Sai phạm tồn tại kéo dài ở 18 phố Ngô Quyền:

Công dân viết “tâm thư” gửi Chủ tịch TP. Hà Nội

(Dân trí) - Cho rằng quận Hoàn Kiếm “làm ngơ” cho sai phạm tồn tại kéo dài gần một thập kỷ ở nhà số 18 phố Ngô Quyền, các hộ dân đã gửi tâm thư đến Chủ tịch TP. Hà Nội đề nghị xử lý nghiêm minh những sai phạm ngày ngày thách thức dư luận.

Như thông tin báo Dân trí phản ánh trong nhiều bài viết, vụ tranh chấp tại nhà số 18 phố Ngô Quyền, quận Hoàn Kiếm đã tồn tại vắt sang năm thứ 6, từ năm 2009 đến nay, Thanh tra TP. Hà Nội, lãnh đạo TP. Hà Nội đã ký hàng loạt kết luận và văn bản chỉ đạo xử lý sai phạm tồn tại ở nhà số 18 phố Ngô Quyền. Tuy nhiên, cho đến nay (11/1/2013) những sai phạm gây bức xúc dư luận vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, phần xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong hàng loạt sai phạm thuộc diện phải xử lý theo kết luận của các cơ quan chức năng.
 
Sai phạm ở nhà số 18 Ngô Quyền đã tồn tại kéo dài suốt 6 năm qua
Sai phạm ở nhà số 18 Ngô Quyền đã tồn tại kéo dài suốt 6 năm qua

Sau khi Thanh tra TP. Hà Nội ký Quyết định số 1749/KL-TTTP (P2), ngày 15/9/2009, kết luận: Trong quá trình thi công xây dựng, hộ bà Vũ Thị Hồng đã thi công không phép và không đúng giấy phép của UBND quận Hoàn Kiếm. Ngoài ra còn vi phạm nhiều hạng mục khác làm ảnh hưởng đến cuộc sống của các hộ dân ở cùng số nhà. Đến ngày 17/3/2010, tại Thông báo số 68/TB-UBND, TP. Hà Nội yêu cầu xử lý 17 hạng mục vi phạm pháp luật, gồm 15 hạng mục về vi phạm trật tự xây dựng, 2 hạng mục kinh doanh trái phép.

15 hạng mục vi phạm trật tự xây dựng bị đề nghị xử lý bao gồm: Dỡ bỏ trần bê tông đúc sẵn thay thế bằng trần vôi rơm; khôi phục lại nguyên trạng cửa thông ra phố Ngô Quyền; khôi phục lại tay vịn cầu thang; dỡ bỏ lồng sắt ở bếp phía sau nhà; xây bịt lối lên tầng áp mái; xây bịt cửa sổ, đồng thời là cửa thoát hiểm nhìn ra phố Tràng Tiền; dỡ bỏ cửa chặn hành lang chung; lợp mái chiếm sân thượng làm phòng riêng; chiếm toàn bộ 14 m2 diện tích chung tầng một làm kho để hàng; chiếm 10m2 chiếu nghỉ cầu thang tầng 2 làm kho; chiếm toàn bộ sân phơi chung làm bếp nhà hàng; rào chắn chiếm 50 m2 ban công chung; cơi nới lợp mái bếp khiến nhà hàng xóm không mở được cửa sổ; lợp trần, mái che ngang cửa sổ làm nước mưa tràn vào nhà hàng xóm; xây tầng 3 không phép.

Hơn 2 năm sau ngày UBND TP. Hà Nội ra Thông báo số 68/TB-UBND, đến ngày 9/11/2012, những sai phạm kéo dài ở nhà số 18 phố Ngô Quyền mới được xử lý. Nhưng quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền lại để cho bà Vũ Thị Hồng (người vi phạm) tháo dỡ 6/15 hạng mục vi phạm. Trong đó, chỉ duy nhất hạng mục rào chắn ban công chung được bà Hồng dỡ bỏ đúng theo đúng chỉ đạo, những hạng mục còn lại hầu như chỉ làm cho có và đâu lại vào đó.
 
Phần sai phạm bị xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hạng mục thuộc diện phải xử lý
Phần sai phạm bị xử lý chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số hạng mục thuộc diện phải xử lý

Không hài lòng với cách xử lý thiếu thiếu phục của phường Tràng Tiền và quận Hoàn Kiếm, ông Trịnh Tuấn Tòng thay mặt cho các hộ dân tiếp tục làm gửi đơn khiếu nại gửi Thành ủy, UBND TP. Hà Nội đề nghị giải quyết dứt điểm sai phạm.

