Công dân có được quyền nêu ý kiến về giá điện mới?
(Dân trí) - Theo luật sư Quách Thành Lực, nhân dân cần thực hiện phát huy quyền làm chủ của mình thông qua việc phản ánh những thiếu sót, bất cập, nhưng điều còn chưa hoàn thiện trong quá trình quản lý hành chính nhà nước.
Việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa qua thông báo biểu giá tăng giá điện mới thêm 8,36% từ 20/3, nhưng người dân cho rằng thực chất hóa đơn tiền điện lại tăng gấp rưỡi, thậm chí gấp đôi khiến dư luận không khỏi xôn xao, bức xúc trước cách tính giá bất hợp lý này.
Đứng trước vấn đề này, nhiều người thắc mắc rằng liệu mình có quyền lên tiếng nêu ý kiến? ý kiến của mình liệu có được những người đứng đầu Chính phủ lắng nghe và tiếp thu không? và cách lên tiếng như thế nào là đúng luật?
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội đã đưa ra quan điểm về vấn đề này dựa trên quy định của pháp luật:
Theo đó, Hiến pháp năm 2013 tại điều 28 khẳng định quyền của Công dân như sau: “1. Công dân có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của cơ sở, địa phương và cả nước.
- Nhà nước tạo điều kiện để công dân tham gia quản lý nhà nước và xã hội; công khai, minh bạch trong việc tiếp nhận, phản hồi ý kiến, kiến nghị của công dân.”
Để nhấn mạnh hơn quyền tham gia quản lý xã hội của công dân, Điều 8 Hiến pháp năm 2013 xác định nghĩa vụ của cơ quan, cá nhân có trách nhiệm trong cơ quan có thẩm quyền: “2. Các cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng Nhân dân, tận tụy phục vụ Nhân dân, liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của Nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền.”
Để hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách thức đóng góp ý kiến Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2008 “ Về việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính”
Theo đó: “Phản ánh là việc cá nhân, tổ chức có ý kiến với cơ quan hành chính nhà nước về những vấn đề liên quan đến quy định hành chính, bao gồm: những vướng mắc cụ thể trong thực hiện; sự không hợp pháp, không hợp lý, không đồng bộ, không thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập và những vấn đề khác.
Quy định hành chính là những quy định về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân, thuộc phạm vi quản lý của các cơ quan hành chính nhà nước, do cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật.”
Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty luật TNHH LSX, thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Theo quy định, hướng dẫn pháp quy dưới Chính phủ khẳng định nhân dân có quyền góp ý, phản ánh những chính sách Nhà nước áp dụng, thực hiện có tác động đến hoạt động kinh doanh và đời sống nhân dân. Theo quan điểm chỉ đạo của Đảng, công chức phải phụng sự nhân dân, biết lắng nghe và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân lao động.
Nhân dân cần thực hiện phát huy quyền làm chủ của mình thông qua việc phản ánh những thiếu sót, bất cập, nhưng điều còn chưa hoàn thiện trong quá trình quản lý hành chính nhà nước.
Theo luật sư Lực, việc nêu ý kiến sẽ giúp hệ thống cơ quan hành chính, cơ quan quản lý có cơ hội nhìn nhận, đánh giá lại các chủ trương, cơ chế, chính sách đang, đã áp dụng có phù hợp thực tiến đời sống dân sinh hay không. Từ đó các cơ quan có điều chỉnh, sửa đổi bổ sung thâm chí là thay thế những chính sách không phù hợp.
Hình thức phản ánh, kiến nghị tại điều 6 Nghị định 20/2008/NĐ-CP quy định: Các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính được thực hiện thông qua một trong các hình thức sau: “Văn bản, điện thoại, phiếu lấy ý kiến, thông điệp dữ liệu được gửi qua thư điện tử của cơ quan tiếp nhận, Cổng thông tin điện tử các bộ, ngành, địa phương hoặc hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị”
Cơ quan tiếp nhận phản ánh, kiến nghị:“Bộ Tư pháp giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.”(Điều 8 Nghị định 20/2008/NĐ-CP).
Xin cảm ơn luật sư!
Ngọc Hân (thực hiện)