Quảng Bình:

Công trình thủy lợi bị “đắp chiếu”

Công trình thủy lợi thôn Đại Thủy (xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy), hoàn thành từ năm 2007, nhưng bị bỏ hoang gần 3 năm nay. Trong khi đó hàng chục hecta đất nông nghiệp “đỏ mắt” chờ nước.

Trạm bơm Đại Thủy và hệ thống kênh mương chạy dọc thôn là công trình thủy nông đảm bảo tưới tiêu cho hơn 8,5 hecta đất canh tác nông nghiệp và các vườn hồ tiêu của hơn 55 hộ dân trong thôn. Nhưng chỉ qua một vụ mùa năm 2007, hệ thống thủy lợi đã bị “phơi sương”.
 
Trong cái nắng gay gắt đầu mùa, dẫn chúng tôi đi dọc kênh mương được bê tông hóa kiên cố, ông Nguyễn Văn Tín cho biết: “Đã mấy năm nay, con mương này không có nước chảy.
 
Nhiều đoạn bị sạt lở, hư hỏng nặng do người dân san lấp làm đường giao thông. Hàng chục hecta đất nông nghiệp khô hạn vì không có nước tưới tiêu”. 4 năm nay, trạm bơm được đầu tư hàng trăm triệu đồng không ai lai vãng. Gần 50 mét ống hút bằng kim loại đã bị hoen rỉ và thủng nhiều lỗ. Chiếc máy bơm công suất lớn trở thành “đống sắt vụn”.
 
Công trình thủy lợi bị “đắp chiếu” - 1

 Công trình thủy lợi bị “phơi sương” 4 năm nay (ảnh : Thanh Tuấn)
 
Trao đổi với chúng tôi, trưởng thôn Đại Thủy Nguyễn Văn Hải nói: “Chúng tôi đang cố gắng sửa chữa máy móc và xin thêm kinh phí để đảm bảo nước tưới tiêu trong vụ mùa tới. Hiện thôn đang huy động đoàn viên thanh niên nạo vét, khơi thông hệ thống kênh mương”. Nhưng có mặt tại hiện trường, chúng tôi chưa nhận thấy dấu hiệu nào bảo đảm người dân có nước tưới tiêu trong vụ mùa năm 2010. Những đoạn kênh dài vẫn nằm khô khốc, sập sệ. Từng mảng tường xi măng bị lóc ra từng lớp dày.
 
Không có nước, diện tích đất canh tác lúa nước chỉ có thể sản xuất được vụ lúa Đông Xuân. Hết vụ, đất bị bỏ hoang. Cỏ và cây dại dần “nuốt chửng” phần đất nông nghiệp bị khô cằn.
 
“Ở đây, trước khi bắt đầu mùa lúa mới, người dân phải khai hoang lại đất, đắp lại bờ. Cày xới, dọn sạch rễ cây cỏ trước khi dẫn nước vào. Năm nào cũng thế. Khổ lắm !” một người dân nói. Hầu hết diện tích lúa nước đang dần bị chuyển sang trồng các giống cây chịu hạn ngắn ngày như: lạc, ngô, đậu đen, đậu xanh… Ở các vườn tiêu, người dân phải dùng máy hút nước ở các khe, suối lên chống hạn. Tình trạng cây trồng chết héo ngày càng trở nên phổ biến vào mỗi mùa khô.

Bên vườn tiêu đang héo hắt vì thiếu nước ông Nguyễn Văn Thin nói như khóc: “Bao nhiêu vốn liếng, tôi đều trút hết vào vườn tiêu, nhưng không có nước tưới nên cây tiêu cứ chết dần, chết mòn. Mùa tiêu năm nay thất thu lớn rồi chú à! Hên lắm cũng chỉ thu được tiền phân bón thôi”. Hiện toàn thôn Đại Thủy có hơn hai mươi vườn tiêu lâm vào tình trạng khô hạn như vườn của ông Thin.

Được biết, những thiết bị của trạm bơm chỉ hư hỏng nhẹ, nhưng thôn không có kinh phí nên không thể tu sửa. Thôn đã nhiều lần kiến nghị với xã nhưng vẫn chưa được giải quyết. Trong khi chờ nước về thì cuộc sống người dân thôn Đại Thủy càng trở nên khốn khó. Diện tích đất nông nghiệp bị hoang hóa, khô cằn ngày càng lan rộng, khiến miếng cơm manh áo của người nông dân nơi đây càng thêm mặn chát mồ hôi.
                                                                             
       Thanh Tuấn