Công dân mong chờ bản án công tâm của Tòa án TP Hà Nội

(Dân trí) - Sau khi TAND huyện Hoài Đức bỏ qua hàng loạt chứng cứ tuyên UBND xã Cát Quế thắng kiện, nguyên đơn vụ cưỡng chế có dấu hiệu vi phạm pháp luật đang chờ đợi Tòa án TP Hà Nội sẽ xem xét thấu đáo vụ án trong phiên xử phúc thẩm ngày 19/12/2013.

 
Như thông tin báo Dân trí đã đưa trong nhiều bài viết, ngày 19/11/2012, UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức tiến hành cưỡng chế sai quy định pháp luật gây tổn hại về danh dự và vật chất với gia đình bà Nguyễn Thị Oanh, trú tại khu 4, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội, trong khi gia đình bà Oanh sở hữu hợp pháp mảnh đất 65m2 tại khu ao gò Trung Quân từ năm 1969.

Dựa trên hồ sơ PV Dân trí thu thập được, mảnh đất khu ao gò Trung Quân có nguồn gốc do bà Lê Thị Lễ chuyển nhượng lại cho gia đình ông Lê Văn Phát (chồng bà Lê Thị Oanh) vào năm 1969. Từ năm 1969 - 1992, gia đình ông Phát thực hiện đầy đủ thủ tục kê khai theo quy định của Nhà nước. Năm 2000, gia đình ông Phát đổ đất, làm vườn trồng cây, đất không có tranh chấp với ai.

Ngày 25/3/1992, mảnh đất 65m2 và các phần đất khác của nhà ông Lê Văn Phát được Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Huy Cung ký cấp Giấy chứng nhận QSDĐ số 00736/QSDĐ. Giấy chứng nhận QSDĐ của nhà ông Lê Văn Phát ghi rõ: Diện tích đất ở là 125m2 (số thửa 137); diện tích đất làm kinh tế 120m2; đất ao là 65m2 (số thửa 138A).
 
Năm 1992 mảnh đất nhà ông Phát đã được cấp Giấy chứng nhận QDSĐ
Năm 1992 mảnh đất nhà ông Phát đã được cấp Giấy chứng nhận QDSĐ

Sau khi ông Lê Văn Phát qua đời, bà Oanh và các con tiếp tục sử dụng ổn định phần đất khu ao gò Trung Quân. Tháng 10/2011, gia đình bà Oanh bất ngờ bị UBND xã Cát Quế lập biên bản về hành vi vi phạm hành chính với lý do nhà bà Oanh tự ý lấn chiếm đất công, đổ đất trồng cây, dựng hàng rào tre nứa, tập kết gạch đá ong trên phần đất 65m2 mà gia đình đã được xác lập “chủ quyền” bằng Giấy chứng nhận QSDĐ.

Trong lúc gia đình bà Nguyễn Thị Oanh làm đơn khiếu nại theo trình tự, UBND xã Cát Quế vẫn ban hành quyết định cưỡng chế, đồng thời tiến hành cưỡng chế vào ngày 19/11/2012 với lý do nhà bà Oanh tự ý lấn chiếm.

Cho rằng UBND huyện và xã cố ý xâm phạm quyền lợi hợp pháp, từ ngày 8/11/2011, gia đình ông Lâm đã gửi đơn khởi kiện ra TAND huyện Hoài Đức, nhưng phải đến tháng 1/2013, tòa án mới ra thông báo thụ lý khi UBND xã Cát Quế đã tiến hành cưỡng chế trái pháp luật. Trong suốt thời gian đó, Tòa án Hoài Đức không có bất cứ thông báo nào cho gia đình bên nguyên đơn.

Khi phiên tòa phải hoãn vào tháng 4/2013, Tòa án Hoài Đức cũng không có văn bản để thông báo với bên nguyên đơn lý do sao phải kéo dài thời gian xem xét hồ sơ. Trong quyết định xem xét, thẩm định tại chỗ, gia đình tôi không hề yêu cầu xem xét thẩm định thửa 138 và 138A nhưng trong quyết định bà thẩm phán Nguyễn Thị Thu Thủy lại ghi gia đình ông Lâm yêu cầu và bắt gia đình ông Lâm nộp tạm ứng 5.000.000đ tiền thẩm định. Khi lập biên bản thẩm định ngày mùng 8/8/2013, bà Thủy và đoàn thẩm định không hề báo cho nguyên đơn, nhưng trong biên bản lại ghi ông Lâm và ông Hiển (em ông Lâm) có mặt nhưng không đồng ý ký.
 
UBND xã Cát Quế không chứng minh được diện tích của nhà bà Oanh là đất công
UBND xã Cát Quế không chứng minh được diện tích của nhà bà Oanh là đất công

Tại phiên xử sơ thẩm diễn ra ngày 27/8/2013, UBND xã Cát Quế chỉ đưa ra trước tòa 2 văn bản do UBND tỉnh Hà Sơn Bình trước đây ban hành, làm cơ sở chứng minh việc cưỡng chế đối với nhà bà Oanh là không sai. Theo trình bày của UBND xã Cát Quế, xã này được UBND tỉnh Hà Sơn Bình giao quản lý ao đầm nhằm mục đích cải tạo lòng sông bằng Quyết định 414/QĐ ngày 19/9/1978.

