Bài 6:

Con dâu bị quy kết sát hại mẹ chồng: "Nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng, oan sai"

(Dân trí) - Nhận định vụ án con dâu bị quy kết sát hại mẹ chồng đã kéo dài 4 năm với 2 lần hủy án, luật sư cho rằng, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng, trong vụ án có rất nhiều dấu hiệu oan sai.

Vụ án xảy ra ngày 05/2/2012, tại Cao Bằng, hung thủ đã cướp đi sinh mạng của cụ bà Triệu Thị Tiền 75 tuổi và gây thương tích cho con dâu bà là Hoàng Thị Vấn. Trong khi chưa tìm được hung thủ giết bà Tiền, thì ngày 10/2/2012 CQĐT tỉnh Cao Bằng đã ra quyết định bắt giam bà Vấn về hành vi không tố giác tội phạm (thực chất là bị giam từ ngày 08/02/2012), sau đó bị khởi tố về tội che giấu tội phạm, cuối cùng bà Vấn bị cơ quan tố tụng Cao Bằng quy kết chính là hung thủ giết bà Tiền. Tuy nhiên, đến nay vụ án đã qua hơn 4 năm, với 2 lần xét xử sơ thẩm các cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng vẫn không tìm được chứng cứ để chứng minh cho lời nhận tội của bà Vấn là có căn cứ.

Bình luận về vụ án gây nhiều trang cãi này, Luật sư Dương Văn Thụ - Văn phòng Luật sư Thiên Dương (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội) khẳng định: Các bản án của TAND tỉnh Cao Bằng đã bị Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Tối cao huỷ, bởi có nhiều vi phạm tố tụng, chứng cứ không vững chắc để kết tội bị cáo. Vì vậy, để tránh tính trạng oan sai kéo dài, cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng cần sớm đình chỉ điều tra đối với bà Hoàng Thị Vấn.

Ở góc độ khác, Luật sư Thụ khẳng định: Cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng đã vi phạm thủ tục tố tụng nghiêm trọng trong vụ án giết người có rất nhiều dấu hiệu oan sai. Cụ thể:

Thứ nhất, Hoàng Thị Vấn không thuộc trường hợp bị bắt khẩn cấp

Việc cơ quan điều tra tỉnh Cao Bằng ban hành Lệnh bắt giam khẩn cấp (lệnh số 03 ngày 10/02/2012) để bắt giam bà Hoàng Thị Vấn điều tra về hành vi Không tố giác tội phạm sau đó lại bị khởi tố về tội Che giấu tội phạm và cuối cùng bị khởi tố về tội Giết người đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Bởi theo theo quy định tại khoản 1, Điều 81 BLTTHS thì chỉ được bắt khẩn cấp khi có một trong những điều kiện sau:

a) Khi có căn cứ để cho rằng người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

b) Khi người bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt trông thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;

c) Khi thấy có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu huỷ chứng cứ.

Căn cứ vào điều luật trên và căn cứ vào diễn biến của vụ án thì Vấn không thuộc trường hợp bắt khẩn cấp bởi lý do sau:

Trong khi đó, tại bản Kết luận điều tra và Bản cáo trạng đều ghi nhận: vào khoảng 7h35 phút ngày 05/2/2012, CQCSĐT Công an tỉnh Cao Bằng nhận được tin báo của Nguyễn Duy Chiến, ( chồng vấn và con trai của bà Tiền) sinh năm 1963, trú tại tổ 3, phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng về việc xảy ra vụ án giết người, cướp tài sản tại nhà ông Nguyễn Duy Chiến.

Như vậy khi phát hiện vụ án, ông Chiến đã báo ngay với cơ quan Công an, bản thân bà Vấn lúc đó là người bị hại và đã được CQĐT triệu tập để lấy lời khai tại CA Phường Đề Thám. Đồng thời tại thời điểm này CQĐT chưa xác định được hung thủ giết bà Tiền. Vì vậy không có căn cứ để bắt giam và khởi tố tội Che giấu tội phạm đối với bà Vấn. Các cán bộ có thẩm quyền trong việc bắt giam bà Vấn đã có dấu hiệu của tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy đinh tại Điều 123 BLHS.


Luật sư Dương Đình Thụ khẳng định vụ án có nhiều oan sai

Luật sư Dương Đình Thụ khẳng định vụ án có nhiều oan sai

Thứ hai, bắt người một nơi, biên bản lại ghi một nẻo

Biên bản bắt người ngày 10/2/2015 của CQĐT Cồn an tỉnh Cao Bằng đã vi phạm quy định tại khoản 1, Điều 84 BLTTHS: Biên bản phải ghi rõ ngày, giờ, tháng, năm, địa điểm bắt, nơi lập biên bản; những việc đã làm, tình hình diễn biến trong khi thi hành lệnh bắt, những đồ vật, tài liệu bị tạm giữ và những khiếu nại của người bị bắt.

Như vậy theo quy định của điều luật thì việc bắt người ở đâu phải lập biên ở đó. Tuy nhiên trong vụ án này thì Biên bản ghi địa điểm bắt bà Vấn là tại phường Đề Thám, thị xã Cao Bằng. Nhưng theo lời trình bày của bà Vấn, thì ngày 08/2 sau khi gia đình lo xong thủ tục tang lễ cho bà Tiền, thì bà Vấn đến trụ sở phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45 ) Công an tỉnh Cao Bằng để trình báo về những nghi ngờ liên quan đến vụ án, thì tại đây bà Vấn đã bị các Điều tra viên bắt và giam cho đến nay. Như vậy địa điểm bắt giam là tại trụ sở PC45 chứ không phải tại phường Đề Thám như Biên bản bắt người ghi nhận.


