Không chịu thổi nồng độ cồn khi bị kiểm tra: Đừng hòng thoát án phạt!

PV

(Dân trí) - Theo quy định pháp luật, nếu người tham gia giao thông không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, lực lượng chức năng có quyền xử phạt tương đương mức phạt tối đa áp dụng cho người vi phạm nồng độ cồn.

Dịp cuối năm, lực lượng công an đẩy mạnh kiểm tra, xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông trên toàn quốc. Bên cạnh số đông tài xế nghiêm túc chấp hành, vẫn còn một bộ phận chống đối, trong đó bao gồm hành vi không chấp hành việc thổi nồng độ cồn khi bị lực lượng chức năng kiểm tra.

Đối với những trường hợp trên, pháp luật quy định chế tài xử phạt như thế nào?

Không chịu thổi nồng độ cồn khi bị kiểm tra: Đừng hòng thoát án phạt! - 1

Ảnh minh họa: Trần Thanh.

Trả lời

Theo khoản 8, Điều 8 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những hành vi bị nghiêm cấm là điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Đối với những trường hợp cố tình vi phạm quy định này, tùy thuộc tính chất và mức độ của hành vi, cơ quan chức năng sẽ áp dụng các chế tài xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật.

Về mức phạt, theo Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đối với tài xế ô tô, tùy thuộc kết quả kiểm tra nồng độ cồn, mức phạt cao nhất có thể áp dụng là phạt tiền 30-40 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe 22-24 tháng. Còn với người lái xe máy, căn cứ Điều 6 Nghị định này, mức phạt tối đa có thể áp dụng là 6-8 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung tương tự tài xế ô tô vi phạm kịch khung nồng độ cồn.

Ngoài ra, để xử lý những trường hợp tài xế cố tình không hợp tác, pháp luật cũng quy định chế tài đối với những người không tuân thủ yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Theo đó, điểm b khoản 10 Điều 5 và điểm g khoản 8 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức phạt cho tài xế ô tô và xe máy không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ lần lượt là 30-40 triệu và 6-8 triệu đồng cùng hình phạt bổ sung tước giấy phép lái xe 22-24 tháng.

Như vậy, trong trường hợp tài xế không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn, cơ quan chức năng có quyền áp dụng mức phạt tương đương mức phạt cao nhất đối với người vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, nếu người vi phạm không chấp hành mà còn có những hành vi như lăng mạ, xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm hay thậm chí tấn công cán bộ làm nhiệm vụ, họ còn có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về tội Chống người thi hành công vụ theo Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng Diệu