Cơ hội “tôi luyện” bản thân của sinh viên

Là một sinh viên nghèo của Bình Định, tôi đặt chân lên đất Sài Gòn, nơi mọi người vẫn thường nói là chốn phồn hoa với nhiều cám dỗ. Tôi bỏ ngoài mắt, ngoài tai những thói ăn chơi, đua đòi để tự lo cuộc sống và tự giác học tập.

Tôi vẫn còn nhớ như in cái ngày đầu một mình khoác ba lô lên thành phố, không có người bà con nào, tôi phải tìm đến xin trọ nhờ nhà một người bạn cùng quê cũng là sinh viên để chờ nhập học. Những ngày đầu tháng 9, những cơn mưa bất chợt và nhiều khiến tôi không khỏi tủi thân, nhớ nhà và tôi trăn trở với bao nỗi lo toan. Hai hôm sau kể từ lúc tôi đến Sài Gòn, chính là ngày 1/9/2005, ngày mà ký túc xá ĐHQG bắt đầu nhận hồ sơ sinh viên nội trú. Một tân sinh viên từ quê lên thành phố, “mái nhà” mà tôi tin tưởng và mong đợi nhất là ký túc xá, vì theo tìm hiểu ở các anh chị đi trước thì đây là nơi an toàn và... rẻ nhất!

 

Nhưng oái oăm thay, sau ba ngày ròng rã, tôi nộp không biết bao nhiêu hồ sơ vào mà không được duyệt vì tôi không thuộc diện ưu tiên, không thuộc con em các tỉnh có tham gia đóng góp xây dựng ký túc xá. Song tôi vẫn kiên trì để xin vào ký túc xá, may mắn đã đến với tôi vì hôm đó tôi mặc trên người chiếc áo thể dục ghi tên trường THPT tôi vừa học. Buổi trưa đó, khi tôi đang ngồi dưới gốc cây bằng lăng... với nét mặt buồn thiu như muốn khóc, thì có một người đến hỏi “em là học sinh trường Phù Cát 3?” - tôi ngước nhìn lên: “Dạ”. Lúc này anh đó mới nói với tôi, anh là bạn của thầy hiệu trưởng trường tôi, anh đã thấy tôi từ hai ngày trước tha thẩn ở đây. Sau một lúc nói chuyện, anh ấy hỏi hồ sơ của tôi và hứa sẽ giúp tôi vì anh ấy là trưởng phòng tổ chức hành chính ở đây, thế là sau chưa đầy 15 phút tôi đã được xếp phòng để ở, tôi mừng vui khôn xiết.

 

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail: thaolam@dantri.com.vn

Cuộc đời sinh viên bắt đầu từ đó, những đêm đầu nằm trên chiếc giường hai tầng trong căn phòng ký túc xá, tôi không sao ngủ được, bên cạnh nỗi nhớ nhà tôi còn suy nghĩ về những việc sắp tới của mình, nào là học phí nhập học, tiền bảo hiểm, tiền mua giáo trình, tiền ăn,... cứ ám ảnh tôi từ trong giấc ngủ. Với số tiền của ba má gửi cho 600 ngàn mỗi tháng, tôi biết ba má đã phải chắt chiu và vay mượn mới đủ để gửi cho con. Tôi phải tính toán những khoản phải chi tiêu sao cho thật hợp lý. Mỗi khi mua gì, tôi đều ghi vào một cuốn sổ, dù chỉ một gói mì. Từ đó, cuối tháng lại ngồi dở ra xem có khoản nào mình tiêu phí không và sẽ tiết kiệm hơn trong tháng tới. Tôi cũng rất thích đọc sách và cứ sau khi mua một cuốn sách “mới” về là tôi cũng mua một ít mì tôm về để “ăn dặm”. Những cuốn sách tôi mua hầu hết là ở các hiệu sách cũ, chính vì vậy mà cũng rẻ hơn được phần nào.

 

Sang đầu học kỳ hai của năm thứ nhất, tôi xin được một công việc làm thêm vào ngày chủ nhật ở một nhà hàng chuyên tổ chức tiệc cưới. Công việc phục vụ mỗi ngày 2 tiệc cưới cũng đã giúp tôi có thêm hơn 100 ngàn mỗi ngày, nhờ vậy sinh hoạt hàng ngày của tôi từ đây cũng đỡ túng thiếu hơn một chút. Không được bao lâu, mì gói từ 1000 đồng/gói tăng lên 1.200 rồi... 2.500 đồng/gói, giá cơm cũng từ 4.000 lên 6.000 rồi 8.000 và nay là 10.000 ngàn/suất. Nhất là trong thời buổi lạm phát và khủng hoảng kinh tế, giá cả cứ tăng vùn vụt, những đợt xăng tăng giá là những lúc sinh viên chúng tôi phải gồng mình lên chịu đựng. Chiều hôm trước mới ăn đĩa cơm với giá 8.000 ngàn, trưa hôm sau đã tăng lên 10.000 ngàn, hỏi ra chỉ được một câu giải thích ngắn ngủi “xăng 19 ngàn rồi”!

