Hải Dương:

Công dân điêu đứng vì quyết định thu hồi đất mập mờ của huyện Thanh Hà

(Dân trí) - Ông Bùi Hữu Cung được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng mảnh đất 818m2 tại xã Tân An, huyện Thanh Hà từ năm 1992. Khi UBND huyện thu hồi đất để mở rộng đường giao thông lại không áp dụng mức đền bù thỏa đáng khiến công dân cảm thấy bức xúc.

Trong lá đơn kêu cứu khẩn cấp gửi đến báo Dân trí ngày 28/9/2012, ông Bùi Hữu Cung trú tại xóm 1, thôn Đông Phan, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương phản ánh: UBND huyện Thanh Hà đã thực hiện quyết định thu hồi đất trái pháp luật, không thực hiện đầy đủ chính sách bồi thường gây thiệt hại quyền lợi công dân. Khi công dân chưa nhận được phương án bồi thường, chưa biết rõ mốc giới bị thu hồi UBND huyện Thanh Hà đã ra quyết định cưỡng chế khiến các hộ gia đình cảm thấy hoang mang.
 
Đơn kêu cứu của ông Bùi Hữu Cung gửi báo Dân trí
Đơn kêu cứu của ông Bùi Hữu Cung gửi báo Dân trí

Mảnh đất rộng 818m2 được cấp giấy chứng nhận QSDĐ mang tên ông Bùi Hữu Cung vào năm 1992 là tài sản thừa kế được gia đình ông Cung sử dụng qua nhiều thế hệ. Năm 1991, ông Bùi Hữu Cung và bố là Bùi Hữu Thuyên xây dựng nhà ở trên mảnh đất này. Năm 1995, ông Bùi Hữu Thuyên viết giấy chuyển nhượng cho ông Cung sử dụng thêm 230m2 đất thổ cư có nguồn gốc là đất ao chung với 2 hộ dân liền kề. Phần đất này được ghi bổ sung vào trang 2 giấy chứng nhận QSDĐ có đóng dấu xác nhận của UBND xã Tân An.

Ngày 23/12/2011, UBND huyện Thanh Hà ra quyết định thu hồi đất của hộ ông Bùi Hữu Cung và vợ là Nguyễn Thị Mai tại xóm 1, thôn Đông Phan, xã Tân An phục vụ dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh lộ 390 thuộc địa bàn huyện Thanh Hà. Tổng diện tích hộ ông Cung bị thu hồi là 72,78m2. Tuy nhiên, nhà ông Bùi Hữu Cung chỉ nhận được mức hỗ trợ đền bù là 34,08m2 vì UBND huyện Thanh Hà cho rằng 38,7m2 còn lại là đất hành lang giao thông (phần đất nhà ông Cung bị thu hồi nằm trên phần diện tích 230m2 được ghi bổ sung ở trang 2 giấy chứng nhận QSDĐ vào năm 1995). Ngoài ra, mức giá bồi thường áp dụng với diện tích 34,08m2 thuộc khung giá đất năm 2010 của tỉnh Hải Dương, trong khi tháng 12/2011 các hộ dân mới nhận được quyết định thu hồi đất.

Không hài lòng với quyết định thu hồi và mức đền bù của UBND huyện Thanh Hà, ông Bùi Hữu Cung đã làm đơn khiếu nại lên UBND huyện Thanh Hà. Ngày 28/8/2012, Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà, ông Phạm Đức Tuấn ký quyết định giải quyết khiếu nại đối với đơn của ông Bùi Hữu Cung. Về nguồn gốc đất, UBND huyện cho rằng, phần diện tích đất ông Cung sử dụng có nguồn gốc đất ao của ông Bùi Hữu Thuyên (bố đẻ ông Cung) sử dụng chung với hộ ông Nguyễn Văn Man và hộ bà Đỗ Thị Lịch. Đối với diện tích ao này (230m2) hiện nay chưa có cơ sở xác định hộ ông Thuyên đã được cấp giấy chứng nhận QSDĐ hay chưa và diện tích là bao nhiêu (dù phần này đã được ghi trên giấy chứng nhận QSDĐ số A431700 năm 1992).
 
Phần diện tích 230m2 ghi ở trang 2 không được UBND huyện Thanh Hà coi là hợp pháp
Phần diện tích 230m2 ghi ở trang 2 không được UBND huyện Thanh Hà coi là hợp pháp

Do hộ ông Cung chưa có giấy chứng nhận QSDĐ đất (đối với diện tích đất ao) và trên bản đồ đo đạc từ năm 1991 trở về trước không tách riêng phần diện tích ao của từng hộ, nên Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và Tái định cư đã dùng phương pháp ghép hình thể thửa đất để xác định phần diện tích đất phải thu hồi của các hộ, trong đó có hộ ông Cung. Kết quả, hộ ông Cung phải thu hồi 72,78m2 đất, trong đó đất ao là 34,08m2; đất của đường giao thông là 38,7m2. Như vậy, việc áp dụng bồi thường diện tích 34,08m2 đối với hộ ông Bùi Hữu Cung là đúng quy định.

Về giấy chứng nhận QSDĐ số A431700 cấp ngày 9/9/1992 do ông Bùi Hữu Cung cung cấp có chữ ký của Chủ tịch UBND tỉnh Hải Hưng cũ, được viết thêm vào trang 2, diện tích 230m2 đất ao mà ông Thuyên đã cho ông Cung sử dụng. UBND huyện Thanh Hà khẳng định, giấy chứng nhận QSDĐ của hộ ông Cung chưa được đóng dấu giấy chứng nhận được quyền sử dụng hợp pháp của UBND huyện Thanh Hà. Phần diện tích 230m2 đất ao do UBND xã Tân An viết vào trang 2 năm 1995 nên không có giá trị pháp lý.

Trong quyết định giải quyết khiếu nại quy định: Trong thời hạn 30 ngày kể từ khi nhận được quyết định này, nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại, ông Bùi Hữu Cung có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại tòa án. Tuy nhiên, khi khi ông Bùi Hữu Cung đang tiến hành các thủ tục khiếu nại theo trình tự trong thời gian cho phép, ngày 18/9/2012, UBND huyện Thanh Hà đã ký quyết định áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với hộ gia đình ông Bùi Hữu Cung và vợ là Nguyễn Thị Mai (dự kiến ngày thực hiện cưỡng chế là 1/10/2012).

Đón nhận thông tin bị cưỡng chế thi hành quyết định thu hồi đất của UBND huyện Thanh Hà, ông Bùi Hữu Cung tỏ ra rất bức xúc, bởi gia đình ông chưa nhận được phương án hỗ trợ bằng văn bản, chưa xác định được cụ thể mốc giới đất bị thu hồi phục vụ cho dự án. Ngay cả việc sắp cưỡng chế cũng chỉ được thông báo bằng miệng. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của gia đình, ông Bùi Hữu Cung kiến nghị các cơ quan chức năng tạm dừng việc cưỡng chế để công dân thực hiện quyền khiếu kiện, khiếu nại theo đúng trình tự pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Vũ Văn Tiến – Ngọc Cương