Chuyến "xung trận" đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y

(Dân trí) - "Đây là một kỷ niệm không thể nào quên trong đời quân ngũ của chúng tôi, là thời gian mà chúng tôi ở gần dân nhất, hỗ trợ nhân dân nhiều nhất trong một hoàn cảnh đặc biệt nhất".

Ngày 23/8, hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y 103 (Hà Nội) lên đường vào TPHCM và các tỉnh phía Nam hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19. 

Đoàn đã triển khai thành 451 tổ quân y cơ động nhận nhiệm vụ tại các xã, phường ở TPHCM, cùng ăn, cùng ở với nhân dân để hỗ trợ công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại địa phương.

Trọng tâm nhiệm vụ của lực lượng lần này là lấy mẫu xét nghiệm, tiêm vắc xin; hỗ trợ điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; chăm sóc các F0 cách ly, điều trị tại nhà;...

Chuyến xung trận đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y - 1

Thiếu tá Hoàng Thanh Tuấn phát biểu trong ngày ra quân, hứa sẽ cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ nơi tâm dịch.

Là Trưởng đoàn công tác tăng cường phòng chống dịch bệnh Bệnh viện Bỏng Quốc gia, lên đường cùng đoàn lực lượng quân y, "nằm vùng" tại tâm dịch đã gần 20 ngày nay, Thiếu tá, Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn đã gửi đến Dân trí những dòng cảm xúc về lần "xung trận" đặc biệt này:

Nằm vùng! Sứ mệnh!

Như mọi người đã biết, tình hình dịch bệnh tại TPHCM và các tỉnh phía Nam đang diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt là giai đoạn cuối tháng 8. Thời điểm đó số lượng ca mắc mới, ca chuyển nặng và ca tử vong ngày một tăng cao. Chính vì vậy, quan điểm của Đảng, Chính phủ là tất cả vì sức khỏe của nhân dân, chấp nhận tạm thời hy sinh về kinh tế nhưng phải hạn chế được số ca nhiễm, hạn chế tối đa ca chuyển nặng, tử vong, bảo toàn tính mạng nhân dân.

Chuyến xung trận đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y - 2

Hơn 1.000 cán bộ, nhân viên, học viên Học viện Quân y lên đường vào TPHCM và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch Covid-19 (Ảnh: Nguyễn Dương).

TPHCM đã thực hiện đúng chỉ đạo của Chính phủ: "Ai ở đâu thì ở đó", mỗi xã/ phường là một pháo đài chống dịch và mỗi một người dân là một chiến sĩ; quản lý chặt chẽ việc đi lại, quyết tâm kiểm soát dịch bệnh nhanh nhất. Lực lượng quân đội dưới sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã huy động lực lượng lớn chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh phía Nam với tinh thần "Không thắng không về!".

Học viện Quân y đã cử hơn 400 tổ quân y cơ động về chi viện cho trạm y tế xã/phường thành lập các Trạm quân y cơ động nằm tại các tổ dân phố với nhiệm vụ: quản lý, chăm sóc, điều trị các F0 đang cách ly điều trị tại nhà. Ngoài ra còn thực hiện việc thăm khám, điều trị cho các bệnh nhân có các bệnh lý khác, nhiệm vụ nữa là cùng với địa phương tham gia lấy mẫu xét nghiệm và tiêm vắc xin.

Các tổ Quân y cơ động của chúng tôi đã nhanh chóng khắc phục khó khăn và thực hiện ngay nhiệm vụ của mình khi vừa đặt chân tới các tổ dân phố. Mỗi tổ Quân y cơ động có 3 đồng chí, đảm nhiệm trực sẵn sàng cấp cứu 24/24, được trang bị đầy đủ thuốc, vật tư phòng hộ cũng như các số điện thoại hotline để sẵn sàng tiếp nhận, cấp cứu và điều trị cho tất cả người dân có nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu, đồng thời phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để chuyển bệnh nhân nặng kịp thời.

Những câu chuyện đặc biệt

"Những chuyến cấp cứu đặc biệt": Nhiệm vụ 24/24 bất kể dân cần là có chúng tôi, những cuộc gọi bất kể lúc nào và thường là về tối và đêm. Có những hôm vừa chuẩn bị ăn cơm thì lại lên đường, có những hôm mưa (Sài Gòn đang mùa mưa) thường xuyên và ướt cũng thường xuyên luôn, còn đêm hôm thì là chuyện như cơm bữa vì các bệnh nhân F0 thường trở nặng vào ban đêm.

Chuyến xung trận đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y - 3

Sau khi đã hướng dẫn hết cho toàn bộ người dân hẻm, các chiến sĩ Quân y tranh thủ ngồi nghỉ ở ghế đá đầu hẻm trong thời gian chờ nhận kết quả từ các hộ đã nhận bộ kít và làm test nhanh. Mỗi ngày, các chiến sĩ thực hiện lấy mẫu và hướng dẫn làm test nhanh cho 1.500 người (Ảnh: Nguyễn Quang).

