Hồi âm:

Công an huyện Nam Sách giải thích vụ giữ tài sản có dấu hiệu trái pháp luật

(Dân trí) - Sau khi báo Dân trí có công văn đề nghị làm rõ vụ thu giữ tài sản có dấu hiệu trái pháp luật theo đơn phản ánh của ông Phạm Hồng Quảng, trú tại quận Tây Hồ, TP. Hà Nội. Ngày 10/1/2013, Công an huyện Nam Sách đã có văn bản giải trình vụ việc.

Theo nội dung đơn tố cáo của ông Phạm Hồng Quảng, trú tại phố An Dương, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP. Hà Nội gửi đến báo Dân trí phản ánh: Năm 2010, ông Quảng có quan hệ làm ăn với ông Nguyễn Văn Tiến và bà Trần Thị Minh trú tại thôn Linh Xá, xã Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngày 22/6/2010, ông Tiến và bà Minh thế chấp phao chứa dầu trị giá 1 tỷ đồng và máy xúc lật hiệu Kobeko cho ông Quảng để vay 6,5 tỷ đồng (trong đó máy xúc lật là tài sản ông bà Tiến Minh đi mượn của người khác).
 
Công văn giải trình của Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương
Công văn giải trình của Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương

Ngoài phần tài sản trên, ông Quảng còn tiếp tục bán chịu cho ông Nguyễn Văn Tiến 1 máy xúc đào Komatsu PC200-5 trị giá 700 triệu đồng, 1 xe ô tô Camry trị giá 500 triệu đồng, 1 tàu thủy trọng tải 150 tấn trị giá 200 triệu đồng.

Khi thỏa thuận cho vay đáo hạn, ông Tiến và bà Minh đã không thanh toán nên ông Quảng cho người đến kéo phao dầu và máy xúc đào về sản xuất kinh doanh thì Công an huyện Nam Sách tỉnh Hải Dương có mặt thu giữ toàn bộ số tài sản trên.

Theo tường trình của ông Phạm Hồng Quảng, từ tháng 7/2012 đến nay, Công an huyện Nam Sách vẫn chưa trả lại những máy móc trên dù ông Quảng đã đưa ra giấy tờ chứng minh phần tài sản trên thuộc sở hữu của Công ty Hà Thanh.

Nhận được công văn chuyển đơn của báo Dân trí đề nghị làm rõ nội dung khiếu nại của công dân, ngày 10/1/2013, Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương đã có công văn giải trình vụ việc.

Công văn số 27/TB của Công an huyện Nam Sách nêu rõ: Ngày 8/01/2013, Công an huyện Nam Sách, Hải Dương nhận được công văn số 02/ BBĐ - 2013 của báo điện tử Dân trí kèm theo đơn tố cáo khẩn cấp của ông Phạm Hồng Quảng có hộ khẩu tại số 162 A12 An Dương, Yên Phụ, Tây Hồ, Hà Nội với nội dung: Ông Nguyễn Văn Tiến và bà Trần Thị Minh đều trú tại Nam Hưng, Nam Sách, Hải Dương lấy tài sản của người khác thế chấp vay 6,5 tỷ đồng của ông Quảng.

Trong quá trình kinh doanh với nhau ông Phạm Hồng Quảng có bán cho ông Tiến một số tài sản gồm: 1 tàu sông trọng tải 150 trị giá 200 triệu đồng, 1 ô tô nhãn hiệu Camry trị giá 500 triệu đồng, 1 máy xúc hiệu Komatsu PC 200-5 trị giá 700 triệu đồng nhưng đến nay ông Tiến chưa trả tiền. Vào ngày 19/7/2012 ông Quảng đến đòi máy xúc và phao dầu để về kinh doanh thì ông Tiến và bà Minh đã báo Công an huyện Nam Sách là ông Quảng cưỡng đoạt tài sản.

Vụ việc đã được Công an huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương điều tra xác minh và thông báo như sau: Ngày 19/7/2012, nhận được tin báo tại bến sông Linh Xá, Nam Hưng, Nam Sách xảy ra sự việc có dấu hiện liên quan đến tội phạm Cưỡng đoạt tài sản, Công an huyện Nam Sách đã cử tổ công tác đến đó xác minh và làm việc với những người liên quan.