Bị cáo Hoàng Thị Vấn tại phiên toà xét xử.

Bị cáo Hoàng Thị Vấn tại phiên toà xét xử.

Thứ ba, các văn bản tố tụng của Viện kiểm sát Nhân dân tỉnh Cao Bằng được ban hành trái thẩm quyền

Theo quy định của điều luật, trong hoạt động tố tụng của một vụ án cụ thể thì chỉ có Viện trưởng hoặc Phó viện trưởng được ủy quyền mới có quyền ký các văn bản tố tụng liên quan đến vụ án. Điều luật không quy định là Viện trưởng được ủy quyền cho Kiểm sát viên ký các văn bản trong hoạt động tố tụng của vụ án. Tuy nhiên, trong vụ án Hoàng Thị Vấn thì các quyết định tố tụng về việc bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố bị can … đều do Kiểm sát viên ký ban hành với tư cách là người được thừa ủy quyền. Nhưng trong hồ sơ vụ án lại không có Văn bản ủy quyền nào của Viện trưởng để ủy quyền cho Kiểm sát viên ký ban hành các quyết định tố tụng.

Như vậy, những văn bản do Kiểm sát viên ký ban hành liên quan đến Hoàng Thị Vấn có trong hồ sơ vụ án là những văn bản được ban hành trái thẩm quyền, nên không có giá trị thực hiện. Các hoạt động tố tụng liên quan đến việc bắt giam bà Vấn là trái pháp luật xâm hại nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của bà Vấn.

Thứ tư, Việc khám nghiệm hiện trường có nhiều thiếu sót và không kịp thời

Điều tra viên chỉ khám nghiệm hiện trường ở nhà tạm, khu vườn và tầng 1 hiện trường nơi mà hung thủ thực hiện hành vi giết và giấu xác bà Tiền và thực hiện hành vi cố ý gây thương tích cho Hoàng Thị Vấn. Trong khi xung quanh hiện trường của vụ án như trên tầng 2 có dấu vết nghi vấn mà Điều tra viên lại không tiến hành khám nghiệm ngay để tìm kiếm, phát hiện dấu vết của tội phạm mà đến ngày 19/3/2012 mới tiến hành khám nghiệm để thu thập chứng cứ: vết máu trên tường tầng 2, vết máu trên bàn máy để mang đi giám định. Sau một tháng 14 ngày, kể từ ngày xảy ra vụ án cơ quan tố tụng tỉnh Cao Bằng mới tiến hành thu hập các mẫu vật tại hiện trường vụ án. Nhưng các mẫu vật này đã không đủ yếu tố ghen để cho cơ quan giám định kết luận.

Đến ngày 13/4/2012 Điều tra viên mới tiến hành khám nghiệm lại hiện trường để phát hiện có dấu hiệu cậy phá cửa hay không, đến thời điểm này Điều tra viên đã không phát hiện được dấu vết cậy phá. Nhưng tại tại buổi khám nghiệm này Điều tra viên đã phát hiện được dấu vết trượt của 05 đầu ngón tay, dấu vết màu nâu nghi vấn chuyển sang màu đen (nhưng cũng không làm rõ được dấu vết đó có trùng với dấu vết của bà Vấn hay có liên quan gì đến vụ án)

Thứ năm, việc khám nghiệm tử thi được thực hiện quá sơ sài, không phát hiện được những dấu vết tội phạm

CQĐT khi khám nghiệm tử thi chỉ tập chung khám nghiệm các vết thương ở vùng đầu của nạn nhân mà không tiến hành khám nghiệm ở các vị trí khác, không mổ tử thi để kiểm tra phổi của nạn nhân để xác định có hay không việc hung thủ dùng dây điện xiết cổ nạn nhân làm nạn nhân không chống cự được sau đó dùng búa tấn công nạn nhân. Hay xem xét dạ dày của nạn nhân có hay không có thức ăn còn mới để xác định thời gian nạn chết là đã ăn sáng hay chưa? Từ đó có thể xác định được thời gian nạn nhân chết.

Quá trình khám nghiệm tử thi CQĐT chỉ mô tả hình dàng và màu sắc của quần, áo, các vết thương của nạn nhân mà không tìm các dấu vết khác rất quan trọng để phục vụ điều tra phá án đó là: có vết máu trên khăn, áo, quần, tất của nạn nhân không? và trên thi thể nạn nhân có để lại các dấu vết gì không? Việc tìm và phát hiện ra các dấu vết này là hết sức quan trọng đối với việc xác định hiện trường vụ án, tư thế hung thủ thực hiện hành vi giết bà Tiền, tư thế kéo để giấu xác bà Tiền, có hay không có đồng phạm. Đồng thời việc khám nghiệm tử thi CQĐT tra đã không mô tả chi tiết các vết thương dẫn đến cơ quan Giám định không đủ cơ sở để kết luận cơ chế gây ra vết thương cho nạn nhân.

Thanh Trầm (ghi)