Tuy nhiên, trên thực tế Quyết định 414 lại có nội dung trái ngược đó là UBND xã được sử dụng 27.240m2 đất canh tác ven làng để di chuyển 135 hộ dân vùng ngoài đê sông Đáy, chứ không phải đất ao ở giữa làng, do người dân quản lý sử dụng nhiều đời nay.

UBND xã Cát Quế cho phần diện tích đất ao 65m2 được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho gia đình bà Oanh thực tế không nằm ở khu ao gò Trung Quân mà nằm trong thửa 138, 138A mà ông Lê Văn Sinh (con trai ông Phát) đang là chủ sở hữu. Tuy nhiên, UBND xã Cát Quế lại không chỉ ra được 65m2 đất đó nằm ở vị trí nào thuộc thửa đất nêu trên.

Xã Cát Quế không đưa ra được bằng chứng thuyết phục chứng minh phần diện tích 65m2 đã cưỡng chế của gia đình bà Nguyễn Thị Oanh là đất công do UBND xã Quản lý, nhưng HĐXX vẫn ban hành bản án số 02/2013/HC - ST ngày 27/8/2013 tuyên Quyết định 118/QĐ - KPHQ của Chủ tịch UBND xã Cát Quế là đúng quy đinh của pháp luật, qua đó bác toàn bộ đơn khởi kiện của bà Oanh.

Làm việc với PV Dân trí, ông Lê Văn Lâm (con trai bà Oanh) cho biết những lý do mà Tòa án đưa ra hoàn toàn vô lý: “Bản án sơ thẩm của TAND huyện Hoài Đức tuyên ông Sinh và ông Phát là 2 bố con nên không chia mốc giới. Nhưng trên thực tế ông Phát và ông Sinh không hề cắt cho nhau trên thửa 138, mà bức tường thửa đất này có từ năm 1932 và không phải đất ao. Theo tôi biết, kể cả bố con khi chia đất cho nhau cũng đều phải hoạch định mốc giới”.

Bức xúc trước vì bản án sơ thẩm có dấu hiệu oan khuất, ông Lê Văn Lâm đã làm đơn kháng án bản án sơ thẩm có dấu hiệu vi phạm pháp luật và đề nghị TAND TP Hà Nội đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm công tâm, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho công dân.
 
Biên bản lập ghi bà Oanh được thông qua Quyết định 118 dù bà Oanh không có nhà
Biên bản lập ghi bà Oanh được thông qua Quyết định 118 dù bà Oanh không có nhà
 
Liên quan đến việc giao nhận Quyết định 118/QĐ - KPHQ của Chủ tịch UBND xã Cát Quế, tại biên bản bàn giao lập vào hồi 14h45’ ngày 19/11/2010 có chữ ký của bà Hoàng Thị Hằng - Cán bộ địa chính xã Cát Quế, ông Nguyễn Trọng Tùng - Trưởng thôn khu vực 4 và bà Nguyễn Hiền Thanh có ghi “Bà Nguyễn Thị Oanh đã được nghe thông qua Quyết định, đã nhận quyết định xong không ký vào biên bản giao Quyết định”. Tuy nhiên, trong Giấy xác nhận đề ngày 16/1/2012, bà Nguyễn Hiền Thanh - Người làm chứng lại ghi không gặp bà Nguyễn Thị Oanh. Khi đến nhà chỉ có anh Lê Văn Sinh (con trai bà Oanh), nhưng anh Sinh chỉ đọc sau đó trả lại chứ không nhận Quyết định 118/QĐ - KPHQ. Như vậy, đối tượng phải thi hành Quyết định 118/QĐ - KPHQ đã không được thông báo và giao trực tiếp Quyết định này.

Với những bằng chứng hợp pháp đang nắm giữ, gia đình ông Lê Văn Lâm đề nghị Hội đồng xét xử - TAND TP Hà Nội tuyê hủy bỏ Quyết định 118/QĐ - KPHQ do Chủ tịch UBND xã Cát Quế, huyện Hoài Đức ký và ban hành, buộc UBND xã Cát Quế bồi thường những thiệt hại và danh dự mà gia đình ông đã phải chịu đựng gần 2 năm qua.

Bên cạnh đó, ông Lê Văn Lâm cũng đề nghị TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức làm rõ phần đất ao trong Giấy chứng nhận QSDĐ của gia đình ông Lâm năm 1992 đúng sai như thế nào? Nếu sai là sai số thửa, hay sai loại đất? UBND xã Cát Quế cho rằng gia đình ông Lâm lấn chiếm 65m2 đất công, tại sao diện tích thực tế xã đang quản lý và diện tích 2 hộ gia đình sử dụng lại khớp với số liệu lưu tại xã Cát Quế hàng chục năm qua?.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến - Ngọc Cương - Vũ Thúy