Điều tra theo đơn thư bạn đọc:

Công dân đường vành đai 2 khẩn thiết đề nghị xem lại mức giá đền bù

(Dân trí) - Diện tích ao 313m2 nằm trong thửa đất ở và hàng năm đóng thuế theo khung giá đất ở, đến khi quận Cầu Giấy thu hồi đất triển khai dự án đường Vành đai 2, gia đình ông Lại Phú Kỳ chỉ được đền bù 30% theo khung đất ở cho phần diện tích ao.

Trong đơn đề nghị gửi báo Dân trí, ông Lại Phú Kỳ trú tại số 12, tổ 17 phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội phản ánh: Ban GPMB Cầu Giấy và UBND phường Nghĩa Đô đã xác định nguồn gốc đất không đúng thực tế, từ đó dẫn đến việc phê duyệt phương án bồi thường chỉ bằng 30% khung giá đền bù đất ở đối với phần ao 313m2 mà gia đình ông Kỳ đã nhận chuyển nhượng, sử dụng ổn định từ năm 1980 cho đến nay, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế cho công dân.

Đơn đề nghị ông Lại Phú Kỳ gửi đến tòa soạn báo Dân trí.

Đơn đề nghị ông Lại Phú Kỳ gửi đến tòa soạn báo Dân trí.

Nội dung đơn của ông Lại Phú Kỳ cho biết, năm 1980, gia đình ông nhận chuyển nhượng của ông Lại Phú Dần (chú ruột), bà Nguyễn Thị Tắc diện tích ao 313m2, thuộc thửa đất số 175, tờ bản đồ số 9. Sau khi nhận chuyển nhượng, diện tích đất ao này nằm giữa khu dân cư và liền kề với thửa đất số 156 + 114, tờ bản đồ số 9, cũng thuộc sở hữu của gia đình ông Kỳ đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ.Từ năm 1980 cho đến năm 1999, ông Kỳ nhiều lần tiến hành cải tạo, kè đá chống sạt lở.

Theo tường trình của ông Kỳ, hàng năm gia đình thực hiện nghĩa vụ đóng thuế theo khung giá đất ở đối với diện tích đất ao giống như các hộ liền kề. Theo bản đồ địa chính lưu tại địa phương năm 1987 và 1994, phần ao này đều thể hiện là đất ở. Năm 2005, ông Kỳ làm hồ sơ kê khai cấp Giấy chứng nhận QSDĐ phần ao nói trên. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì Phòng TN&MT quận Cầu Giấy lại trả hồ sơ về phường Nghĩa Đô yêu cầu xem xét lại nguồn gốc đất.

Đơn đề nghị ông Lại Phú Kỳ gửi đến tòa soạn báo Dân trí.

Bản đồ lập năm 1987 và 1994 thể hiện diện tích ao là đất ở, nhưng khi cấp Giấy chứng nhận QSDĐ lại cấp là đất ao.

Năm 2006, ông Lại Phú Kỳ có đơn gửi Chủ tịch phường Nghĩa Đô yêu cầu trả lời việc công dân kê khai hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ từ nhiều năm nhưng không được phê duyệt. Ngày 24/3/2006, UBND phường Nghĩa Đô có văn bản trả lời công dân, đồng thời cam kết sẽ đề nghị quận Cầu Giấy làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Kỳ.

Khu đất ao nằm giữa khu dân cư, nằm trong khuôn viên của gia đình sử dụng ổn định không tranh chấp, lấn chiếm nhưng Giấy chứng nhận QSDĐ do UBND quận Cầu Giấy cấp năm 2007, lại ghi mục đích sử dụng là đất ao. Theo trình bày của ông Kỳ, sau khi nhận được Giấy chứng nhận QSDĐ gia đình đã có đơn đề nghị xem xét lại nhưng không nhận được hồi âm từ các cơ quan chức năng.

Năm 2008, TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 670/QĐ-UBND, thu hồi 461.171m2 , xây dựng đường Vành đai 2, trong đó có phường Nghĩa Đô. Thực hiện dự án trên, tháng 5/2014, quận Cầu Giấy ban hành Quyết định số 1800/QĐ-UBND, thu hồi 313m2 ao của gia đình ông Kỳ nằm trong chỉ giới GPMB. Trong quá trình lên phương án, Ban bồi thường GPMB chỉ áp dụng giá đền bù bằng 30% giá đất ở, trong khi nhiều hộ gia đình khác sở hữu đất có nguồn gốc tương tự lại được áp dụng mức đền bù 70% giá đất ở. Việc lên phương án đền bù theo nguồn gốc đất ao đã và đang gây thiệt hại cho gia đình ông Kỳ hàng tỷ đồng, gia đình ông đã gửi đơn khiếu nại nhưng chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Ông Kỳ cho rằng việc áp dụng mức giá đền bù bằng 30% đất ở là chưa công bằng

Ông Kỳ cho rằng việc áp dụng mức giá đền bù bằng 30% đất ở là chưa công bằng

Thời gian ông Kỳ sở hữu và cải tạo ao thể hiện rõ trên bờ đá kè.

Thời gian ông Kỳ sở hữu và cải tạo ao thể hiện rõ trên bờ đá kè.

Để làm rõ nội dung đơn đề nghị của công dân, ngày 3/12/2014, PV Dân trí đã có buổi làm việc với ông Trần Việt Hà - Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy. Trao đổi với PV, ông Hà cho biết: Về nguồn gốc, 313m2 đất ao của hộ ông Lại Phú Kỳ nằm trong khuôn viên của gia đình sử dụng ổn định không tranh chấp, không lấn chiếm. Theo bản đồ địa chính năm 1987 và 1994, lưu giữ đều thể hiện phần ao trên là đất ở. Tuy nhiên, Giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 5/2/2007, lại cấp với mục đích sử dụng là đất ao sử dụng lâu dài. Giấy chứng nhận QSDĐ cấp ngày 5/2/2007 là cơ sở pháp lý cao nhất để áp dụng phương án hỗ trợ, bồi thường khi GPMB triển khai dự án, việc Hội đồng GPMB áp dụng đền bù bằng 30% giá đất ở là đúng quy định của nhà nước.

Nếu ông Lại Phú Kỳ không đồng ý với mức giá đền bù Hội đồng GPMB đang áp dụng, ông Kỳ có thể khiếu nại đề nghị xem xét lại trình tự cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, kiến nghị UBND quận Cầu Giấy xem xét lại nguồn gốc đất, từ đó xem xét điều chỉnh nội dung mục đích sử dụng nếu có sai sót. Với những giấy tờ pháp lý đang có, Hội đồng GPMB không thể áp dụng mức giá bồi thường khác với ông Lại Phú Kỳ. Đối với dự án đường Vành đai 2, hiện UBND quận Cầu Giấy đang đề nghị TP. Hà Nội xem xét tạo điều kiện cho các gia đình có nhiều hộ khẩu sinh sống trên thửa đất bị GPMB được mua bổ sung nhà tái định cư để sớm ổn định cuộc sống.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trên đến bạn đọc.

Ngọc Cương