Qua xác minh ban đầu xác định có tranh chấp về tài sản giữa ông Phạm Hồng Quảng, trú tại số 31/66 Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội là Giám đốc công ty Đầu tư sản xuất và thương mại Hà Thanh với ông Nguyễn Văn Tiến và bà Trần Thị Minh đều trú tại Linh Xá, Nam Hưng, huyện Nam Sách.

Do quen biết nhau trước đó, ông Quảng với ông Tiến có sự kết hợp để kinh doanh. Cuối năm 2010, ông Quảng bán cho ông Tiến một số tài sản gồm: 1 ô tô nhãn hiệu Camry, 1 tàu sông trọng tải 150 tấn,1 máy xúc hiệu Komatsu PC 200 - 5. Việc mua bán này 2 bên đều tự nguyện và thỏa thuận. Ông Quảng trình bày ông Tiến mua nhưng chưa trả tiền, còn ông Tiến trình bày đã thanh toán xong với ông Quảng, xong cả 2 phía không đưa ra được căn cứ để chứng minh. Đây là quan hệ dân sự giữa ông Tiến với ông Quảng được điều chỉnh theo Bộ Luật dân sự.

Trong quá trình kinh doanh từ cuối năm 2010, ông Tiến đã nhiều lần vay tiền của ông Quảng để kinh doanh và sau đó được chốt số tiền vay nợ bằng một giấy vay tiền kiêm nhận nợ có thành phần người vay là ông Tiến và bà Trần Thị Minh đều ký vào phần người vay với số tiền là 6,5 tỷ đồng được thanh toán làm 3 lần, hạn cuối trả hết tiền là ngày 12/12/2012. Nếu không sẽ tự nguyện thanh lý một số tài sản là phao chứa dầu có giá 1 tỷ đồng, 1 máy xúc 500 triệu đồng, trong giấy vay tiền kiêm nhận nợ không ghi rõ nhãn hiệu máy xúc nào.

Nội dung này Công an huyện Nam Sách đã làm việc với những người liên quan được rõ bên cho vay, bên vay tiền đều tin nhau và tự nguyện, đây là một hợp đồng dân sự, đến thời điểm này 19/7/2012 chưa hết thời hạn.

Chiếc phao dầu là của Công ty TNHH thương mại Minh Phát do ông Nguyễn Văn Tiến làm Giám đốc, thành viên góp vốn là bà Trần Thị Minh và bà Vũ Thị Quyên trú tại Linh Xá, Nam Hưng, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Ngày 18/7/2012, bà Quyên chuyển nhượng lại cổ phần có trong phao dầu cho ông Quảng, do vậy ngày 19/7/2012 ông Quảng đã đến phao dầu gặp bà Minh và ông Tiến, nhưng ông Tiến không có ở đó, để trao đổi và cho người lái tàu sông đến kéo phao dầu về Kinh Môn, Hải Dương thì chị Minh điện báo Công an huyện Nam Sách.

Làm việc tại xã Nam Hưng, ông Quảng có đề nghị lấy chiếc máy xúc nhãn hiệu Komatsu tại bến bãi của ông Vũ Quốc Thái ở Linh Xá, Nam Hưng, huyện Nam Sách. Theo ông Quảng trình bày, chiếc máy xúc này là của ông Quảng bán cho ông Tiến và vụ việc có dấu hiệu liên quan đến tội phạm lừa đảo. Theo đề nghị của người liên quan, Công an huyện đã quản lý chiếc máy xúc này để phục vụ việc điều tra xác minh vụ việc.

Qua quá trình điều tra xác minh, vụ việc trên không có dấu hiệu tội phạm hình sự và không thuộc thẩm quyền giải quyết của Công an huyện. Công an huyện Nam Sách đã thông báo cho ông Phạm Hồng Quảng biết và hướng dẫn ông Quảng liên hệ đến cơ quan có thẩm quyền để được xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc