Công nhận GS/PGS cho cán bộ đã nghỉ hưu?

(Dân trí) - Cách phong tặng chức danh giáo sư ở Việt Nam đã trải qua nhiều lần sửa đổi, nhưng cho đến nay việc triển khai còn bộc lộ nhiều điều không hợp lý khiến cho dư luận chưa đồng tình.

1. Các quy định tự mâu thuẫn trong cùng một văn bản

Trong bài về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS,PGS năm 2009” (1) của Ông Đỗ Tất Ngọc, Chánh văn phòng Hội đồng chức danh GSNN đăng trên báo Giáo dục và Thời đại ngày 27/01/2010 có viết:

Chất lượng là vấn đề đã được đặc biệt quan tâm tại  Quyết định số 174/2008/QĐ- thể hiện ở việc nâng cao các tiêu chuẩn xét và từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế. . . .  có những người chỉ thiếu một / hai phần trăm phiếu bầu cũng không thể được công nhận, cho dù có đủ hoặc vượt các tiêu chuẩn tối thiểu khác. Có Hội đồng ngành, số được công nhận chỉ đạt 36% số ứng viên do HĐCDGS cơ sở đề nghị...”

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Nhưng cũng theo
174/2008QĐ-TTg (2) lại quy định: trong vòng 2 năm kể từ khi được công nhận mà không được bổ nhiệm thì cá nhân lại phải thực hiện bước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS/PGS như một quy trình mới.  Việc làm này là tự mâu thuẫn với bài viết của Ông Đỗ Tất Ngọc và thiếu tính pháp lý vì: Quy trình xét duyệt chức danh từ năm 2009 chặt chẽ chẽ hơn, khó khăn hơn và yêu cầu chất lượng cao hơn so với các năm trước đây, nhưng giấy chứng nhận chức danh GS/PGS năm 2009 chỉ có giá trị trong 2 năm, trong khi đó, các GS/PGS trước 2008 lại có giá trị suốt đời.?

2. Luật một đằng thực hiện một nẻo

Điều 71,  Luật giáo dục ghi:

Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.

Nhưng trong thực tế, số người không tham gia giảng dạy, các quan chức, các nhà  quản lý, cán bộ hưu trí...  lại được xét công nhận chức danh GS/PGS với tỷ lệ không nhỏ so với  số giảng viên đang trực tiếp giảng dạy đại học. Việt Nam hiện có 9 nghìn GS/PGS nhưng chỉ có 3 nghìn GS/PGS đang có biên chế giảng dạy ở các trường đại học. Việc làm này vừa sai luật, vừa làm nản lòng các nhà giáo đang âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
 
Công nhận GS/PGS cho cán bộ đã nghỉ hưu? - 1

(Ảnh minh họa)


Danh hiệu đi suốt cuộc đời, không kể tuổi, thậm chí có liệt sĩ thời chống Pháp nhưng đến hôm nay Nhà nước mới xét phong danh hiệu Anh Hùng (trường hợp Anh Hùng Võ Thị Sáu). Khi xem Giáo sư là học hàm như trước đây, nhiều GS lão thành như GS Trần Văn Giàu, GS Vũ Khiêu... vẫn được tiếp tục làm việc với danh nghĩa là giáo sư nhưng không tham gia công tác quản lý.

Trái lại khi bổ nhiệm chức vụ phải có thời hạn và căn cứ theo độ tuổi.  Nhưng trong danh sách bổ nhiệm giáo sư / phó giáo sư năm 2010 (3), nhiều ứng viên là các cụ hưu trí ?!. Ví dụ Cụ  Lương Kim Chung 72 tuổi, đã nghỉ hưu hơn 10 năm rồi vẫn được bổ nhiệm chức vụ phó giáo sư ?!. Như vậy nếu xem giáo sư là chức vụ khoa học ở trường đại học thì việc bổ nhiệm này sai với luật viên chức.

3. Xét công nhận giáo sư/phó giáo sư như đi mua nhà trả góp

Tại buổi tập huấn xét chức danh giáo sư tháng 6/2010, có một ứng viên đã hỏi : “đề nghị phân biệt công nhận chức danh giáo sư và bổ nhiệm chức danh giáo sư ?”.  Ông Tổng thư ký hội đồng chức danh đã trả lời : “Được công nhận chức danh giáo sư giống như thí sinh thi đủ điểm sàn đại học do Bộ giáo dục qui định. Còn bổ nhiệm chức danh giáo sư giống như thí sinh không những đủ điểm sàn mà còn đủ điểm chuẩn vào trường mà thí sinh đăng ký. Như vậy ứng viên được công nhận chức danh giáo sư,phó giáo sư nhưng chưa được bổ nhiệm thì vẫn không được gọi là giáo sư” ! Hình như phải tạo ra nhiều thủ tục này Bộ Giáo dục mới có việc làm ? Được công nhận chức danh giáo sư giống như đã mua được nhà trả góp, còn bổ nhiệm giống như đi làm sổ đỏ,  tốn kém không ít , có người phải đành bó tay...!

Trên đây điểm qua  một vài điểm không hợp lý trong quy chế mới cũng như việc triển khai  sai quy chế trong việc  xét chức danh giáo sư ở Việt Nam.  Ngoài ra còn nhiều điều bất hợp lý khác nhưng đã được nhiều bài báo nêu ra cho  nên  bài viết này không nhắc lại.

Chúng tôi nggĩ rằng, đã đến lúc Chính phủ cần chấn chỉnh công tác này, nếu để  tình trạng làm sai luật kéo dài, sẽ  không chỉ làm mất uy tín của nhà nước mà còn làm giảm uy tín của các giáo sư Việt Nam chân chính đang giảng dạy trong các trường đại học.

 

 Lê Nhiệm
                                                                     
Hà Nội

Tài liệu tham khảo

1. Đỗ Tất Ngọc – Chánh văn phòng Hội đồng chức danh GSNN :”Về việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2009” Báo giáo dục thời đại ngày 27/01/2010.

2. Quyết định 174/2008/QĐ-TTg ngày 31/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư-

3. Quyết định số 1955/QĐ-BGDĐT, ngày 17/5/2010 của Bộ giáo dục & đào tạo

 

LTS Dân trí - Những câu chuyện bùng nhùng trong việc công nhận và bổ nhiệm GS/PGS đã được phản ảnh trên báo Dân trí cũng như một số báo khác. Những hệ lụy đáng tiếc như vậy một phần vì những điều quy định chưa hợp lý trong những văn bản pháp quy, mặt khác vì sự vận dụng tùy tiện và không nhất quán những quy định có tính pháp quy.

Cả hai điều đáng tiếc này suy cho cùng đều có nguyên nhân từ công tác quản lý và trước hết thuộc về trách nhiệm những người có quyền “cầm cân nảy mực” trong công việc này, tạo nên dư luận không đồng tình như bài viết trên đây đã nêu ra những điều không minh bạch và không công bằng trong chuyện công nhận và bổ nhiệm chức danh GS/PGS và kiến nghị Chính phủ, trực tiếp là Bộ GD-ĐT kịp thời có biện pháp chấn chỉnh.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm