Công lý sẽ chiến thắng

Ngày 18/5, Đoàn nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam đã trở về từ Paris (Pháp) sau khi dự phiên xét xử của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế. Một lần nữa, những tiếng nói xuất phát từ lương tâm, bảo vệ quyền con người được dư luận thế giới đề cao và ủng hộ.

Tiếng nói của lương tâm

 

Được tổ chức theo sáng kiến của Hội luật gia Dân chủ quốc tế, phiên xét xử của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế đã thể hiện sự ủng hộ của những người có lương tri trên thế giới đối với các nạn nhân Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi chất độc da cam/dioxin.

 

Trong hai ngày làm việc của tòa, nếu những câu chuyện buồn của nhân chứng khiến công chúng rơi lệ thì những bài tham luận của giới khoa học cũng đã gây nên dư luận bất bình và căm phẫn đối với các hành động mà các chuyên gia lên án là “sự hủy diệt môi trường và con người”.

 

Phiên tòa đã trở thành dịp để công chúng chứng kiến tận mắt những cơ thể tàn tật, các di ảnh của người đã khuất, nghe những lời tâm sự đầy nước mắt và nỗi đau buồn của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, của những người vợ cựu chiến binh Mỹ đến từ Nhật Bản, Mỹ và Đức, của chính những cựu chiến binh Hàn Quốc và Mỹ đã từng tham chiến tại Việt Nam.

 

Đây cũng là dịp để công chúng Pháp và quốc tế hiểu rõ hơn về chất độc da cam/dioxin trong 80 triệu lít chất diệt cỏ mà quân đội Mỹ đã sử dụng trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Những hậu quả nghiêm trọng về môi trường và con người ở Việt Nam là một sự thật không thể chối cãi. Hơn 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó khoảng 3 triệu người đang bị những di chứng vĩnh viễn, những dị tật và những căn bệnh quái ác.

 

Qua những báo cáo nghiên cứu của các nhà khoa học, các bác sĩ, các nhà làm phim và các nhà nghiên cứu xã hội học Việt Nam và quốc tế, cũng như những số liệu thống kê kinh hoàng mà họ đưa ra trước tòa, các thẩm phán và những người tham dự phiên tòa đã thấy được hậu quả khủng khiếp và nặng nề mà chất độc da cam/dioxin đã gây ra và kéo dài cho đến ngày nay, ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con người và môi trường Việt Nam.

 

Với vai trò Chủ tịch phiên tòa, luật sư người Ấn Độ Jitendra Sharma khẳng định, tuy không giống như một phiên tòa xét xử bình thường vì phán quyết không mang tính ràng buộc về mặt pháp lý, nhưng Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế mang một ý nghĩa to lớn về mặt dư luận vì tạo điều kiện để các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam và quốc tế bày tỏ thái độ, nhưng thiệt hại về nhiều mặt và tâm tư, nguyện vọng của mình, và để cộng đồng thế giới hiểu hơn nỗi đau của họ, từ đó ủng hộ họ trong cuộc đấu tranh giành công lý. Theo ông, kết thúc của phiên tòa chính là sự khởi đầu cho một cuộc đấu tranh mới, cuộc đấu tranh trên mặt trận lương tri và đạo đức, và đấu tranh bằng dư luận.

 

Tiếp thêm niềm tin vào công lý

 

Trong những ngày ở Pháp, bên cạnh phiên xét xử của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế, thật xúc động vì còn có rất nhiều tổ chức, cá nhân ở nhiều nước đã đến và tổ chức các hoạt động ủng hộ cuộc đấu tranh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin... 

 

Với tư cách là một thành viên trong phiên tòa, luật sư người Algeri Adda Bekhouche cho rằng việc các công ty hóa chất Mỹ không chịu bồi thường cho những nỗi đau giày vò cả về thể xác và tinh thần các nạn nhân chất độc da cam, cũng như những thiệt hại mà môi trường sinh thái Việt Nam phải hứng chịu, là một sự bất công lớn nhất trong lịch sử pháp lý và sẽ là không thể chấp nhận được nếu những nạn nhân này không được bồi thường.

 

Bác sĩ Pierre Legendarme cũng cho rằng cần phải giúp đỡ Việt Nam, kể cả về mặt tài chính để Việt Nam có thể tiến hành một cách đầy đủ nhất các nghiên cứu đánh giá về tác hại của chất độc da cam/dioxin, từ đó đưa ra những giải pháp để ngăn chặn không cho nó tiếp tục gây ảnh hưởng tới con người và môi trường.

 

Tham dự phiên tòa từ đầu đến cuối, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch Quỹ vì Hòa bình và Phát triển Việt Nam, đánh giá cao sáng kiến tổ chức phiên tòa của Hội Luật gia dân chủ quốc tế. Theo bà, diễn đàn này sẽ giúp dư luận các nước hiểu thêm về thực tế ở Việt Nam sau 36 năm vẫn còn gánh chịu những hậu quả nặng nề của chiến tranh do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin.

 

Tất cả những nhân chứng nước ngoài đến phiên tòa không những góp phần nói lên sự phản đối của họ đối với hậu quả của các việc làm mà quân đội và các công ty hóa chất Mỹ gây ra, mà sự hiện diện của họ trước tòa còn thể hiện sự ủng hộ và tình đoàn kết đối với nhân dân Việt Nam trong việc đi tìm công lý, đòi chính phủ và các tập đoàn hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường. Cuộc chiến đấu vì công lý cho các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam là một cuộc chiến lâu dài trong đó, phiên tòa xét xử của Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế ở Paris lần này là một cột mốc đầy ý nghĩa.

 

Chiều 18/5, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế đã ra phán quyết ủng hộ vụ kiện các công ty hóa chất Mỹ của nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Theo đó, Tòa án lương tâm nhân dân quốc tế cho rằng cần phải thành lập một Ủy ban điều tra riêng để điều tra những chất hóa học đã được rải xuống Việt Nam trong thời gian xảy ra chiến tranh và bênh vực những người là nạn nhân, phải chung sống với những nỗi đau về thể xác, tinh thần suốt cả cuộc đời, thậm chí cả những thế hệ sau này được sinh ra cũng bị di chứng của chất độc da cam/dioxin.

 

Chính phủ Mỹ và các công ty hóa chất Mỹ phải có trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam. Dư luận quốc tế rất hoan nghênh phán quyết công bằng này và đây được coi là bước ngoặt mới trong cuộc đấu tranh đòi công lý của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam.

 

Loan Phương