Công dân đề nghị giám định chữ ký làm rõ việc biến mất 40% cổ phần
(Dân trí) - Đang nắm giữ 40% cổ phần tại Công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại VAT, ông Trần Kim Cường và ông Võ Xuân Trí tá hoả khi biết tên mình đã không còn nằm trong giấy đăng ký kinh doanh. Để làm rõ trắng đen, 2 thành viên trên đã làm đơn đề nghị giám định chữ ký trong các hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn.
Báo Dân trí nhận được Đơn kêu cứu của ông Trần Kim Cường, trú tại 29/8 Hậu Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn (TP Hồ Chí Minh) và ông Võ Xuân Trí, trú tại số 97/2 Hàng Sao, phường Đông Hưng Thuận, huyện Hóc Môn (TP. Hồ Chí Minh) cho biết: Chúng tôi đều là thành viên hợp pháp của công ty TNHH Xây dựng - Dịch vụ - Thương mại VAT (Công ty VAT) đang tham gia tố tụng trong vụ án kinh doanh thương mại do TAND TP Hồ Chí Minh thụ lý số 187/KDTMST ngày 07/11/2014 về việc “tranh chấp giữa công ty với các thành viên công ty”. TAND TP Hồ Chí Minh đang xét xử theo thủ tục sơ thẩm. Thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - thẩm phán Tòa Lao động thụ lý vụ án.
Hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn với chữ ký dược cho là giả mạo chiếm đoạt 20% cổ phần.
Công ty VAT được thành lập năm 1999. Ngày 10/4/2009 công ty VAT đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao thực hiện dự án Xây dựng chợ Trung tâm Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng với giá trị đầu tư khoảng 100 - 120 tỷ đồng. Đến ngày 01/03/2010 công ty đăng ký thay đổi đăng ký kinh doanh lần thứ 5 với vốn điều lệ là 50 tỷ đồng gồm 03 thành viên góp vốn thể hiện trên đăng ký dinh doanh là:
1. Bà Trần Thị Bích Liên 29 tỷ đồng = 58% vốn điều lệ.
2. Ông Trần Kim Cường 10,5 tỷ đồng = 21%.
3. Ông Võ Xuân Trí 10,5 tỷ đồng = 21%.
Do nguồn vốn để đầu tư xây dựng chợ thiếu nên bà Liên là Giám đốc công ty đã dùng tài sản của cá nhân hoặc mượn được từ tổ chức, cá nhân khác thế chấp vay tiền của một số cá nhân khác trong đó có vay của vợ chồng ông Bình, bà Hồng công ty xây dựng chợ.
Tuy nhiên, sau một thời gian, ông Cường và ông Trí tá hoả khi phát hiện trong đăng ký kinh doanh của công ty, tên mình đã biến mất. Thay vào đó là ông Phạm Ngọc Bình và bà Phạm Thị Hồng.
Cụ thể, căn cứ để cơ quan chức năng thay đổi đăng ký kinh doanh là Giấy hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp:
1. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp ông Phạm Ngọc Bình mua của ông Võ Xuân Trí 20 % vốn góp với giá 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng).
2. Hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp bà Lê Tân Hồng mua của ông Trần Kim Cường 20 % vốn góp với giá 10.000.000.000 đồng (mười tỷ đồng).
“Đây là hai hợp đồng mua bán giả mạo chữ ký của chúng tôi. Thực tế, chúng tôi chưa bao giờ bán cổ phần cho bà Hồng, ông Bình, chưa biết bà Hồng, ông Bình là ai, cũng không bao giờ được gặp, chưa bao giờ nhận một đồng nào của bà Hồng, ông Bình.
2 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thể hiện 40% cổ phần của ông Cường, anh Trí đã biến mất.
Từ hai hợp đồng giả mạo này mà ông Bình, bà Hồng đã được sở kế hoạch và đầu tư TP Hồ Chí Minh cho đứng tên trong đang ký kinh doanh thay đổi lần thứ 6 của công ty VAT với số vốn của bà Hồng 20 %, ông Bình 20 %”, ông Cường và ông Trí khẳng định.
Để làm rõ trắng đen, cả 2 ông Trí và ông Cường cho biết đã nộp đơn đề nghị trưng cầu giám định về chữ ký bị giả mạo trong hợp đồng chuyển nhượng phần góp vốn trong Công ty VAT đến Chánh án TAND TP HCM; Viện trưởng VKSND TPHCM và thẩm phán Nguyễn Văn Xuân - Chủ toạ, thẩm phán toà Lao động TAND TP HCM.
Trong khi đó, tại Biên bản làm việc của TAND TP HCM về việc bà Trần Thị Bích Liên đề nghị trưng cầu giám định chữ ký của ông Trần Kim Cường và ông Võ Xuân Trí vì cho rằng việc ông Trí và ông Cường chuyển nhượng phần góp vốn cho bà Lê Tân Hồng và ông Phạm Ngọc Bình là giả, thì người đại diện theo uỷ quyền của ông Bình, bà Hồng lại thừa nhận: Nếu nguyên đơn cho là chữ ký của ông Cường, ông Trí là giả thì bị đơn đồng ý là giả. “Tôi thấy toà án không cần trưng cầu giám định chữ ký của ông Trần Kim Cường và ông Võ Xuân Trí vì nguyên đơn bà Trần Thị Bích Liên cho là giả thì bị đơn đồng ý là giả”, đại diện cho ông Bình, bà Hồng thừa nhận.
