Công chức, viên chức có quyền khiếu nại về kết quả đánh giá cán bộ không?

Hải Hà

(Dân trí) - Cuối năm, các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức. Kết quả này có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng tới quyền lợi, sự nghiệp của mỗi cá nhân.

Nghị định 90/NĐ-CP, tại điều 21 ghi nhận về việc sử dụng kết quả đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức như sau:

"Kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức là căn cứ để bố trí, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nâng ngạch hoặc thăng hạng chức danh nghề nghiệp, quy hoạch, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, đánh giá và xếp loại chất lượng đảng viên và thực hiện các chính sách khác đối với cán bộ, công chức, viên chức".

Công chức, viên chức có quyền khiếu nại về kết quả đánh giá cán bộ không? - 1

Ảnh minh họa.

Hệ lụy rõ ràng nhất là theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành thì cán bộ, công chức, viên chức có 2 năm liên tiếp bị đánh giá, xếp loại ở mức không hoàn thành nhiệm vụ thì cơ quan, tổ công chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết thôi việc.

Bởi vậy dù là môi trường hành chính mang nhiều tính mệnh lệnh của cấp trên và đòi hỏi sự phục tùng của cấp dưới nhưng các quy định pháp lý hiện hành cũng có những quy định cho phép cán bộ, công chức, viên chức được quyền có ý kiến phản đối hiệu lực của kết quả đánh giá, xếp loại công chức, viên chức khi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

Luật sư Quách Thành Lực, Công ty luật Pháp trị đã chia sẻ một số thông tin liên quan đến quyền kiến nghị, khiếu nại, khởi kiện của cán bộ, công chức, viên chức với kết quả đánh giá xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Quyền kiến nghị, khiếu nại khác nhau giữa viên chức và cán bộ, công chức

Với viên chức nhận được kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng thì họ có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền đánh giá xếp loại. Cụ thể điều 24 Nghị định 90/NĐ-CP của Chính phủ quy định: "Sau khi nhận được thông báo kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng, trường hợp cán bộ, công chức, viên chức không nhất trí với kết luận đánh giá, xếp loại chất lượng thì có quyền kiến nghị. Việc giải quyết kiến nghị do người có thẩm quyền đánh giá, xếp loại giải quyết".

Hoặc viên chức có thể lựa chọn việc khiếu nại theo quy định tại khoản 3, điều 44 Luật Viên chức năm 2010, được sửa đổi bổ sung năm 2019: "Nếu không nhất trí với kết quả đánh giá và phân loại thì viên chức được quyền khiếu nại lên cấp có thẩm quyền".

Với Cán bộ, công chức thì Luật cán bộ, công chức năm 2010, sửa đổi bổ sung năm 2019 không ghi nhận Cán bộ, Công chức được quyền khiếu nại kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng. Tuy nhiên cán bộ công chức có quyền kiến nghị với người có thẩm quyền ban hành kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức.

Các căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ công chức

Theo Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ thì có 05 tiêu chí chung để đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức gồm: 1) Chính trị tư tưởng; 2) Đạo đức, lối sống; 3) Tác phong, lề lối làm việc; 4) Ý thức tổ chức kỷ luật; 5) Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

Đối với từng tiêu chí xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức độ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, hoàn thành nhiệm vụ, không hoàn thành nhiệm vụ lại có những tiêu chí định tính, định lượng chi tiết.

Để khắc phục tình trạng cảm tính, chung chung, nể nang tình cảm hay trù dập trong hoạt động đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức Nghị định 90/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định đơn vị tổ chức đánh giá, xếp loại phải ban hành quy chế đánh giá.

Theo đó: "Nội dung Quy chế phải xác định rõ sản phẩm cụ thể gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả, thời điểm đánh giá theo quý, tháng hoặc tuần (nếu có); căn cứ để xác định tỉ lệ % mức độ hoàn thành công việc; các tiêu chí thành phần để đánh giá và xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó có tính đến tỷ lệ khối lượng công việc của cán bộ, công chức, viên chức đã thực hiện so với khối lượng công việc chung của cơ quan, tổ chức, đơn vị".

Như vậy quy định hiện hành về quyền khiếu nại, kiến nghị của cán bộ, công chức, viên chức có những khác nhau nhất định đối với kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức viên chức. Viên chức có quyền khiếu nại còn cán bộ, công chức thì không có quyền này.