Vụ chung cư 83 Ngọc Hồi (Hà Nội):

Có thể vì những lý do cá nhân mà “chủ động làm ngơ”

(Dân trí)- Ngày 30/3, trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Văn Thịnh, Phó Chánh Văn phòng UBND TP. Hà Nội cho biết: cơ quan này đang kiểm tra vụ việc công trình ngang nhiên xây dựng không phép tại ngõ 83 Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

Có thể vì những lý do cá nhân mà “chủ động làm ngơ” - 1
Công trình tại 83 Ngọc Hồi vẫn tiếp tục xây đến tầng thứ 8 dù chưa có phép xây dựng .
 
Như Dân trí đã phản ánh, dư luận gần đây đang bức xúc về việc dự án chung cư (khu chung cư Giải Phóng), ngang nhiên xây dựng không phép tại ngõ 83 Ngọc Hồi, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai - Hà Nội). Hiện các căn hộ ở đây đã được rao bán dưới hình thức hợp đồng góp vốn.

Điều đáng nói, mặc dù có rất nhiều văn bản của các ban, ngành yêu cầu công trình ngừng thi công khi chưa có giấy phép. Thậm chí, lãnh đạo UBND TP Hà Nội liên tiếp có các văn bản thành lập đoàn thanh tra liên ngành về việc kiểm tra, xử lý vi phạm về chuyển nhượng dự án, xây dựng không phép của dự án. Song không những không dừng lại, chủ đầu tư toà nhà chung cư này còn nhanh chóng xây lên tầng 8 và không có dấu hiệu tạm dừng. Trong những ngày này, công trình xây dựng chung cư không giấy phép này vẫn tiếp tục thi công rầm rộ bất chấp dư luận lên tiếng.

Có thể vì những lý do cá nhân mà “chủ động làm ngơ” - 2
 
Trước sự việc trên, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội), đã bày tỏ quan điểm của mình với PV Dân trí:

Dự án chung cư 83 Ngọc Hồi thiết kế 25 tầng, đã bán căn hộ (dưới dạng hợp đồng góp vốn) cho rất nhiều người, việc xây dựng cũng đã tới tầng 8, 9 nhưng không có giấy phép xây dựng. Có thể nói gì về sự việc “hi hữu” này, thưa ông?

Có lỗi sai của cả 2 bên. Trước hết phải khẳng định lỗi sai của cơ quan có thẩm quyền khi không giám sát, không thực thi quyền quản lý nhà nước, buông lỏng để chủ công trình xây dựng vậy mà không biết. Cơ quan nhà nước không thể “vô can” trong việc này được. Quan điểm của tôi rõ ràng là thế.

Quan điểm của ông trước việc vi phạm này?

Muốn thượng tôn pháp luật thì phải dỡ bỏ. Cái đó là nguyên tắc. Anh không thể nói là tôi không biết pháp luật nên không đi thực hiện việc xin cấp phép. Đấy là sai. Đấy là lý do hay có đối với thường dân. Họ không hiểu luật thì như thế có thể coi là “tình tiết giảm nhẹ tội trạng”. Nhưng đây là cơ quan kinh doanh, nhất là kinh doanh nhà ở trong bối cảnh hiện nay thì không thể không biết việc ấy. Họ đã cố tình làm. Vậy thì phải khắc phục hậu quả thôi. Nhất định phải dỡ bỏ, không được phạt cho tồn tại. Nếu cứ phạt cho tồn tại thì người nào cũng sẵn sàng vi phạm.

Tôi cũng nghe nhiều, nhưng vấn đề là thực sự đằng sau việc này có cái gì. Người ta đặt ra 2 giả thiết, một là không có lý do doanh nghiệp xây rồi chính quyền lại không biết. Đây là việc ở cấp địa phương – cấp phường, nơi trên địa bàn quản lý hoặc là cấp sở. Có thể có rất nhiều tình huống như đang trình dự án, chưa nhận được giấy phép thì đã phải xây vì tiến độ thực hiện. Họ có thể viện lý do như vậy. Nhưng có đơn vị nhìn thấy tính khả thi của dự án. Vấn đề là trình tự thời gian.

Nhưng đây là xây ở những khu như vậy chắc chắn doanh nghiệp biết là rất khó xin giấy phép mà vẫn xây. Đằng sau này có vấn đề ở phường hoặc một số cán bộ ở các sở ngành liên quan đến công tác xây dựng. Có thể vì những lý do cá nhân mà “chủ động làm ngơ”.

Nói thế có nghĩa ông nghĩ đến khả năng có tiêu cực ở vụ việc này?

(Cười, gật đầu).

Ông nghĩ sao về việc nguyên Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Quốc Triệu đã từng trực tiếp đến hiện trường chỉ đạo cắt ngọn những tòa nhà xây dựng quá phép. Ứng sang việc này, hành động hợp lý nhất chỉ có thể là…?

Không, đấy là những khu nhà đã có giấy phép xây dựng lên 9 tầng, 10 tầng, muốn cơi thêm 1 tầng, lợi dụng tầng hầm hay tầng penhouse để nâng thêm. Việc dỡ bỏ là bỏ phần vi phạm ấy. Nhưng những người này vẫn là có giấy phép xây dựng, còn trường hợp này không giấy phép mới là vấn đề cần bàn.

Việc lúng túng trong xử lý trường hợp này, ông thấy thế nào?

Hệ quả của việc phá bỏ cũng không đơn giản. Chúng ta thì hiểu đơn giản là xây sai thì phá. Vì quan điểm thượng tôn pháp luật thì phải phá, nhưng rồi nghĩ đến việc phá đương nhiên sẽ tổn hại đến lợi ích của doanh nghiệp. Nhưng không răn đe thì không được.

Nếu ông ở vị trí Chủ tịch UBND thành phố, ứng xử nào là thích hợp nhất trong trường hợp này?

Buộc phá bỏ. Thế thôi.
Vũ Văn Tiến - Hoàng Phương