Còn quá nhiều “sạn” trên sân chùa Bái Đính
Sau một ngày ngồi ô tô, đi một lượt thăm thú cảnh chùa, mua các ấn phẩm về làm quà, nghe hướng dẫn viên giới thiệu về tour du lịch này tôi cảm thấy rất vui. Tuy nhiên, giữa chốn hành hương tâm linh ấy vẫn tồn tại nhiều "sạn" quá!
Quần thể chùa Bái Đính gồm một khu chùa cổ được xây dựng vào thời Lý rộng 27ha và một khu chùa mới rộng 80ha được xây dựng từ năm 2003, tọa lạc tại xã Gia Sinh, Gia Viễn, Ninh Bình. Chùa Bái Đính là một siêu chùa thuộc khu di tích cố đô Hoa Lư, với nhiều kỷ lục được xác lập như: Chùa lớn nhất đông nam á, chuông lớn nhất Việt Nam, pho tượng Quan Thế Âm Bồ Tát bằng đồng lớn nhất ở Việt Nam, Pho tượng Phật Thích Ca bằng đồng cao và nặng nhất Việt Nam, Ngôi chùa có bộ tượng Tam Thế bằng đồng lớn nhất Việt Nam… Đây là dự án thuộc danh sách các công trình chào mừng 1000 năm Thăng Long Hà Nội. Chùa Bái Đính không chỉ là niềm tự hào của riêng tỉnh Ninh Bình mà còn của cả đất nước.
Tuy nhiên, khi đến thăm chùa Bái Đính bên cạnh niềm vui, tự hào về ngôi chùa có nhiều cái “nhất” ở Việt Nam, thì tôi không khỏi nhăn mặt khó chịu về những dịch vụ ăn theo tại khu vực chùa.
Trước tiên, đáng kể nhất đó là nạn ăn xin. Những "đệ tử cái bang" gồm cả trẻ em và người già ngồi "chễm chệ" giữa lối đi lên chùa làm mất mỹ quan của chùa, gây phản cảm cho khách du lịch.
Hai là, dịch vụ bán hàng rong phục vụ du khách như đồ ăn không có nắp đậy nên bụi bặm và ruồi vây quanh không đảm bảo an toàn thực phẩm cho du khách.
Ba là, đường đi biến thành bãi đậu xe, khiến cho “Vườn cây doanh nhân” trở thành “con đường hành hương” tới đất Phật. Cả không gian lớn từ bãi đậu xe đến bên trong chùa luôn phủ một màu bàng bạc do bụi từ những đoàn xe khách hoặc từ những xe ben chở đất khổng lồ chạy ngang, chạy dọc; bụi từ những bàn chân người chen lấn; bụi từ những chiếc xe ôm rú ga như xé tai phóng ngược dốc lên chùa; rồi những âm thanh hỗn độn của xe cộ, tiếng người la hét gọi nhau phá tan sự tĩnh lặng vốn có nơi cửa thiền. Và thay vì tiếng tụng kinh, niệm Phật như thường thấy ở các chùa, tiếng loa phóng thanh liên tục kêu gọi, thông báo tìm người bị lạc.
Bốn là, những người bán hàng rong, dịch vụ chụp ảnh, xe ôm, đổi tiền lẻ... hàng ngày tranh nhau chèo kéo, làm phiền khách du lịch.
Năm là, do ý thức của du khách chưa tốt nên vứt rác bừa bãi làm mất mỹ quan cảnh chùa, chưa kể đến có nhiều khách du lịch còn chèo lên những pho tượng kẹp tiền lẻ vào ngón tay và lấy tay xoa lên tượng làm mòn đi những pho tượng. Không những thế du khách còn làm xấu cảnh chùa khi bất chấp biển cấm vẫn ngang nhiên chụp ảnh, ném tiền lẻ vào mặt trống đồng.
Còn ở ngôi chùa Đính cổ, do lối lên chùa duy nhất chỉ có một nên dòng người chật ních chen nhau hết sức hỗn độn. Không chỉ bên ngoài chùa mà ở trong hang động, du khách liên tục bị bọn đạo chích móc mất điện thoại di động.
Vẫn còn nhiều, rất nhiều lần tôi chứng kiến những cảnh không hay, thậm chí là thô bạo, mất lịch sự của những người bán hàng ở đây khi tiếp xúc, giao dịch với khách du lịch. Với cách làm du lịch kiểu "đuổi khách" này trong tương lai không xa sẽ có rất nhiều du khách đến một lần rồi sẽ không bao giờ trở lại.
Mảnh đất màu mỡ cho 'đệ tử cái bang' hành nghề..
Những cảnh gây phản cảm du khách
Khách tham quan thi nhau lấy tay xoa tượng
Khách du lịch ném tiền lẻ xuống trống đồng
Dịch vụ bán hàng rong luôn sẵn sàng bán đuổi khách du lịch
Đội xe ôm luôn trực "chiến"...
Hoàng Văn Hương