Nhận được đơn khiếu nại của công dân, ngày 10/12/2012, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, ông Nguyễn Văn Khôi ký công văn số 9833/UBND-BTCN, gửi Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm yêu cầu kiểm tra, thực hiện nghiêm nội dung thông báo số 104/UBND - BTCD ngày 6/1/2012 (Truyền đạt ý kiến của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị yêu cầu xử lý sai phạm tại nhà số 18 phố Ngô Quyền); mời công dân liên quan đến thông báo kết quả thực hiện; báo cáo UBND TP. Hà Nội trong tháng 12/2012.

Lãnh đạo TP. Hà Nội đã có ý kiến chỉ đạo, nhưng cho đến nay quận Hoàn Kiếm vẫn chưa có báo cáo gửi TP. Hà Nội và thông báo kết quả đến công dân, dù năm 2013 đã đi qua được 11 ngày.

Bức xúc trước thái độ “im lặng” khó hiểu của quận Hoàn Kiếm, các ông bà Trịnh Tuấn Tòng, Nguyễn Thu Tâm, Lê Công Định quyết định viết “tâm thư” gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đề nghị giải quyết dứt điểm sai phạm tồn tại thách thức suốt 6 năm qua.

Bức “tâm thư” của các hộ dân sinh sống tại nhà số 18 phố Ngô Quyền viết: Về trật tự xây dựng, Thành phố yêu cầu xử lý 15 hạng mục. Tuy nhiên, tại Thông báo 84/TB-UBND ngày 2/7/2012, quận Hoàn Kiếm chỉ yêu cầu phường Tràng Tiền xử lý 5 hạng mục. Trong số 5 hạng mục Quận yêu cầu cưỡng chế bà Hồng chỉ thực hiện 1 hạng mục, đó là dỡ bỏ hàng rào sắt bao quanh ban công chung, còn 4 hạng mục khác làm theo kiểu “đánh bùn sang ao”.
 
Bức tâm thư của các hộ dân gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội
Bức "tâm thư" của các hộ dân gửi Chủ tịch UBND TP. Hà Nội

Cụ thể, về yêu cầu dỡ cửa chặn hành lang chung, bà Hồng chỉ nhấc 2 cánh cửa ra khỏi bản lề, khi đoàn kiểm tra đi khỏi lại lắp lại như cũ; Thành phố yêu cầu bịt lỗ lên thăm trần, nhưng quận lại đồng ý cho bà Hồng mở lỗ ở chỗ khác để tiếp tục lên tầng 3 xây dựng không phép; TP. Hà Nội yêu cầu khôi phục lại tay vịn cầu thang từ tầng 1 lên tầng 2, nhưng bà Hồng lại đối phó bằng cách dựng một cọc bằng ống nước trên cao 1m, bẻ cong 30cm cắm vào đầu cầu thang tầng 1. Liên quan đến nội dung khôi phục bức tường ngăn hành lang chung như nguyên trạng, bà Hồng chỉ xây cách trần 1,5m...

Bà Hồng kinh doanh ăn uống trái phép 6 năm không hề có giấy phép đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; không có giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; kinh doanh trên diện tích lấn chiếm; ảnh hưởng đến vệ sinh môi trường; tự phá cửa sổ chung mở cửa ra phố Ngô Quyền để làm cửa hàng kinh doanh, nhưng Quận, Phường phớt lờ để cho bà Hồng biến cửa sổ chung vừa phá ra để làm tủ tường bày hàng kinh doanh, gây mất an ninh trật tự, chiếm diện tích chung để làm kho hàng.

"Kính thưa ông Chủ tịch Thành phố, một sự việc sai đúng đã quá rõ ràng. Vụ việc đã kéo dài 6 năm. Các phương tiện thông tin đại chúng đã lên án, phê phán quá nhiều. UBND Thành phố đã có sự chỉ đạo quyết liệt. Đặc biệt, trong báo cáo của Ban Tuyên giáo Thành ủy điểm các vụ việc “nóng” trên địa bàn Thành phố được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải, gửi đồng chí Bí thư Thành ủy và các đồng chí lãnh đạo thành phố, lãnh đạo các quận, huyện, vụ việc tại 18 Ngô Quyền đã nhiều lần được nêu. Tuy nhiên cho tới nay, mọi vi phạm tại 18 Ngô Quyền vẫn chưa được xử lý và ngày càng trở nên phức tạp.

Chúng tôi là những người lao động lương thiện, chỉ biết trông cậy vào chính quyền Thành phố xử lý theo pháp luật. Chúng tôi đã chịu nhiều thiệt thòi về tính mạng tài sản, kinh tế vì sự vô cảm, thiếu trách nhiệm của UBND quận Hoàn Kiếm và phường Tràng Tiền.

Bằng bức thư ngỏ này, kính mong ông thấu hiểu lòng dân - những người một lòng tin theo Đảng, chính quyền, sống và làm việc theo pháp luật”- ông Trịnh Tuấn Tòng viết.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương