Có bắt buộc phải có luật sư khi ra Tòa không?
(Dân trí) - Khi thực hiện thủ tục tố tụng tại Tòa án, đa phần chúng ta thường thấy sự xuất hiện của luật sư bào chữa. Theo quy định của pháp luật, có hay không việc bắt buộc phải có luật sư khi ra Tòa.
Nhiều bạn đọc gửi câu hỏi thắc mắc về báo Dân trí với một nội dung là khi ra toà, có nhất thiết phải mời luật sư bào chữa không và đương sự có thể tự bào chữa cho mình thay vì luật sư?
Với vấn đề này, Luật gia Nguyễn Trọng Nghĩa (Công ty Luật TNHH LSX) đã có những phân tích như sau:
Quy định của pháp luật về quyền bào chữa
Quyền bào chữa là phương tiện pháp lý cần thiết để người bị buộc tội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Quyền bào chữa thể hiện tính tranh tụng trong hoạt động tố tụng. Có thể xem rằng, đây là điều kiện không thể thiếu được góp phần cho việc xét xử khách quan và công minh. Việc mở rộng quyền bào chữa càng khiến cho việc giải quyết được chính xác, tránh oan sai. Việc lựa chọn người bào chữa do người bị buộc tội; người đại diện hoặc người thân thích của họ quyết định.
Các trường hợp cần có luật sư bào chữa
Như đã phân tích, có thể nói việc nhờ luật sư bào chữa hay không sẽ phụ thuộc vào ý chí của người bị buộc tội. Tuy nhiên, vẫn có những trường hợp bắt buộc phải có người bào chữa. Các cơ quan tiến hành tố tụng có nghĩa vụ yêu cầu Đoàn luật sư hoặc đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cử người bào chữa cho họ kể cả trong trường hợp người bị buộc tội không yêu cầu. Quy định cụ thể tại Khoản 1 Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 - Nghị định về các trường hợp chỉ định người bào chữa cho người bị buộc tội trong vụ án hình sự.
Theo đó, người bị buộc tội; người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ nếu thuộc 1 trong hai trường hợp sau đây:
Thứ nhất, bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù; tù chung thân, tử hình;
Thứ hai, người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Cụ thể hóa như sau:
Điều 76. Chỉ định người bào chữa
1. Trong các trường hợp sau đây nếu người bị buộc tội; người đại diện hoặc người thân thích của họ không mời người bào chữa thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải chỉ định người bào chữa cho họ:
2. a) Bị can; bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 20 năm tù; tù chung thân, tử hình;
2. b) Người bị buộc tội có nhược điểm về thể chất mà không thể tự bào chữa; người có nhược điểm về tâm thần hoặc là người dưới 18 tuổi.
Hệ quả:
Theo đó, bị can; bị cáo được tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa cho hành vi bị cáo buộc của mình. Điều này nhằm đảm bảo công bằng cho tất cả các bên – người bị hại và người bị buộc tội.
Tuy nhiên nếu vụ án có tính phức tạp thì vấn đề tự bào chữa là việc khó khăn. Bởi vậy, việc nhờ sự giúp đỡ của luật sư - người mà có kiến thức pháp luật và kinh nghiệm hoạt động tố tụng là biện pháp phổ biến. Vì nhiều vấn đề pháp lý trong quá trình giải quyết vụ án hình sự như hành vi bị truy tố có dấu hiệu tội phạm hay không; nếu là tội phạm thì là tội gì, bị cáo có lỗi khi thực hiện hành vi đó hay không; lỗi cố ý hay vô ý; chứng cứ của bên buộc tội có hợp pháp hay không,…
Xin cảm ơn Luật gia!
Khả Vân (thực hiện)