nợ của khách hàng.

Công ty tài chính bị xóa sổ, người vay tiền có được xóa nợ? - 1

Lực lượng công an khám xét chi nhánh Công ty F88 tại TPHCM (Ảnh: Nam Anh).

"Nếu chỉ đơn giản là cho vay tính lãi suất thì sẽ không có bất cứ vấn đề gì, vì thỏa thuận vay nợ - trả nợ đã được công khai trong hợp đồng và được cả đôi bên chấp nhận. Tuy nhiên trên thực tế một số công ty tài chính đã tìm mọi cách cũng như lợi dụng hoàn cảnh bất khả kháng của khách hàng để trục lợi, tính toán các khoản lãi nghĩa vụ phải trả vượt quá quy định của pháp luật, và đặc biệt là cách thu hồi nợ được tiến hành bằng mọi thủ đoạn.

Điều này làm ảnh hưởng đến nhiều người không liên quan, gây mất an ninh xã hội, vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có dấu hiệu của hành vi cưỡng đoạt tài sản. Nói chung cũng vẫn chỉ là dịch vụ cầm đồ cho vay nặng lãi, được ngụy trang, che đậy một cách tinh vi hơn có tính toán bài bản hơn mà thôi...", quan điểm của độc giả Phan Trọng Thiệp.

"Cần điều tra làm rõ và xử lý nghiêm bởi đây là doanh nghiệp dịch vụ, không có sản phẩm, không sản xuất, không tạo ra công ăn việc làm và giá trị thặng dư. Chỉ là đồng tiền luẩn quẩn từ túi người này sang túi người khác, kéo theo nhiều tiêu cực tệ nạn xã hội", độc giả Anh Minh.

Nhiều độc giả băn khoăn đặt câu hỏi, nếu trong trường hợp công ty cho vay tài chính cá nhân bị xử lý hình sự, công ty bị xóa sổ vì kinh doanh bất hợp pháp thì các khoản vay và cho vay của công ty này sẽ xử lý thế nào? người vay sẽ trả nợ cho ai, vì những công ty này chỉ cần thế chấp giấy tờ như bằng ô tô, xe máy, căn cước công dân.

Đã vay thì sẽ phải trả!

Giải đáp băn khoăn trên, Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật Pháp trị cho biết, nếu trong trường hợp công ty cho vay tài chính cá nhân bị xử lý hình sự, công ty bị xóa sổ vì kinh doanh bất hợp pháp, người vay vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán nợ gốc cho công ty đó. 

Cụ thể, căn cứ vào khoản nợ gốc trong các hợp đồng vay, người vay vẫn phải có nghĩa vụ thanh toán cho công ty tài chính hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của công ty này.

Trong trường hợp người vay không trả do không có khả năng thanh toán, thì công ty tài chính đó hoặc cá nhân, tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của Công ty này phải khởi kiện dân sự, yêu cầu thi hành án để thu hồi số tiền.

"Tuy nhiên, thực tế chi phí để khởi kiện, tham gia tố tụng, thực hiện thi hành án để thu hồi khoản vay dưới 100 triệu hiện nay hoàn toàn không hiệu quả, thiếu tính khả thi", luật sư Lực chia sẻ.

Nếu khoản lãi phù hợp với quy định, người vay sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi!

Lấy ví dụ điển hình về Công ty F88, Luật sư Lực cho biết công ty này đang cho vay với lãi suất dao động từ 1.500 đến 2.000 đồng/1 triệu/ngày (tương đương 4,5 - 7,5%/tháng hay 54 - 90%/năm). Lãi suất cầm cố và lãi suất cho vay của F88 tại thành phố Thanh Hóa đều nằm trong hạn mức lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước cho phép đó là không quá 20%/năm theo điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Theo đó, với khoản lãi phù hợp quy định pháp luật, người vay vẫn có nghĩa vụ phải thanh toán theo đúng các thỏa thuận vay với Công ty F88.

Khoản cao hơn quy định pháp luật thì người vay sẽ không phải trả.

Trường hợp khoản lãi cao hơn quy định mà người vay đã trả cho Công ty F88 thì đây được xác định là khoản thu lợi bất chính của Công ty F88, cơ quan chức năng sẽ sung công quỹ khoản tiền này.

Luật sư Thành Lực chia sẻ thêm, ngoài khoản lãi, một số công ty tài chính thường yêu cầu khách hàng nộp thêm nhiều khoản phí như: Phí thẩm định điều kiện cho vay (1,4%/tháng), phí quản lý tài sản cầm cố (dao động từ 2-3%/tháng nếu để tài sản tại nơi cầm cố, 5%/tháng đối với người có nhu cầu mượn lại tài sản), phí đăng ký dịch vụ bảo hiểm kèm theo…

Nếu cơ quan chức năng nhận định là khoản thu phù hợp các quy định pháp luật thì người vay phải đóng.

Các khoản phí này nếu cơ quan chức năng nhận định là khoản thu trái các quy định pháp luật thì người vay không phải đóng. Trường hợp đã đóng cho công ty tài chính thì cơ quan chức năng sẽ tịch thu sung công quỹ.

Lãi suất thế nào được coi là cho vay nặng lãi?

Căn cứ tại Khoản 1, Điều 468, Bộ luật dân sự thì lãi suất cho vay không quá 20%/năm của khoản tiền vay được cho là đúng quy định. Cho vay có lãi quá 20%/năm là vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý hình sự. Cho vay có lãi gấp từ 5 lần của mức lãi 20% năm là có dấu hiệu của tội cho vay lãi nặng.

Để dễ hiểu và phù hợp với thông lệ vay, chúng ta tính lãi tính theo ngày trên số tiền 1 triệu đồng. Với giả định trên, người cho vay thu lãi từ 2.780 (Hai nghìn, bảy trăm, tám mươi) đồng/ triệu/ ngày được xác định là lãi nặng.

Diễn giải cụ thể cách tính như sau:

Lãi suất Nhà nước quy định là 20%/năm, tương ứng với 1.000.000 (một triệu) đồng sẽ là 200.000 đồng (hai trăm nghìn) đồng trên/ năm.

Lấy 200 nghìn chia cho 12 tháng thì sẽ tương ứng là 16.667 (Mười sáu nghìn sáu trăm sáu mươi bảy) đồng/tháng.

Lấy 16.667 VND chia cho 30 ngày tương ứng 556 ( năm trăm năm sáu) đồng/ngày.

Như vậy 1 triệu lãi khoảng 500 đồng/ngày là đúng phù hợp lãi suất Nhà nước.

Cho vay lãi nặng: từ 5 lần, theo đó 5 x 556 đồng = Từ 2.780 đồng/triệu/ngày là thỏa mãn vi phạm về mức lãi suất.