Hà Nội:

Công dân thiệt hại tiền tỷ vì Quyết định mập mờ của quận Đống Đa

(Dân trí) - Sở hữu nhà và đất hợp pháp hàng chục năm qua, nhưng 4 hộ gia đình với hàng chục nhân khẩu không được suất tái định cư, cùng chế độ hỗ trợ bồi thường khi quận Đống Đa ký Quyết định thu hồi đất phục vụ dự án cải tạo hạ tầng hồ Ba Mẫu.

Trong đơn kiến nghị gửi đến báo Dân trí, bà Trần Thị Thành, trú tại tổ 23, phường Phương Liên, quận Đống Đa, TP. Hà Nội phản ánh: UBND quận Đống Đa đã ban hành Quyết định thu hồi đất; Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khi nhà nước thu hồi đất không với nhiều sai sót gây thiệt hại lớn về kinh tế đối với gia đình bà Thành.
 
Bà Trần Thị Thành phản đối Quyết định hỗ trợ đền bù do quận Đống Đa ban hành
Bà Trần Thị Thành phản đối Quyết định hỗ trợ đền bù do quận Đống Đa ban hành

Về mảnh đất thửa số 27, tờ bản đồ 6H - 1-34. Quyết định số 3956/QĐ-UBND về việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB khẳng định: “Ngày 21/9/2011, tổ công tác lập biên bản điều tra xác minh đã xác định tổng diện tích thực tế của thửa đất là 69,4m2 , thu hồi 9m2, còn lại 60,4m2”. Tuy nhiên, theo số liệu gia đình bà Trần Thị Thành công bố do Công ty Địa chính - Nhà đất Hà Nội đo ngày 7/1/2013 thì phần đất bị thu hồi là 10m2 và tổng diện tích còn lại là 65m2.

Cũng trong ngày 7/1/2013, Ban Dự án bồi thường quận Đống Đa cho người đến đo lại diện tích của gia đình bà Thành, nhưng đến nay (3/3/2013), UBND quận Đống Đa vẫn chưa ban hành Quyết định điều chỉnh liên quan đến phần diện tích đất bị thu hồi và phần đất còn lại của nhà bà Thành.

Đối với mảnh đất liền kề có diện tích 39,8m2 do gia đình bà Thành mua lại của ông Nghiêm Sỹ Lạc ngày 4/2/1985. Quyết định số 3956/QĐ-UBND của UBND quận Đống Đa cho rằng giấy chuyện nhượng bà Trần Thị Thành đưa ra không hợp lệ, không ghi ngày tháng năm, không có xác nhận của chính. Vì lý do này, UBND quận Đống Đa chỉ áp dụng mức hỗ trợ 50.000đ/m2 và không duyệt chế độ tái định cư.

Trao đổi với PV Dân trí, bà Trần Thị Thành tỏ ra rất bức xúc: “Quận Đống Đa cho rằng giấy chuyện nhượng đất giữa gia đình tôi và ông Nghiêm Sỹ Lạc không hợp lệ là mập mờ và thiếu thuyết phục, bởi chữ ký của ông Lạc đã được các con ông xác nhận, ông Lạc đã qua đời vào năm 1990 thì đương nhiên việc mua bán phải được xác lập trước năm 1990.
 
Bên cạnh đó, phần diện tích đất này còn được thể hiện rõ ràng trên tờ bản đồ địa chính được đo lại năm 1991. Phần diện tích 39,8m2 còn thể hiện rõ trong sơ đồ địa chính của Sở Tài nguyên và Môi trường đo vẽ năm 1994”.

Với những căn cứ pháp lý đang có, bà Trần Thị Thành yêu cầu UBND quận Đống Đa tạm dừng kế hoạch cưỡng chế (dự kiến ngày 7/3/2013); Xem xét lại mức giá bồi thường, hỗ trợ áp dụng đối với mảnh đất 39,8m2 là tài sản hợp pháp của gia đình; Phê duyệt suất tái định cư cho gia đình bà Thành theo quy định pháp luật.

Ngoài hộ nhà bà Trần Thị Thành, hiện còn 3 hộ gia đình khác trên địa bàn phường Phương Liên cũng làm đơn kiến nghị UBND quận Đống Đa xem xét, điều chỉnh lại phương án bồi thường hỗ trợ, tái định cư theo đúng quy định pháp luật.
 
Ông Nghiêm Tiến Dũng, trú tại tổ 23, phường Phương Liên bị thu hồi 74,4m2, có 2 hộ khẩu và 7 nhân khẩu nhưng chỉ được hỗ trợ 50.000đ/m2. Trong khi đó, gia đình ông đã sinh sống ổn định tại đây từ năm 1974 và luôn nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.

Gia đình bà Đoàn Thị Hương Anh không nằm trong chỉ đạo cưỡng chế của TP. Hà Nội, nhưng ông Nguyễn Song Hào, Chủ tịch UBND quận Đống Đa vẫn chỉ đạo UBND phường Phương Liên lồng ghép vào việc giải tỏa 3 hộ dân còn lại trên đường hồ Ba Mẫu.

Để làm rõ nội dung đơn kiến nghị của công dân, ngày 1/3/2013, PV Dân trí đã đến trụ sở UBND quận Đống Đa đặt lịch làm việc, nhưng đến nay vẫn chưa nhận được hồi âm từ Văn phòng UBND quận Đống Đa.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương