Cô gái tử vong sau nâng mũi: Người phẫu thuật, thẩm mỹ viện liên đới ra sao
(Dân trí) - Trong vụ việc cô gái 22 tuổi quê Long An tử vong sau khi nâng mũi, người thực hiện nâng mũi và chủ sở hữu cơ sở thẩm mỹ là hai bên khác nhau. Vậy trách nhiệm liên đới của các bên này như thế nào?
Sự việc cô gái P.T.D.H (22 tuổi, quê Long An) sau khi nâng mũi tại cơ sở thẩm mỹ H.M.P. ở Tân Mai, Hoàng Mai, Hà Nội, đã phải đi cấp cứu và 2 tháng sau thì tử vong, đặt ra nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện.
Trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ viện
Theo luật sư Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty luật TNHH MTV Nam Sơn, Đoàn luật sư TPHCM, trong quá trình điều tra, cơ quan có thẩm quyền cần xác minh cơ sở thẩm mỹ viện này hoạt động có giấy phép và tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành hay không? Nếu hoạt động trái phép thì tùy theo mức độ vi phạm mà chủ cơ sở có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu bị xử phạt vi phạm hành chính thì áp dụng điểm a khoản 6 điều 39 nghị định 117/2020/NĐ-CP, cụ thể:
"6. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động hoặc tại địa điểm không được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh;
b) Cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, trừ trường hợp cấp cứu;…"
Ngoài ra, theo luật sư Trung, thẩm mỹ viện còn có thể bị đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng (theo điểm c khoản 7 điều 39 nghị định 117/2020).
Bên cạnh chế tài xử lý vi phạm hành chính, nếu trong thời gian hoạt động, các cơ sở này gây ra hậu quả chết người hoặc tổn thương về sức khỏe của những khách hàng đến thực hiện dịch vụ thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017).
Cụ thể: "Điều 315. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 259 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm."
Đồng thời, thẩm mỹ viện còn phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Trách nhiệm của người trực tiếp thực hiện nâng mũi
Đối với người trực tiếp phẫu thuật thẩm mỹ, luật sư Trung cho rằng, nếu người này không đủ điều kiện hoặc bác sĩ giả mạo giấy tờ để phẫu thuật thẩm mỹ là hành vi ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và sức khỏe của người bệnh. Tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, luật sư khẳng định: "Bác sĩ giả giấy tờ để phẫu thuật thẩm mỹ có thể bị phạt lên tới 40 triệu đồng. Ngoài ra, còn có thể bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 22 tháng đến 24 tháng (Theo điểm d khoản 8, Điều 38 Nghị định 117/2020)".
Tùy tính chất từng vụ việc, người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác (Theo Điều 315 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017). Mức hình phạt nhẹ nhất là bị phạt tù từ 1-5 năm, cao nhất lên tới 15 năm.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000-50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Đồng thời người đó phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho nạn nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Vụ việc vẫn đang được Công an quận Hoàng Mai tiếp tục điều tra, xác minh. Ai vi phạm tới đâu sẽ bị xem xét xử lý tới đó. "Tuy nhiên, để tránh các vụ việc tương tự xảy ra, thiết nghĩ các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần siết chặt hơn nữa về điều kiện cấp phép hoạt động, tăng nặng chế tài xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm quy định về phẫu thuật thẩm mỹ", luật sư Trung nhận định.
Bên cạnh đó, luật sư cũng khuyến cáo, người dân khi có nhu cầu làm đẹp nên đến những cơ sở thẩm mỹ uy tín, được công nhận và cấp phép; có đội ngũ y bác sĩ đảm bảo, có tay nghề cao để tránh tiền mất, tật mang, thậm chí ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và tính mạng.