 

Tôi còn may mắn hơn nhiều bạn sinh viên khác cùng cảnh ngộ, tôi xin được một công việc làm bán thời gian khác ở một công ty truyền thông, ngoài những buổi đi học, tôi đến công ty làm việc, từ đó có thêm thu nhập tự lo cho việc học và chi tiêu hàng ngày mà không phải xin tiền ba má ở quê nữa. Tuy giờ đây tôi đã có thể tự lo cho mình nhưng những vấn đề chi tiêu, ăn ở, tiền học phí cũng không phải là chuyện dễ dàng với tôi, chính cuộc sống đã giúp tôi năng động và thích nghi hơn. Hàng ngày đi học, đi làm, tối về học thêm ngoại ngữ, học bài, đọc sách làm vơi đi nỗi nhớ nhà trong tôi.

 

Sắp tới, Bộ GD đưa ra chương trình tăng học phí giáo dục Đại học, với suy nghĩ của một sinh viên, tôi cho là nên tăng học phí. Tôi đồng tình với chủ trương này của Bộ GD mặc dù tôi biết việc tăng học phí sẽ làm cho rất nhiều sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vất vả hơn, tỷ lệ bỏ học có thể nhiều hơn. Nhưng tôi thiết nghĩ việc tăng học phí nên áp dụng để nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nâng thu nhập của cán bộ giáo dục, nhất là cán bộ nghiên cứu, giảng viên, giáo viên ở các trường phổ thông.

 

Tôi được biết, nhiều giảng viên trẻ ở khoa của tôi lương mỗi tháng từ 1,8 triệu đến 2 triệu! Cũng vì lương không đủ để trang trải cuộc sống, thậm chí không bằng số tiền hàng tháng sinh viên khá giả nhận từ bố mẹ. Chính vì vậy, cán bộ giảng viên không chuyên tâm vào chuyên môn, chạy show rất nhiều nơi để có thể đảm bảo cuộc sống. Viện khoa học phát triển bền vững vùng Nam Bộ là cơ quan nghiên cứu đầu ngành các ngành khoa học xã hội nhưng mức lương của các cán bộ trẻ (như anh của tôi) chỉ ở mức hơn 1 triệu một chút! Nếu không nâng thu nhập cho họ liệu đội ngũ cán bộ nghiên cứu có còn chuyên tâm nghiên cứu khoa học hay ngược lại họ chỉ “nghiên cứu” thời gian cho công việc chạy show để đảm bảo cuộc sống?!

 

Bên cạnh việc tăng học phí, tôi mong rằng Bộ GD và nhà nước cần đưa ra nhiều chương trình miễn giảm học phí và cấp học bổng, hỗ trợ tốt nhất cho sinh viên, nhất là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong việc vay vốn học tập.

 

Tôi hy vọng rằng những khó khăn và thử thách trong chặng đường sinh viên sẽ là thời gian “tôi luyện” cho sinh viên chúng ta ý thức học tập, trách nhiệm của bản thân với cuộc sống, gia đình và xã hội. Từ những khó khăn và vất vả đã trải qua chúng ta sẽ từng bước vươn tới tương lai tươi sáng hơn. Như Các Mác đã nói: “Không có con đường nào bằng phẳng thênh thang trong khoa học, chỉ những ai không sợ chồn chân mỏi gối bước đi trên những con đường đầy chông gai đó mới có thể đạt tới đỉnh cao của sự xán lạn”. Chính vì thế các bạn trẻ sinh viên chúng ta đừng chồn chân trước cuộc sống, đừng sợ khó khăn, nếu phía trước chúng ta là thác ghềnh thì hãy xem như là thử thách của cuộc sống các bạn nhé!

 

 

Trương Minh Chương
ĐHKHXH&NV TPHCM

 

LTS Dân trí - Những tân sinh viên thường có những giấc mơ đẹp đẽ với biết bao hy vọng khi biết tin đỗ đại học. Nhưng khi lên thành phố, họ phải đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nhất là những sinh viên nghèo, tiền gia đình chu cấp hàng tháng không đủ cho cuộc sống hàng ngày với giá cả ngày càng tăng…

 

Trước những khó khăn tưởng như không tìm ra lối thoát đó, có những sinh viên đã biết tự giải thoát bằng cách tìm việc làm thêm, có thể kiếm ra đủ tiền tự nuôi mình ăn học như sinh viên viết bài trên đây.

 

Những lời tâm sự hết sức chân thành cho thấy bạn sinh viên đó luôn có con mắt lạc quan trước cuộc sống, coi những khó khăn thử thách mà mình phải vượt qua chính là cơ hội “tôi luyện” mình trở thành người có đầy đủ ý thức trách nhiệm đối với bản thân, với gia đình và xã hội.