"Những hoàn cảnh đặc biệt": Nhiều gia đình lao động tự do, họ phải ở trong các khu nhà ẩm thấp, nhiều người cùng ở chung trong các khu nhà chật chội. Có những ca cấp cứu mà không có đường để vào cấp cứu, không có lối để chuyển bệnh nhân từ gác xuống vì chỉ có một chiếc thang thẳng đứng để một người khỏe mạnh trèo lên mà thôi... Thực sự còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được giúp đỡ và tổ quân y cơ động chúng tôi cũng đã hỗ trợ được phần nào cho họ trong giai đoạn khó khăn này.

"Những ranh giới sinh tử": Có những ca cấp cứu kịp thời giúp bệnh nhân phục hồi qua được giai đoạn suy hô hấp và chuyển viện điều trị chuyên sâu giúp cứu sống người bệnh. Nhưng cũng có những ca tưởng chừng như đã cứu được bệnh nhân để chuyển đi rồi, vậy mà cuối cùng vẫn không thể giữ lại được sinh mạng cho người bệnh. Khoảnh khắc chứng kiến bệnh nhân ở giữa sự sống và cái chết đó, chúng tôi càng cảm nhận rõ giá trị của sự sống này.

"Những cuộc giải tỏa kịp thời": Có những cuộc gọi khẩn cấp, khi nghe điện chúng tôi cảm thấy bệnh nhân đang thực sự rất cần mình và đang rất nguy kịch. Tuy nhiên, nhiều trường hợp khi vội vã chạy đến nơi thì may mắn đó chỉ là sự lo lắng quá mức của người bệnh chứ diễn biến lâm sàng không nghiêm trọng. Đó là tâm lý chung của các F0 khi luồng thông tin quá nhiều khiến họ bị hoang mang, đặc biệt khi đang điều trị tại nhà. Khi các bác sĩ chúng tôi xuống khám và giải thích, người bệnh được giải tỏa và từ đó hết lo lắng, an tâm điều trị và phục hồi.

Tình quân dân

Thực sự đây là những ngày không thể nào quên trong đời quân ngũ của chúng tôi, là thời gian mà chúng tôi ở gần dân nhất, hỗ trợ nhân dân nhiều nhất trong một hoàn cảnh đặc biệt nhất.

Chúng tôi tiếp nhận Nhà cộng đồng khu phố được chuyển công năng thành Trạm quân y cơ động, đồng thời là nơi ăn ở sinh hoạt của 3 anh em. Mọi thứ khi đó đều thiếu.

Chuyến xung trận đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y - 4

Các chiến sĩ chia nhau tới gõ cửa từng nhà, tận tình hướng dẫn cách sử dụng bộ test nhanh (Ảnh: Nguyễn Quang).

Trong khi chúng tôi đang tính toán làm sao để bố trí được "công năng kép" cho trạm của mình, thì bất ngờ bà con khu phố mỗi người qua hỗ trợ một chút giúp chúng tôi có thể bố trí chỗ làm việc, nơi ăn ở thuận tiện nhất.

Người mang cho cái khoan, cái búa, cân chè, ấm nước, cái chậu, cái ấm đun nước, người mang cho chút đồ ăn, hoa quả, nước uống... mỗi người dân dù đang khó khăn căng thẳng vì dịch bệnh vẫn vui vẻ đóng góp một phần nhỏ cho các chiến sĩ quân y. 

Trong những ngày làm việc sau đó, gần như ngày nào bà con cũng mang cho chúng tôi đồ ăn, thức uống hay những vật dụng cần thiết. Sau những ca bệnh được xét nghiệm âm tính, ngoài những lời cảm ơn chân thành từ bà con chúng tôi còn nhận được những món quà của gia đình gửi tới trạm.

Thực sự trân trọng hơn khi những ca F0 khỏi bệnh còn mang ủng hộ trạm những chiếc bình oxy đã đồng hành cùng họ trong những ngày chống chọi dịch bệnh. Tình quân dân, tinh thần đoàn kết vốn là truyền thống bao đời của dân tộc ta một lần nữa được tô đậm thêm trong giai đoạn đầy khó khăn này.

Chuyến xung trận đặc biệt đầy cảm xúc nơi tâm dịch của người lính quân y - 5

Những người lính quân y mang theo túi thuốc điều trị do Cục Quân y cấp, chuẩn bị lên đường đến từng nhà các F0 đang được điều trị tại nhà để phát cho người bệnh.

Mong mỏi lớn nhất lúc này

"Chiến thắng" - đó là mong mỏi lớn nhất không chỉ của chúng tôi mà là của tất cả người dân Việt Nam chúng ta. Ai cũng mong muốn cuộc sống sớm trở lại bình thường để mọi người được tiếp tục với công việc, với đam mê và với hạnh phúc của mình.

Mong mỏi người dân tuân thủ các hướng dẫn, quy định phòng chống dịch bệnh, mong mỏi người dân vì mình và vì cộng đồng. Mong mỏi anh chị em tuyến đầu chống dịch khắc phục mọi khó khăn, đã cố gắng rồi cố gắng hơn nữa để cứu chữa được nhiều bệnh nhân. Mong mỏi cả xã hội đoàn kết, chung tay cùng nhau chúng ta chắc chắn sẽ chiến thắng dịch bệnh!

Dòng sự kiện: Quân đội chống dịch

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm