Công an hóa trang có được trực tiếp xử lý vi phạm nồng độ cồn?

PV

(Dân trí) - Theo quy định, công an mặc thường phục có được giám sát, xử phạt người vi phạm nồng độ cồn không? Để được trực tiếp xử lý vi phạm, người làm nhiệm vụ cần đáp ứng điều kiện trang phục ra sao?

Trả lời:

Theo luật sư Quách Thành Lực - Giám đốc Công ty Luật Pháp trị, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Điều 8 Thông tư 65/2020/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ trong tuần tra, kiểm soát, CSGT có quyền dừng các phương tiện tham gia giao thông; kiểm soát người, phương tiện, giấy tờ của người điều khiển, phương tiện giao thông và giấy tờ tùy thân của người trên phương tiện giao thông; kiểm soát việc thực hiện các quy định về hoạt động vận tải đường bộ theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, CSGT còn được áp dụng các biện pháp ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm về giao thông đường bộ, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm khác theo quy định.

Về trang phục, Điều 11 Thông tư này nêu rõ CSGT khi tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm phải sử dụng trang phục cảnh sát, đeo số hiệu công an nhân dân theo quy định. Trường hợp kiểm soát thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ thì được bố trí một bộ phận mặc thường phục để vận hành, sử dụng phương tiện, thiết bị, giám sát tình hình trật tự, an toàn giao thông, phát hiện các hành vi vi phạm.

Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.

Lãnh đạo các đơn vị có thẩm quyền sẽ quyết định việc mặc trang phục cảnh sát hoặc thường phục khi sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ và phải ghi rõ trong kế hoạch tuần tra, kiểm soát.

Điều 27 Nghị định 118/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định khi xử phạt hành chính, người thi hành công vụ phải có lệnh hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền; mặc trang phục, quân phục, sắc phục, phù hiệu của ngành hoặc sử dụng thẻ thanh tra, thẻ công chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Từ những căn cứ pháp lý trên, có thể thấy công an dù mặc thường phục nhưng vẫn có quyền tuần tra, giám sát người vi phạm nồng độ cồn. Tuy nhiên, họ không được trực tiếp xử lý khi phát hiện vi phạm mà phải thông báo, phối hợp với bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để xử lý theo quy định của pháp luật.

Dù vậy, có thể áp dụng ngoại lệ khi tài xế say xỉn, có thể gây tai nạn nghiêm trọng, xâm phạm tới tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác hay bắt người phạm tội quả tang. Khi đó, lực lượng mặc thường phục được phép trực tiếp xử lý, khống chế người vi phạm. Ngoài các trường hợp trên, lực lượng "hóa trang" không được trực tiếp can thiệp mà phải thông báo lực lượng mặc cảnh phục để cùng phối hợp giải quyết.

Hoàng Linh