Cơ hội việc làm do chính mình chủ động tạo ra

(Dân trí) - Nhìn vấn đề gì cũng vậy, phải trao đi đổi lại mới có được cái nhìn toàn diện - cái nhìn từ nhiều góc độ, từ đấy mới bật ra chân lý khách quan. Trao đổi về cơ hội tìm việc của các tân khoa cũng vậy. Các bạn hãy xem những ý kiến sau:

Bạn đọc Phạm Quang Huy tâm sự:

 

Thân gửi các bạn tân khoa!Mình cũng đã từng trải qua giai đoạn như các bạn nên cũng hiểu được tâm trạng của các bạn bây giờ. Nhưng các bạn đã bao giờ tự đặt câu hỏi này cho mình chưa:
 

-  Các bạn là những kĩ sư, những cử nhân của đất nước. Các bạn có quyết tâm theo đuổi ngành nghề mà mình đã chọn hay là tấm bằng đó chỉ cho đẹp và trả về cho bố mẹ?

 

-   Các bạn ra trường, các bạn đã tìm hiểu về công việc khi ra trường mình sẽ phải làm những gì, công việc thực tế ra sao chưa? Các bạn phải hiểu những kiến thức trong trường là những kiến thức tổng hợp để các bạn vận dụng vào công việc mà thôi. Các bạn còn phải học nhiều lắm, phải có thực tế để mà nắm bắt và vận dụng.Còn thú thực các bạn có là bằng ưu đi nữa nhưng ra trường các bạn không cố gắng học hỏi, thì các bạn chẳng bằng các bạn khác chỉ là bằng khá thậm chí là trung bình. Học, học nữa...  bạn à, nhất là học thực tế và học những “kỹ năng mềm”. Rồi còn update liên tục những kiến thức mới, kể cả kiến thức học được qua thực tế cuộc sống. Nếu không các bạn sẽ tụt hậu lại ngay.

 

Bài viết tranh luận của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ email: thaolam@dantri.com.vn

-  Thực ra các bạn nhiều khi không để ý đến các cơ hội ngay gần mình, dù là cơ hội đó chỉ là các công việc rất nhỏ, để rèn luyện cả tính cách lẫn công việc. Đất nước mình còn đang phát triển, công việc rất nhiều, rất thiếu người nhưng phải là những người có chuyên môn năng lực thực sự. Các công ty, doanh nghiệp luôn thiếu người, luôn muốn tuyển dụng những người có tài. Mà các bạn xem, lúc nào cũng có thời gian thử việc cho các bạn làm quen và tiếp xúc với công việc đó chứ, đúng không nào.

 

-   Điều cuối cùng mình muốn chia sẻ với các bạn.Các bạn đừng bao giờ đặt vấn đề tiền lương làm tiêu chí. Hãy quan niệm mình đang đi học nghề thì thậm chí còn phải trả học phí đó các bạn à! Có như vậy các bạn mới yên tâm và tự tin để vượt qua các vòng phỏng vấn, từng bước tạo ra thương hiệu riêng của chính mình mà ai cũng biết và kính nể thì khi ấy ai còn buồn hỏi phỏng vấn những điều vớ vẩn nữa nào ; con ông cháu cha ở đâu cũng có nhưng vẫn phải tuyển những người có năng lực chuyên môn thật sự, để có người biết làm việc mà, vì vậy cơ hội vẫn luôn chờ  bạn nếu bạn ham mê học hỏi và có nhiệt tâm.

 

Bạn đọc Trang Sắc cho rằng:

 

Tôi không cho đây là chuyện buồn, mà là cơ hội cho các bạn trẻ. Cơ hội để chúng ta thay đổi tư duy. Việc kiếm việc làm cũng là một trong những động cơ để học sinh, sinh viên Việt Nam cố gắng học tập, các trường học phải cố gắng đảm bảo chất lượng. Trường tôi từng phải cho nhiều giáo viên nghỉ việc vì ra trường 1, 2 năm mà vẫn không biết làm việc, nhận thức xã hội còn quá mù mờ...
 
Từ đây chúng ta cũng cần thay đổi cơ chế quản lý. Kiểu quản lý bao cấp, nhất là mấy cơ quan nhà nước còn nặng cơ chế xin - cho, bảo trợ, con ông cháu cha... Chuyện đó không nói thì ấm ức, nói thì khó và ai nghe, ai sửa? Vấn đề ai ai cũng thấy nhưng các giới chức thì vẫn dường như cứ làm ngơ như không thấy và tùy mọi người hiểu thế nào cũng được?