Việc chữ ký của ông Cường, ông Trí trong các hợp đồng chuyển nhượng cổ phần được thừa nhận là giả.
Đại diện của sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh nói trước tòa rằng hợp đồng bị giả mạo thì phải hủy và theo quy định của pháp luật phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư thành phố Hồ Chí Minh sẽ thu hồi và hủy giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 6 của công ty VAT và phục hồi lại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần thứ 5 của công ty VAT trong đó có tên ông Cường và ông Trí, trả lại quyền lợi cho hai ông này.
Liên quan đến vụ án này, ngày 18/11/2014 TAND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành quyết định số 91/2014/QĐ-BPKCTT về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Giao lại quyền quản lý công ty và toàn bộ dự án chợ Bảo Lộc và con dấu của công ty và dấu chi nhánh công ty cho giám đốc công ty VAT là bà Trần Thị Bích Liên.
Thực thi quyết định khẩn cấp tạm thời số 91/2014/QĐ-BPKCTT, các cơ quan thi hành án, công an, Viện kiểm sát đã sát sao yêu cầu ông Bình, bà Hồng thi hành quyết định của tòa án để đưa chợ vào hoạt động.
Thế nhưng ngày 24/7/2015 TAND TP. Hồ Chí Minh lại ban hành quyết định số 49/2015/QĐ-BPKCTT: Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời số 91/2014/QĐ-BPKCTT ngày 18/11/2014 và ban hành tiếp quyết định số 50/QĐ-BPKCTT với nội dung giao con dấu của công ty và dấu của chi nhánh công ty VAT cho ông Bình Giữ.
Trong một diễn biến khác, bà Trần Thị Bích Liên là “nhân vật” được VKSND tỉnh Lâm Đồng phải ra Quyết định đình chỉ vụ án đối với bị can trong vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Quyết định số 02/KSĐT do ông Vương Khả Lợi - Viện phó VKSND tỉnh Lam Đồng ký quyết định Đình chỉ vụ án đối với bị can Trần Thị Bích Liên.
Đặc biệt, trong Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội số 780/BC-UBTVQH13 kết quả giám sát về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụnh hình sự theo quy định của pháp luật do Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu ký, vụ án của bà Trần Thị Bích Liên đã được lấy ra làm ví dụ cho những trường hợp khởi tố không đúng với bản chất của hành vi khách quan, có biểu hiện hình sự hoá quan hệ dân sự, kinh tế thành các tội lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể: “Vụ Trần Thị Bích Liên Lâm Đồng) bị khởi tố, điều tra, bắt giam về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” với só tiền 1.705.000.000 đ của các tiểu thương. Hồ sơ vụ án thể hiện bà Liên một mình đứng ra xin dự án và tổ chức thực hiện việc xây chợ Bảo Lộc. Việc bà Liên thu số tiền trên của các tiểu thương tuy có sai phạm về thủ tục tài chính, kế toán nhưng để sử dụng vào việc xây chợ Bảo Lộc, không có việc chiếm đoạt. Năm 2013 thì VKS phải đình chỉ vụ án. Việc khởi tố, bắt giam bà Liên về tội “Lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản” là không đúng bản chất, hành vi khách quan, đã hình sự hoá quan hệ kinh tế”.
Bà Trần Thị Bích Liên là nhận vật được Uỷ ban thường vụ Quốc hội lấy làm ví dụ cho các vụ án hình sự hoá các quan hệ kinh tế.
Nhận định về việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời trong vụ án dân sự do TAND TP HCM đang thụ lý, luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng: Theo quy định tại điều 122 Bộ luật tố tụng dân sự thì Toà án ra ngay quyết định huỷ bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đã được áp dụng khi có một trong các trường hợp sau đây:
a) Người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị huỷ bỏ;
b) Người phải thi hành quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nộp tài sản hoặc có người khác thực hiện biện pháp bảo đảm thi hành nghĩa vụ đối với bên có yêu cầu;
c) Nghĩa vụ dân sự của bên có nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Bộ luật dân sự.
Tuy nhiên, trong trường hợp này thì không hề có một trong 3 điều kiện nêu trên nhưng thẩm phán vẫn cố tình ra quyết định hủy bỏ quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời do chính mình ban hành là hoàn toàn trái so với quy định và có dấu hiệu cố tình ra quyết định trái pháp luật. Vì vậy, cần thu hồi quyết định số 49/QĐ-BPKCTT ngày 24/7/2015 của TANDTP Hồ Chí Minh về việc hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời và quyết định số 50/QĐ- BPKCTT ngày 24/7/2015 của TAND TP Hồ Chí Minh về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời”.
Đồng thời, theo luật sư Diện, TAND TP Hồ Chí Minh cần phải làm rõ có hay không việc giả mạo chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng phần vốn góp giữa ông Phạm Ngọc Bình với ông Võ Xuân Trí, giữa bà Lê Tân Hồng với ông Trần Kim Cường để làm căn cứ tuyên một bản án đúng với tinh thần thượng tôn pháp luật.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin sự việc đến bạn đọc.
Anh Thế