Hà Nội:

Cô gái mồ côi cha mẹ ở phường Trúc Bạch kêu cứu

(Dân trí) - Được bố mẹ để lại căn hộ 10m2 xập xệ ở số 13 ngõ Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, nhưng chị Phạm Thị Nguyệt đang đối diện cảnh “màn trời chiếu đất” sau khi TAND TP. Hà Nội tuyên chị Nguyệt trả phần diện tích đang tranh chấp anh Nguyễn Long Châu.

Đơn kêu cứu chị Phạm Thị Nguyệt gửi đến tòa soạn báo Dân trí
Đơn kêu cứu chị Phạm Thị Nguyệt gửi đến tòa soạn báo Dân trí
 
Trong đơn kêu cứu gửi đến tòa soạn báo Dân trí, chị Phạm Thị Nguyệt, HKTT tại số 13 ngõ Yên Ninh, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội phản ánh, hiện hoàn cảnh của chị rất khó khăn sau khi bản án phúc phẩm của TAND TP. Hà Nội tuyên chị Nguyệt phải trả 10m2 ở tầng 2 nhà 13 ngõ Yên Ninh do bố mẹ đã để lại cho ông Nguyễn Long Châu. Việc Chi Cục THADS quận Ba Đình ra thông báo cưỡng chế khiến chị hoang mang lo lắng.

Đơn của chị Phạm Thị Nguyệt cho biết, năm 1960, bố mẹ chị Nguyệt là ông Phạm Văn Nhạ và vợ Trương Thị Nuôi chuyển đến sử dụng căn hộ 10m2 ở số 13 ngõ Yên Ninh, phường Trúc Bạch cùng sống chung với gia đình ông Nguyễn Văn Hòa. Theo tường trình của chị Nguyệt, trong quá trình sử dụng, ông Nguyễn Văn Hòa và Phạm Văn Nhạ thỏa thuận cùng nhau đóng tiền nhà phần diện tích 20m2 mà 2 gia đình sử dụng. Từ năm 1960 cho đến năm 1995, ông Phạm Văn Nhạ luôn thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Sau khi ông Nhạ qua đời, bà Nuôi tiếp tục thay chồng thực hiện nghĩa vụ đóng thuế cho Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 1 Ba Đình. Tuy nhiên, từ tháng 8/2003 gia đình bà Nuôi không còn nhận được thông báo đóng tiền nhà.

Sau một thời gian đau ốm, năm 2009, bà Trương Thị Nuôi qua đời ở tuổi 73 và để lại cho con gái Phạm Thị Nguyệt phần tài sản duy nhất là căn hộ 10m2 xập xệ. Một năm sau ngày bà Nuôi qua đời, năm 2010, ông Nguyễn Long Châu là con của ông Nguyễn Văn Hòa đưa ra Giấy chứng nhận QSDĐ cấp từ năm 2002 cho cả khu căn hộ 20m2 mà gia đình ông Nhạ và Hòa đã cùng sử dụng hàng chục năm và được ngăn cách bằng vách cót (thời điểm 2010).
 
Căn phòng xập xệ 10m2 là nơi ở duy nhất của chị Nguyệt sau khi bố mẹ qua đời
Căn phòng xập xệ 10m2 là nơi ở duy nhất của chị Nguyệt sau khi bố mẹ qua đời

Điều kiện để ông Nguyễn Long Châu được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ là Hợp đồng thuê nhà ký với Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 1 Ba Đình, trong đó ghi gia đình chị Nguyệt ở nhờ, nhưng thực tế gia bà Trương Thị Nuôi lại đóng tiền nhà đến tháng 7/2003 (hơn một năm sau khi gia đình ông Châu được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ). Trong thời gian này, chị Nguyệt và mẹ không nhận được thông báo nào của Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà số 1 Ba Đình. Trong khi đó, 2 bác của chị Nguyệt là Trương phố và vợ Đỗ Thị Bình lại xác nhận bố mẹ chị Nguyệt thỏa thuận mua lại một nửa căn hộ (10m2) của ông Nguyễn Văn Hòa từ năm 1960, nhưng giấy tờ mua bán thất lạc chưa tìm thấy.

Thuyết phục chị Phạm Thị Nguyệt tự nguyện trả nhà bất thành, ông Nguyễn Long Châu làm đơn khởi kiện ra TAND quận Ba Đình đòi trả lại phần diện tích 10m2 tại số 13 ngõ Yên Ninh. Ngày 26/6/2012, TAND quận Ba Đình ban hành bản án số 07/2012/DS-ST chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Châu, do chị Nguyệt không đưa ra được chứng cứ chứng minh việc mua bán nhà giữa 2 gia đình. Sau khi chị Nguyệt làm đơn kháng cáo, tại phiên xử phúc thẩm, Hội đồng xét xử - TAND TP. Hà Nội quyết định giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm số 07/2012/DS-ST, buộc chị Nguyệt hoàn trả 10m2 do bố mẹ để lại.

Thực hiện bản án phúc thẩm của TAND TP. Hà Nội, đầu tháng 8/2013, Chi cục THADS quận Ba Đình đã gửi thông báo yêu cầu chị Nguyệt dọn nhà và trả lại 10m2 cho ông Nguyễn Long Châu. Từ khi nhận được thông báo, chị Nguyễn Thị Nguyệt luôn sống trong cảnh nơm nớp lo sợ khi bố và mẹ đều đã qua đời, gia đình không còn ai thân thiết, bản thân không có công ăn việc làm ổn định.

Làm việc với PV Dân trí, chị Phạm Thị Nguyệt cho biết: “Tất cả hàng xóm đều biết rõ hoàn cảnh khó khăn của tôi khi bố mẹ đã mất, bản thân không có anh chị em và luôn đau yếu. Nếu Chi Cục THADS quận Ba Đình cưỡng chế tôi không biết sẽ phải đi đâu về đâu. Tôi mong Xí nghiệp Quản lý & Phát triển nhà kiểm tra lại hồ sơ cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Long Châu. Tôi khẩn thiết đề nghị TAND Tối cao xem xét lại bản án theo trình tự Giám đốc thẩm, đồng thời cũng kiến nghị TP. Hà Nội, UBND quận Ba Đình can thiệp giúp tôi tránh được cảnh “màn trời chiếu đất”...”.

Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.

Ban Bạn đọc