 

Bạn đọc Việt Nga nêu rõ:

 

Cuộc sống luôn có rất nhiều cơ hội để thử sức. Kiến thức khi sinh viên mới ra trường không thể đáp ứng cho thực tế, tại sao không đi làm để tăng vốn sống của minh ngay từ thời sinh viên (bắt đầu từ những việc đơn giản nhất). Cho dù các bạn có tốt nghiệp loại giỏi trong trường cũng không chắc ra ngoài đời các bạn sẽ làm công việc tốt hơn người khác.
 
Tấm bằng chỉ là tờ giấy thông hành vào đời thôi. Nếu dùng tấm bằng đi làm thuê để nhận lương sống thì cả đời các bạn sẽ bị thiếu thốn tiền bạc. Ông chủ thì có thể không có bằng giỏi, nhưng có cách làm giỏi. Hãy học cách nghĩ và làm như ông chủ thì bạn sẽ được trường đời cấp bằng giỏi , lúc đó cuộc sống của các bạn sẽ không phụ thuộc vào bằng cấp. Đừng đổ lỗi cho người khác và cũng đừng trông đợi vào vận may. Cách NGHĨ sẽ quyết định số phận của bạn.
 
 Cơ hội việc làm do chính mình chủ động tạo ra - 1

(nguồn ảnh: internet)

 

Bạn đọc Đồng Hành bày tỏ:

 

Các anh chị lớp trước họ cũng như các bạn bây giờ thôi. Bạn đã khi nào tự hỏi những người đang làm việc ở những vị trí mà bạn mơ ước, khi mới ra trường họ như thế nào chưa? Chả lẽ tất cả đều con ông cháu cha cả à? Chả lẽ cứ nhất thiết phải vào cơ quan nhà nước, vào biên chế? Còn rất nhiều các công ty, các khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh.
 
Còn lớp người đang tại vị? Xin thưa họ cũng chẳng khác gì bạn bây giờ cả. Họ đều phải trải qua những quãng thời gian khó nhọc, làm những công việc nhiều khi chả liên quan mấy đến chuyên môn. Nhưng qua vài năm ít ra cũng có kinh nghiệm làm việc, mà rất nhiều công việc liên quan đến nhau, kinh nghiệm làm việc này hỗ trợ cho việc khác.
 
Một lời khuyên: khi mới ra trường các bạn cũng đừng nên kỳ vọng nhiều quá vì ở Việt Nam học thường không đi đôi với hành, nên các nhà tuyển dụng rất "sợ" các bạn mới ra trường. Hãy cứ làm dù công việc có vớ vẩn hay lương thấp, nhưng nhất thiết cố gắng tìm công việc có liên quan đến ngành mình học. Còn nếu mà không thấy ngành mình học có thể xin được việc gì đó thì tốt nhất học lại ngành khác.

 

Bạn đọc Nguyễn Công Khang triết lý:

 

Ông bà ta đã dạy rồi: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, một phần cũng vì nhiều bạn sinh viên chưa chịu chủ động tự tạo cho mình cơ hội. Đã biết là khi xin việc cần có bằng ngoại ngữ, thì sao lúc còn đi học không chịu khó nâng cao trình độ ngoại ngữ cho mình? Đã biết khi đi xin việc sẽ bị đòi hỏi số năm kinh nghiệm thì tại sao không tranh thủ đi vừa học vừa làm thêm, có phải vừa tăng thu nhập giúp đỡ gia đình vừa có cơ hội thực hành kiến thức không.
 
Trừ một số chỗ dành việc cho con ông cháu cha thì không kể, còn các công ty họ đòi hỏi kinh nghiệm hay ngoại ngữ là đều có nguyên do đấy chứ. Thử hỏi thời đại này nếu rành ngoại ngữ thì sẽ lợi cho công việc biết bao nhiêu. Còn đòi hỏi kinh nghiệm là vì họ đã quá rõ ĐH ở VN đào tạo thế nào rồi. Như lớp ĐH của mình, ai đến năm thứ 4 mới bắt đầu kiếm chỗ làm thêm là đã bị coi là muộn, vì nhiều người họ đi làm thêm từ năm thứ 3, thậm chí là hè năm 2.
 
Những người nào mà chủ động tạo cơ hội cho mình thì đến lúc ra trường đều chọn được chỗ làm tốt, có người còn được vài chỗ mời chào hẳn hoi, đâu phải ngày đêm chầu chực nộp đơn hay chạy vạy xin xỏ gì. Nói như vậy để thấy rằng các bạn SV ngay từ khi đi học cần bỏ thái độ đợi nước đến chân mới nhảy, mà phải chuẩn bị sẵn cho tương lai càng sớm càng tốt. Chúc các bạn thành công!

 

Bạn đọc Nguyễn Thi Phúc phân tích:

 

Nếu đứng trên vị trị của người làm công việc tuyển dụng thì mới thấy nỗi vất vả của họ, các bạn tân khoa ạ. Một lần, tôi tiếp chuyện một bạn muốn được vào làm ở vị trí kế toán, mà khi hỏi có thành thạo Word Ecxel không thì bạn đó bảo “Ecxel thì em biết sơ sơ, còn Word thì em có thể đánh được văn bản" OMG. Thế thì dù các bạn có bằng ưu thì mình cũng chịu thôi chứ, chẳng lẽ lại tuyển các bạn vào để đào tạo lại hay sao?
 
Tuyển vị trí sale - kinh doanh thương mại điện tử: hỏi bạn có kinh nghiệm gì trong mua bán online không? 1 cử nhân trường Thương mại, khoa Thương mai điện tử trả lời rằng: em chưa mua bán qua mạng bao giờ, không biết ebay là gì, mua bán bằng phương thức nào, rồi cũng chưa mua đồ qua các trang web ở VN bao giờ. Như thế thì làm sao mình dám tuyển bạn đây? Ít nhất các bạn cũng phải mày mò, tìm hiểu xem ngành bạn học phục vụ cho thực tế cuốc sống như thế nào chứ.
 
Thêm nữa, suy nghĩ của các bạn còn mơ hồ quá, dùng toàn những ngôn từ ghê gớm, ước vọng cao xa, nhưng chưa bao giờ bước chân đi làm, lại yêu cầu 1 mức lương cao - toàn 5-6 triệu. Đành rằng như thế mới đủ cho cuộc sống ở đô thị, nhưng các bạn cũng nên xem lại công việc và vị trí của mình nữa  mới nên đưa ra yêu cầu.Vài dòng tâm sự chân thành với các bạn tân khoa như vậy.

 

Bạn đọc Hữu Duy cũng chia sẻ kinh nghiệm:

 

Tôi nghĩ rằng, ngoài bằng cấp, các bạn phải tự trang bị thêm cho mình một số kỹ năng thì mới xin việc được. Chứ nếu chỉ trơ mỗi cái bằng không, thiếu kỹ năng ứng xử thì cũng khó. Tôi từng giúp một cậu em của bạn, tốt nghiệp loại giỏi trường ĐH Kinh tế quốc dân, xin việc làm giáo viên một trường trung cấp. Tôi quen anh hiệu trưởng ở đây, anh ấy nhận hồ sơ và hứa sẽ giúp đỡ. Khi thi vào trường, yêu cầu của hội đồng thi là chuẩn bị một bài giảng trong 30 phút. Nhưng cậu đó run quá, lại không có kỹ năng nói trước đám đông, không giảng được câu nào, cứ đứng ngớ ngẩn trên bục giảng, miệng im như thóc. Vậy là dù có sự hứa hẹn giúp đỡ cũng bị trượt.
 
Vậy đó, tiên trách kỷ hậu trách nhân, bằng cấp trong trường chỉ là một điều kiện thôi, yêu cầu về ngoại ngữ, kinh nghiệm và các kỹ năng như ăn nói, ứng xử... cũng cần lắm chứ. Các bạn hãy chú trọng trang bị cho mình khi đi xin việc nhé.

 

Bạn đọc Khanh Vui khuyến cáo:

 

Tôi không thích cái kiểu các bạn sinh viên ra trường kêu không kiếm được việc làm do những tiêu cực trong tuyển dụng gây ra. Các bạn kêu ca như vậy có ích gì không? có thay đổi được điều đó không? Nếu bạn có thực sự xuất sắc thì khi bạn còn là sinh viên các công ty đã đến đưa hợp đồng đề nghị nuôi bạn ăn học và khi ra trường bạn về làm cho họ. Nếu bạn tài năng vừa vừa mà không có tiền thì dù không xin được việc ở những nơi cần "quan hệ" hoặc phải "chạy chọt", thì bạn cũng có thể kiếm việc tại những nơi khác.

Ngày xưa tôi cũng là sinh viên, trong khi bạn bè trốn tiết đi chơi, thuê người điểm danh thì tôi vừa học vừa xin đi bán hàng để có tiền. Tốt nghiệp, tôi cũng xem các mục tuyển dụng trên mạng và lần đầu tiên đi nộp đơn xin việc là ở một công ty dược, đúng lúc giám đốc người Trung Quốc đi tới. Ông ta chẳng xem hồ sơ gì cả mà tiện tay cầm luôn một hộp thuốc rút ra tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh, bảo tôi dịch thử sang tiếng Việt. Tôi toát mồ hôi, hơi run trong lòng nhưng ngoài mặt gắng tỏ ra bình tĩnh cầm tờ giấy và dịch mà không có quyển từ điển nào trong tay. Sau đó giám đốc hỏi cô nhân viên thì cô ta nói bằng tiếng Trung đại khái là tôi đã dịch đúng, ông ta mỉm cười, nói sẽ gặp lại tôi ở buổi phỏng vấn chính thức.

 

Khi tôi sắp đi ra, ông ta chợt hỏi cô nhân viên rằng tên của tôi dịch sang tiếng Trung là gì, cô ta dịch một cái tên cùng âm nhưng khác nghĩa. Tôi lịch sự xin lỗi và xin phép tự giới thiệu tên của mình bằng tiếng Trung, sau đó mặc dù tiếng Trung của tôi không giỏi lắm nhưng cũng trao đổi được một số chuyện với ông ta. Điều này có lẽ đã gây ấn tượng tốt nên ông ta tuyên bố tuyển luôn mà không cần đợi phải qua phỏng vấn vòng tiếp theo.
 
Thực sự nếu chỉ tuyển qua hồ sơ có lẽ tôi đã bị loại vì tôi chỉ tốt nghiệp loại trung bình khá và ở một trường không mấy danh tiếng ở Hà Nội. Có thể bạn nghĩ tôi may mắn nhưng không hẳn vậy. Nếu khi còn học đại học tôi không bỏ thời gian học kỹ tiếng Anh và rèn luyện thêm tiếng Trung khi đi bán hàng thì đâu có được kết quả như vậy, đúng không? Qua chuyện này tôi nhận ra ai rồi cũng gặp cơ hội nhưng vấn đề là phải chủ động chuẩn bị từ trước, để khi cơ hội tới ta có thể nắm bắt được nó. Chúc bạn sẽ thành công trong lần tuyển dụng  sau.

 

Từ phía người tuyển dụng, Việt Anh khẳng định:

 

Tôi nghĩ việc làm không phải khó tìm đến vậy đâu. Là doanh nghiệp đương nhiên chúng tôi cần và rất cần những người có năng lực và trình độ cũng như kinh nghiệm, nhưng chúng tôi cũng sẵn sàng thu nhận và đào tạo nếu biết chắc các tân khoa chịu cố gắng, nhiệt tình với công việc và có ý định gắn bó lâu dài với công ty chúng tôi. Hiện chúng tôi rất cần người cho các bộ phận: 1. Bán hàng 2. Marketing 3. Kỹ thuật 4. Quản lý website, quan hệ khách hàng. Hãy liên lạc hoặc gởi CV cho chúng tôi: Cô Khanh: khanh@vietanh.vn ĐT: +84 8 35108678

 

LTS Dân trí - Đọc những ý kiến đóng góp rất cởi mở và chân thành nói trên, chắc rằng các bạn tân khoa tự tìm thấy lời giải đáp trước những băn khoăn trăn trở của bản thân, đồng thời tìm thấy hướng phấn đấu đúng đắn để tìm được việc làm cũng như lập thân lập nghiệp lâu dài sau này.

 

Đấy là những ý kiến tư vấn thật có giá trí của những anh chị lớp trước đã từng trải qua một thời tìm việc, có nhiều kinh nghiệm thực tế và cả ý kiến đóng góp của những nhà tuyển dụng.
 

Có thể nói cánh cửa của cơ hội tìm việc làm đang mở ra đối với các bạn tân khoa. Các bạn hãy chủ động tạo ra cơ hội, nhất là đừng bỏ lỡ khi cơ hội đến với mình. Chúc các bạn thành công!